"Thánh đường" khoa học và giáo dục

GD&TĐ - Tọa lạc giữa thung lũng Quy Hòa xinh đẹp trong một khuôn viên rộng 20ha, Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) được người dân thành phố biển Quy Nhơn xem như là “thánh đường” của khoa học và giáo dục.

"Thánh đường" khoa học và giáo dục

1.

Trung tâm do hai kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp là Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou thiết kế với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng tiện ích cho các nhà khoa học. “Tư tưởng kiến trúc của công trình này là hài hòa với thiên nhiên, chứ không thách thức thiên nhiên. ICISE không có những tòa cao ốc mà chỉ có hội trường lớn 300 chỗ ngồi, hội trường nhỏ 100 chỗ ngồi, khách sạn bốn sao, nhà hàng, quán cà phê, các ngôi nhà một tầng theo kiểu bungalow dưới tán lá dừa xanh, những ngôi nhà trầm tư, phòng trị liệu nước, bể bơi nước ngọt, nhịp cầu qua suối, lối dạo bộ len lỏi dưới rừng cây…” - kiến trúc sư Thomas Rouyre cho biết.

Đúng như thiết kế ban đầu, quần thể trung tâm ICISE mang kiến trúc thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên thơ mộng và yên tĩnh với những hàng dừa tỏa bóng và dòng suối uốn quanh, xa xa là bãi biển Quy Hòa còn khá hoang sơ, dốc Mộng Cầm, đồi Thi Nhân, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử yên nghỉ, những ngọn núi xanh biếc trên đèo Cù Mông nối tiếp vào dãy Trường Sơn huyền thoại.

Công trình có hai phần kiến trúc rõ rệt, chân đế được làm từ đá khai thác tại địa phương, phần thượng tầng với kết cấu bê tông trần không sơn phết. Điểm nhấn của công trình là những hàng cột bê tông thô nhám song song vươn cao, mang đến cho công trình sự vững chãi và vẻ đẹp thâm trầm. Mặt tiền của tòa nhà được thiết kế xen kẽ giữa các ô cửa kính trong suốt và mờ đục, cho phép người ngồi bên trong không bị mặt trời chiếu vào mà vẫn quan sát được cảnh vật bên ngoài. Gam màu chủ đạo của công trình là xám nâu, nổi bật giữa màu xanh biếc của những rặng dừa, phi lao và thảm cỏ. Có thể nói, sự đơn giản trong cấu trúc, kiến trúc mang phong cách Pháp vừa cổ điển vừa hiện đại cùng sự hài hòa với thiên nhiên đã mang đến cho công trình vẻ đẹp trí tuệ của nơi được xem là “hạt nhân”, “thánh đường” của khoa học và giáo dục. Vừa rồi, công trình vinh dự được đề cử là 1 trong 16 trường đẹp của Liên hoan Kiến trúc Thế giới (tổ chức tại Berlin, Đức, 2017).

2.

ICISE do Giáo sư Trần Thanh Vân (người Pháp gốc Việt), Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) sáng lập và điều hành. Được khánh thành vào năm 2013, đến nay trung tâm đã đi vào hoạt động đều đặn và hiệu quả với nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và nước ngoài, trở thành điểm đến của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Tính đến nay, tại ICISE đã tổ chức 16 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao, 9 trường vật lí chuyên đề với hơn 2.500 nhà khoa học quốc tế và trong nước tham gia. Có 13 nhà khoa học đạt giải Nobel, 2 giáo sư đoạt giải Fields (giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực toán học), 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực thiên văn học) cùng hàng nghìn giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học trong nước và thế giới đến trung tâm để trao đổi, chia sẻ về các vấn đề khoa học và truyền niềm say mê khoa học cho thế hệ trẻ.

Trong năm 2017 này, từ tháng 3 đến tháng 10, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE tổ chức 18 sự kiện khoa học quốc tế, 12 hội thảo khoa học quốc tế, 6 trường học chuyên đề khoa học quốc tế. Ngày 7/7/2017, tại ICISE, hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” đã chính thức khai mạc. Đây là hội nghị lớn nhất trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12, với sự tham gia của 5 nhà khoa học đạt giải Nobel, khoảng 250 nhà khoa học quốc tế và trong nước cùng đại diện của các tập đoàn kinh tế lớn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tại hội nghị này, nhiều nhà khoa học danh tiếng của Việt Nam trên thế giới cũng trở về tham dự như: GS Đàm Thanh Sơn (Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, ĐH Chicago), GS Trịnh Xuân Thuận (NASA, Mỹ), GS Phạm Quang Hưng (ĐH Virgina, Mỹ), TS Nguyễn Trọng Huyền (NASA, Mỹ)…

Ngày 27/7/2017, tại Quy Hòa, nhân chuyến thăm và thảo luận về khoa học ở Việt Nam, GS Gerardus ’t Hooft (người Hà Lan, Nobel Vật lý năm 1999) đã cùng 70 nhà khoa học đến từ 19 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới tham gia dự lễ đặt biển tên đường “Đại Lộ Khoa Học” từ Quốc lộ 1D dẫn vào trung tâm ICISE. Đây là con đường khoa học đầu tiên ở Việt Nam. Buổi lễ do UBND tỉnh Bình Định và ICISE phối hợp tổ chức.

Tại buổi lễ, GS Trần Thanh Vân cho biết: “Nhiều người hỏi tôi đây là con đường nhỏ sao lại đặt tên “Đại Lộ Khoa Học”. Chúng tôi nghĩ, đường nhỏ hay to không quan trọng mà điều cốt yếu là tinh thần, trí tuệ của khoa học ở bên trong con đường nhỏ đấy. Đây sẽ là con đường mở ra một đô thị khoa học tại Việt Nam và thế giới”. Còn GS Gerardus ’t Hooft chia sẻ: “Tôi đã từng tham dự nhiều lễ đặt tên và đã đặt tên cho rất nhiều con đường khoa học trên thế giới. Tôi lấy làm tiếc vì nhiều công trình mới thành lập đã phải tạm dừng vì nhiều lý do. Tôi hi vọng lần này, “Đại Lộ Khoa Học” tại Quy Nhơn sẽ mở ra mãi mãi cho Việt Nam và thế giới. Trung tâm ICISE của giáo sư Trần Thanh Vân sẽ là nơi hội tu, gặp gỡ và trao đổi của những nhà khoa học trên toàn thế giới”

3.

Bằng tâm huyết với khoa học và tấm lòng với quê hương, vợ chồng GS Trần Thanh Vân thành lập ICISE với mục đích ban đầu là một trung tâm hội nghị, nhằm phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ sinh viên, các nhà khoa học trẻ Việt Nam và châu Á hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Sau đó, GS Trần Thanh Vân và vợ mình, GS Lê Kim Ngọc - nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới - đề xuất xây dựng khu Quy Hòa thành khu đô thị khoa học với diện thích 150ha, gồm các hạng mục công trình như: nhà chiếu hình vũ trụ nói về lịch sử các hành tinh, quy luật vận động của các vì sao; khu khám phá khoa học tạo sự tương tác giữa con người với ứng dụng khoa học; đài quan sát thiên văn (công trình duy nhất tại Việt Nam hiện nay); khu nghỉ dưỡng cho các nhà khoa học nghỉ ngơi, chuyên tâm nghiên cứu; các trung tâm nghiên cứu khác…

Như vậy, khi dự án được hoàn thành, khu đô thị khoa học Quy Hòa mà tâm điểm là tòa nhà ICISE được kỳ vọng sẽ trở thành “cửa sổ” nhìn ra vũ trụ, là “hạt nhân” của nghiên cứu khoa học và giáo dục của Việt Nam, điểm đến tin cậy của các nhà khoa trên thế giới và trong nước, nơi chắp cánh cho những tài năng khoa học trẻ, nơi truyền ngọn lửa tri thức và niềm đam mê khoa học cho các thế hệ trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ