Thời khốn khó của trường tư Nhật Bản

GD&TĐ - Có lịch sử phát triển lâu đời và đặc biệt phát triển nhanh thời hậu Thế chiến II nhờ vào sự cởi mở của luật pháp, tuy nhiên trường tư Nhật Bản đang đứng trước khó khăn lớn do tỉ lệ sinh thấp…

Thời khốn khó của trường tư Nhật Bản

Lịch sử phát triển lâu đời

Xu hướng trong 2 thập kỉ qua cho thấy, số trường tiểu học và THCS tư đã tăng lên, trong khi số trường THPT tư vẫn hầu như giữ nguyên. Các chuyên gia giáo dục chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có nhu cầu của phụ huynh tăng lên đối với giáo dục tốt hơn ở tuổi nhỏ hơn.

Mô hình trường tư đặc biệt phát triển mạnh ở bậc giáo dục đại học tại Nhật Bản. Hệ thống trường đại học tư ở Nhật Bản hầu như không được trợ cấp của nhà nước.

Phần trợ cấp của nhà nước chỉ ở khoảng 10%, còn 90% là thu từ học phí. Cho nên để đảm bảo sự hoạt động của nhà trường thì học phí của học sinh tương đối cao. Tỷ lệ học sinh vào các trường đại học công ở Nhật rất ít, số này chỉ ở khoảng 5%, còn lại là vào các trường tư.

Trường tư có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản. Từ năm 828, giáo sĩ Kukai đã thành lập Shugei Shuchi-in tại Kyoto dạy đạo Khổng tử và Phật giáo.

Vào thời kì hậu Thế chiến II, luật thay đổi cho phép phát triển nhanh trường tư. Theo Hiệp hội Trường ĐH tư Nhật Bản thì có 3 lí do nhân rộng cái gọi là “cơ sở kinh doanh giáo dục” – đơn vị chủ quản các trường tư thục.

Thứ nhất là nhấn mạnh vào giáo dục giá trị truyền thống; Hai là giúp bồi dưỡng kiến thức cho lao động trong giai đoạn hậu chiến khi chính quyền trung ương không thể đáp ứng đầu tư cần thiết; Ba là trong khi các trường ĐH quốc gia đào tạo lãnh đạo vĩ mô cho chính phủ và doanh nghiệp thì các trường ĐH tư đáp ứng đào tạo chuyên gia quản lí tầm trung.

Dễ mở - Khó duy trì

Người đăng kí kinh doanh lĩnh vực giáo dục tư nhân ở Nhật không cần được đào tạo chuyên biệt hoặc có bằng cấp cao. Một trường tư hoạt động giống như một doanh nghiệp được thành lập bởi các doanh nhân bất chấp bằng cấp của họ là gì.

Tuy nhiên thủ tục đăng kí đòi hỏi phải có một kế hoạch kinh doanh vững chắc như số lượng học sinh và tỉ lệ giáo viên/học sinh nhất định.

Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm đánh giá đơn đăng kí mở trường tư hoặc trường nghề. Chính quyền các thành phố chịu tránh nhiệm cấp phép mở trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT tư nhân.

Có nhiều điểm tương đồng giữa trường tư với các doanh nghiệp. Luật Trường tư năm 1949 là công cụ pháp lí cơ bản cho việc thành lập và giám sát trường tư tại Nhật Bản.

Chính quyền thành phố có các hội đồng trường tư xây dựng khung hoạt động cho các trường tư hệ 12 năm. Thành viên hội đồng được thị trưởng lựa chọn dựa vào kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến giáo dục. Theo luật thì hội đồng nên gồm từ 10 - 20 thành viên.

Rào cản lớn nhất cho việc thành lập trường tư là gì? Chỉ gói gọn trong một từ: Tiền. Theo khoản 1, điều 25 của Luật Trường tư, điều kiện tiên quyết người xin mở trường cần đáp ứng là phải có ngân quỹ cũng như tài sản cần thiết cho việc mở và duy trì hoạt động của trường.

Với số trẻ em dưới 14 tuổi dự kiến giảm từ khoảng 15,5 triệu hiện tại xuống khoảng 13,2 triệu vào năm 2030, số đơn xin thành lập trường mẫu giáo, tiểu học và THCS chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới.

Sự cạnh tranh cũng sẽ nảy sinh khi các trường tư đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc sát nhập.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, năm 2015 nước này có 20.601 trường tiểu học tư thục, trong đó chỉ có 227 trường tư. Cùng năm này, trong tổng số 10.484 trường THCS có 774 trường tư. Còn ở bậc THPT, trong 4.939 trường có 1.320 trường tư, chiếm 26,7%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.