“Nóng” chuyện quản lý dinh vua Mèo

GD&TĐ - Cháu nội của “vua Mèo” - ông Vương Duy Bảo rất bức xúc trước việc dinh thự của dòng họ Vương chưa hề hiến cho Nhà nước mà đã bị cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn (Hà Giang). 

Một trong những vật dụng còn sót lại trong dinh thự
Một trong những vật dụng còn sót lại trong dinh thự

Dẫu đã được Chính phủ chỉ đạo sửa sai nhưng đến nay đất nhà Vương vẫn chưa được trả cho con cháu nhà họ Vương. Tuy nhiên, ông Vương Duy Bảo cho rằng, cùng với việc cấp trả lại sổ đỏ cho những người thừa kế hợp pháp, quan trọng hơn là việc quản lý, sử dụng tài sản trên đất thuộc khu dinh thự như thế nào thì đến nay cơ quan chức năng vẫn… làm ngơ.

Trả đất cho họ Vương

Sau những “lùm xùm” về quyền sở hữu hợp pháp khu dinh thự nhà Vương - dinh vua Mèo - tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang), báo chí và dư luận xã hội cho rằng quyền thừa kế hợp pháp là của con cháu nhà Vương. Cuối tháng 10/2018, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về Khu di tích kiến trúc - nghệ thuật nhà Vương, khẳng định khu nhà Vương được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia.

Quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất dinh vua Mèo thuộc những người được quyền thừa kế hợp pháp của dòng họ Vương. Việc địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của dinh vua Mèo cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn là không đúng quy định của pháp luật; hiện giấy chứng nhận này đã được thu hồi.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp làm việc với gia tộc họ Vương để chỉ đạo việc rà soát, xác định ranh giới khu đất. Sau đó sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khu nhà Vương theo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng được giao cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các hộ đã di dời ra ngoài khu di tích.

Dinh vua Mèo có kiến trúc độc đáo

Dinh vua Mèo có kiến trúc độc đáo

UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương trao đổi, thống nhất với gia tộc họ Vương rà soát, hoàn thiện lại quy chế và thực hiện việc quản lý, sử dụng khu di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trước đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khu dinh thự họ Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn và thừa nhận việc làm sai luật này là do “nhầm lẫn”. Tuy nhiên, đến nay việc cấp sổ đỏ lại cho những người thừa kế hợp pháp vẫn như “bóng chim tăm cá”, bức xúc hơn là việc bàn thảo về vấn đề quản lý, khai thác tài sản trên khu dinh thự vua Mèo vẫn “dậm chân tại chỗ”.

“Nóng” chuyện quản lý tài sản trên đất

Chiều 18/1, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vương Duy Bảo - cháu nội của vua Mèo Vương Chí Sình - cho biết, đến nay tỉnh Hà Giang vẫn chưa hoàn thiện việc cấp sổ đỏ lại cho những người thừa kế hợp pháp của dòng họ Vương. Gần 2 tháng, kể từ khi Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 419/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về một số nội dung liên quan đến Khu Di tích kiến trúc - nghệ thuật nhà Vương nhưng mọi chỉ đạo vẫn chưa có kết quả rõ rệt.

Theo thông báo, kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gồm 3 điểm chính: Thứ nhất, khẳng định quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất dinh vua Mèo thuộc những người được quyền thừa kế hợp pháp của dòng họ Vương. Thứ hai, giao cho tỉnh Hà Giang và các bộ, ngành hữu quan làm thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các hộ đã di dời theo quy định pháp luật. Cuối cùng là việc các cơ quan chức năng của Hà Giang, trao đổi, thống nhất với gia tộc họ Vương rà soát, hoàn thiện quy chế, thực hiện quản lý sử dụng khu di tích theo Luật Di sản và pháp luật khác liên quan.

Du khách đến tham quan dinh thự vua Mèo
  • Du khách đến tham quan dinh thự vua Mèo

Ông Bảo cho rằng, việc trả lại quyền sở hữu đất cho dòng họ Vương là đương nhiên khi Chính phủ đã có công văn chỉ đạo. Như vậy, ở đây ông Bảo và các chủ thể có quyền sở hữu liên quan phải là đối tượng được cấp, trả lại sổ đỏ. Tuy vậy, từ đó đến nay, ông Vương Duy Bảo, người có quyền lợi liên quan vẫn chưa hề nhận được bất cứ thông tin chính thống nào của các cơ quan liên quan của tỉnh Hà Giang về việc cấp lại sổ đỏ cho ông và những người trong dòng tộc, mà vẫn phải tiếp cận thông tin theo kiểu đi… xin.

Dẫu vậy, theo ông Bảo, việc cấp sổ đỏ không phải có thể giải quyết một sớm, một chiều mà quan trọng hơn là thực hiện ý kiến chỉ đạo thứ 3 trong công văn kết luận của Văn phòng Chính phủ đó là trao đổi, thống nhất hoàn thiện quy chế, thực hiện quản lý sử dụng khu di tích vua Mèo.

“Chính phủ khẳng định Khu Di tích nhà Vương thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, những người thừa kế hợp pháp của dòng họ Vương. Chính quyền tỉnh Hà Giang cũng đã nhận sai và khẳng định có nhầm lẫn trong việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn. Vậy, tại sao không bàn sớm việc quản lý di tích và tài sản trên đất thuộc khu di tích. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi tài sản, di tích thất thoát, hư hại. Ai sẽ được hưởng lợi từ việc khai thác di sản nếu không phải dòng tộc họ Vương - những người có quyền sở hữu hợp pháp?” - ông Bảo nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.