25 người chết, mất tích vì mưa lũ; thiệt hại hơn 110 tỷ đồng

GD&TĐ - Tính đến chiều 25/6, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc đã làm 25 người chết và mất tích; hàng trăm nhà bị cuốn trôi hoặc hư hỏng phải di dời khẩn cấp; nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở, ách tắc,... tổng thiệt hại lên tới hơn 110 tỷ đồng.

Nước lũ phá vỡ một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 279 từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại - Ảnh: Lao Động
Nước lũ phá vỡ một số đoạn trên tuyến Quốc lộ 279 từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại - Ảnh: Lao Động

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 17h00 ngày 25/6 mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc đã làm 14 người chết (Lai Châu 11 người, Hà Giang 3 người); 11 người mất tích do lũ cuốn trôi (Lai Châu).

Nhà bị đổ, cuốn trôi: 67 nhà (Hà Giang: 17 nhà, Lai Châu: 26 nhà, Thái Nguyên: 24 nhà); nhà bị hư hỏng, thiệt hại và di dời khẩn cấp: 379 nhà (Hà Giang: 46 nhà, Lai Châu: 128 nhà, Thái Nguyên: 204 nhà, Lào Cai: 01 nhà); nhà bị ngập nước: 769 nhà (Hà Giang: 751 nhà, Lào Cai: 18 nhà).

Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 735 ha lúa và hoa màu bị mất, thiệt hại. 

Về giao thông:Các tuyến đường quốc lộ 4D đoạn K71-Km85 xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 từ Km356-Km378; Quốc lộ 279 đoạn Km162+200; Quốc lộ 4H đoạn Km190-Km354; Quốc lộ 4C đoạn Km62-Km67 bị sạt lở nặng nề gây ách tắc giao thông.

Một số tuyến đường tỉnh lộ thuộc Lai Châu bị sạt lở còn gây tắc nghẽn giao thông: Tỉnh lộ 127 đoạn Km0-Km55; Tỉnh lộ 128 đoạn Km0-K20; Tỉnh lộ 129B đoạn K0+450; Tỉnh lộ 136 Km13+000 và Km19-Km21; Tỉnh lộ 133 đoạn Km2-K72; Tỉnh lộ 134 đoạn Km5-K45…

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 110,6 tỷ đồng (Hà Giang: 14 tỷ đồng, Lai Châu: 90 tỷ đồng, Thái Nguyên: 0,32 tỷ đồng, Lào Cai: 6,3 tỷ đồng).

Lai Châu: 11 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ

Tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu chiều tối ngày 25/6 cho biết: Từ 19h ngày 23/6 đến 7h ngày 25/6, tỉnh Lai Châu đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được trong 36 giờ qua có một số trạm có mưa rất to như Nậm Giàng: 463 mm; Căn Co: 439,1 mm; Nậm Tăm: 314 mm; Nà Hừ: 323 mm… Mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, đá làm thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân.

Đến thời điểm chiều tối 25/6, toàn tỉnh Lai Châu có 11 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ. Về tài sản, có 153 căn nhà bị đất đá trôi sạt vào nhà, 4 trại nuôi cá nước lạnh tại huyện Tam Đường bị cuốn trôi, 47 con trâu, hàng nghìn gia cầm bị lũ cuốn trôi, 280 ha lúa bị lũ tàn phá.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Lai Châu - Ảnh: VOV
 Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Lai Châu - Ảnh: VOV

Về giao thông: Có 1 cầu treo, 1 cầu bê tông nội đồng huyện Than Uyên; 02 cầu treo, 02 cầu tạm huyện Tân Uyên; 02 cầu tạm huyện Mường Tè bị lũ cuốn trôi. Một số tuyến đường quốc lộ bị sạt lở nặng nề gây tắc nghẽn giao thông: Quốc lộ 4D Km 71-Km 85 đoạn qua xã Sơn Bình huyện Tam Đường; quốc lộ 32 Km 356-Km 378; quốc lộ 279 đoạn Km 162+200; quốc lộ 4H đoạn Km 190-Km 354.

Một số tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Tuyến đường tỉnh lộ 127 Km 0-Km 55, tỉnh lộ 128 Km 0-Km 20, tỉnh lộ 129B Km 0+450, tỉnh lộ 136 Km 13+300 và Km 19-Km 21, tỉnh lộ 133 Km 2-Km 72, tỉnh lộ 134 Km 5-Km 45. Tuyến đường đến bản Nậm Cầy xã Xà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) bị sạt, lở làm cô lập khoảng 20 hộ dân, phải tiếp tế mỳ tôm và nước uống.

Ước khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường khoảng trên 800.000 m3.

Về thủy lợi: 41 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi (Mường Tè: 03 công trình thủy lợi và 01 công trình nước sinh hoạt; huyện Nậm Nhùn: 01 công trình thủy lợi; huyện Than Uyên 01 công trình thủy lợi, 01 kè; huyện Tân Uyên: 20 công trình thủy lợi và 16 công trình nước sinh hoạt)Tài sản khác: 17 cột điện bị đổ gãy (04 cột huyện Sìn Hồ, 06 cột huyện Tam Đường, 07 cột huyện Tân Uyên); 01 trường THPT, trụ sở UBND xã Phúc Than huyện Than Uyên, phòng Giáo dục huyện Tân Uyên bị đổ tường bao. 

Hà Giang mưa lũ làm 3 người chết

Tại Hà Giang, tính đến 12 giờ ngày 25/6, mưa lũ đã làm 3 người chết. Có 8 ngôi nhà tại huyện Quang Bình và huyện Vị Xuyên bị sập hoàn toàn; 58 ngôi nhà tại huyện Quản bạ, Vị Xuyên, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Quang và Mèo Vạc bị ảnh hưởng do sạt lở; 27 nhà tại huyện Quản Bạ; Yên Minh, Xín Mần, Vị Xuyên bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 837 nhà tại TP Hà Giang,Vị Xuyên, Quản Bạ và Yên Minh bị ngập úng; 20 nhà tại huyện Bắc Quang phải di dời...

Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).
 Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).

Nhiều tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ bị sạt lở, sụt lún, đứt  gẫy với khối lượng lớn; nhiều công trình kênh mương  và trụ sở thôn bị hư hỏng; 2 cột điện 0.4kv bị gãy đổ. Ước tổng thiệt hại 24 tỷ đồng.

Ngay khi xảy ra mưa lớn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi cơ sở nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục. Các huyện, thành phố đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm bắt diễn biến của thời tiết và xử lý thông tin kịp thời; thực hiện tốt phương án đã xây dựng để xử lý, khắc phục thiên tai.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới, dải mây đối lưu gây mưa tiếp tục duy trì và phát triển, gây mưa to đến rất to trên địa bàn các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, TP Hà Giang và các khu vực lân cận.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.