Cần sự minh bạch và công bằng

GD&TĐ - Sau một thời gian thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường (từ 1/8/2018), UBND TPHCM vừa giao Sở VH-TT, Sở GTVT, Công an TP, Sở TN&MT, Ban quản lý Công viên lịch sử văn hóa - dân tộc tùy theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách nghiên cứu các quy định pháp luật, khẩn trương xây dựng đề án thu 5 loại phí.

Thu phí vỉa hè - Người dân cần minh bạch và công bằng
Thu phí vỉa hè - Người dân cần minh bạch và công bằng

Thu phí để giảm ùn tắc, lộn xộn

Ngoài phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, TPHCM dự kiến sẽ thu thêm phí tham quan công trình văn hóa, phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung.

Thực tế, Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được thực hiện từ ngày 1/8/2018, nhằm mục tiêu kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, tăng tính khả thi cho các dự án bãi giữ xe công cộng theo hình thức xã hội hóa…

Mức phí được UBND TPHCM tạm ban hành tối thiểu là 20.000 đồng/xe/giờ (khu vực quận 10) và 25.000 đồng/xe/giờ (quận 1, quận 5), tính lũy kế các giờ tiếp theo. Theo đó, để thanh toán, người đỗ xe có thể thực hiện qua ứng dụng My Parking trên thiết bị di động thông minh hoặc hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại tới đầu số 1008.

Kể từ tháng 8/2018, TPHCM cũng đã triển khai thí điểm thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè khi dừng, đậu xe ô tô trên 23 tuyến đường với mục tiêu hạn chế sử dụng ô tô cá nhân, giảm kẹt xe, lập lại mỹ quan đô thị.

Sau một thời gian thí điểm và hoàn thiện đề án thu phí theo Nghị quyết của HĐND TPHCM, TP dự kiến thu các loại phí trên từ đầu tháng 8/2019 với sự thông qua mức thu cụ thể từ HĐND TPHCM.

Dân chưa thật sự hài lòng

Nói về các mức thu đề xuất và chính sách thu phí tạm thời sử dụng lòng đường vỉa hè mà TPHCM chuẩn bị triển khai áp dụng, ông Trần Sĩ Liên - chủ hộ kinh doanh trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM cho biết: Việc TPHCM triển khai thu phí sử dụng vỉa hè là chính sách đúng, hiệu quả, gia tăng ngân sách cho TP. Bởi đặc thù của đô thị TPHCM việc sử dụng vỉa hè kinh doanh là khá đặc biệt. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là với mức thu 100.000 đồng/m2 vỉa hè sử dụng cho từng hộ kinh doanh, cá nhân sẽ thật sự công bằng không khi nhiều nơi các hoạt động “đen” thu phí lòng đường (dừng, đậu xe) không ai kiểm soát, rồi chưa kể các hoạt động kinh doanh, buôn bán tự do, tự phát tràn lan khắp các tuyến phố, vỉa hè của TPHCM.

Riêng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, mức phí mà TP xây dựng tạm tính theo từng quận, huyện như: Quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng, quận 3 là 80.000 đồng/m2/tháng, quận 5 là 50.000 đồng/m2/tháng, quận 10 là 45.000 đồng/m2/tháng, quận Phú Nhuận 40.000 đồng/m2/tháng, quận 11 là 35.000 đồng/m2/tháng, quận 4 và quận Bình Thạnh là 30.000 đồng/m2/tháng, quận 6 và quận Tân Bình 25.000 đồng/m2/tháng. Các quận, huyện: 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ 20.000 đồng/m2/tháng.

“Người dân kinh doanh cụ thể và trực tiếp như chúng tôi thì không nói gì, với 10m2 sử dụng vỉa hè kinh doanh, một tháng tôi mất 1 triệu đồng tiền phí. Nhưng đó là vỉa hè trước nhà tôi, nơi tôi đang ở. Vì vậy, việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường cần được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, tránh nảy sinh sự bất bình đẳng thì mới mong chính sách thu bền vững” - ông Liên nói.

Cũng chung quan điểm với ông Liên, bà Nguyễn Phương Minh - chủ hộ kinh doanh quần áo trên đường Võ Văn Tần, quận 3 cho rằng: Việc thu phí cần phải được tính toán kỹ, tránh gây bức xúc cho người dân. Vấn đề thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài phạm vi được sở hữu sử dụng của từng cá nhân chúng tôi đồng tình. Tuy nhiên, việc quản lý việc thu phí làm sao để tránh sự bát nháo mới là vấn đề đáng quan tâm. “Không thể thu gia đình tôi 80.000 đồng/m2 vỉa hè ngoài phạm vi sử dụng nhưng lại không thu đối với các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh bán dạo hoặc hoạt động dừng đỗ xe…”, bà Minh nói.

Chia sẻ về những băn khoăn của người dân trước thời điểm TPHCM thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết: Theo Luật Giao thông đường bộ, TPHCM đã ban hành Quyết định 74/2008 quy định cụ thể việc triển khai sử dụng vỉa hè. Theo đó, có 6 trường hợp được sử dụng vỉa hè, đó là hoạt động tổ chức tiệc cưới, tang lễ; hoạt động trông giữ xe công cộng có thu phí; phục vụ thi công xây dựng để sửa chữa các công trình; buôn bán hàng hoá; hoạt động xã hội; để xe tự quản trước nhà… Tuỳ từng trường hợp sẽ có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của vỉa hè là ưu tiên cho người đi bộ.

“Nếu vỉa hè có diện tích trên 3m tính từ mép nhà trở ra thì chủ nhà mặt đường được sử dụng 1,5m nhưng cần bảo đảm ngăn nắp, sử dụng hợp lý. Với vỉa hè thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước, các đơn vị chỉ tạm sử dụng và thu phí. Đường nào cho phép kinh doanh thì mới được sử dụng. Còn đường nào cho phép trông xe thì chỉ được để xe. Cái này UBND TP đã có những quy định cụ thể cho từng tuyến đường. Thu phí bao nhiêu, tất cả vẫn chờ HĐND TPHCM xem xét và thông qua dựa trên đề xuất của các ban, ngành”, ông Đường cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ