Thời bao cấp thiếu thốn nhưng không ít niềm vui |
(GD&TĐ) - Nghĩ về thời bao cấp, ai đã trải qua đều thấy hãi. Chưa nói đến các điều kiện sinh hoạt khác, chỉ nói về cái ăn thôi đã hoa cả mắt. Thực tế tụi tôi phải ăn châu chấu, ăn ve sầu, nhện, bọ xít, ăn khoai bi của lợn hay khoai ngứa…
1. Bao cấp, mẹ đẻ em được ba tháng thì phải lên lớp dạy học. Bà nội bà ngoại không ở cùng khu tập thể, nên mẹ gửi em gái tôi vào nhà trẻ của trường.
Hai đứa trẻ nằm trở đầu đuôi trong một cái nôi. Đứa này tè thì đứa kia cũng ướt, cô trông trẻ bận quá hay mải buôn chuyện nên chẳng buồn sờ đến em. Còn tôi, tan lớp học thì chạy ào đến nhà trẻ tìm em.
Tôi chỉ sợ người ta đánh cắp mất em gái xinh xắn của tôi. Em gái Hũn của tôi trắng trẻo và bụ bẫm nhất trong đám gửi trẻ. Nhân lúc cô trông trẻ không để ý, tôi tuồn vào phòng giữ trẻ. Nhìn thấy em gái nằm ngọ nguậy trong nôi, tôi mừng lắm. Nhưng lại lo nhỡ người ta thấy em xinh quá, bế nhầm mất thì sao.
Thế là tôi bèn đánh dấu em bằng cách, bấm móng tay lên giữa hai lông mày em. Em đau quá khóc ré lên, tôi vội chuồn lẹ, biết là làm em đau, nhưng bù lại trên trán em đã có vết móng tay tôi đánh dấu. Nỗi lo của một đứa trẻ thời bao cấp nó dại dột khốn khổ đến vậy.
2. Bao cấp, nếu được một bữa đủ cơm cho cả nhà đã là hạnh phúc lắm rồi. Mẹ dù cho có đi chợ thì cũng chỉ mua thêm dầu đèn thắp để thức đêm soạn giáo án và cho tôi làm bài tập về nhà, không bao giờ có chuyện mua được đồng quà tấm bánh cho con.
Trung thu là Tết trẻ con, mà tụi tôi mỗi đứa cũng chỉ được chia ba múi khế chua loét, năm viên kẹo trứng chim chảy nước dính keo vào nhau, nhân lạc còn bị thối mốc, thế mà vẫn tắc lẻm và thèm thuồng mãi. Em gái của tôi lớn lên một chút lại hay hờn dỗi. Em thường khóc rất lâu mỗi khi ngủ dậy. Để dỗ cho em thôi khóc, mẹ thường xúc cho em một thìa đường đỏ (đường hoa mai) vào một cái chén con, cắm luôn cả một cái tăm vào chén.
Thế là em thôi khóc, cặm cụi ngồi trên chõng tre, lấy tăm lẩy từng hạt đường đỏ bỏ miệng chép chép. Còn tôi đi qua đi lại, mắt liếc liếc vào chén đường của em. Thèm lắm nhưng mẹ đã cất lọ đường vào tủ khóa kỹ.
3. Bao cấp, cái xe đạp cũ long lở sơn của mẹ vẫn là cả một thế giới kỳ diệu đối với tôi. Tranh thủ lúc mẹ mải làm việc không để ý, tôi len lén dắt xe của mẹ ra tập đi trong sân khu tập thể. Mẹ dọa, tao bắt được mày đi xe tao đập què chân. Mẹ đập thật, cái xe đạp là cả gia tài lúc đó, mua bằng cả ba tấn thóc chứ ít ỏi gì đâu. Lỡ nó hỏng cái săm thì phải đợi tới năm sau mới đến lượt được cấp phiếu mua săm.
Dù vậy, tôi vẫn sờ mó dùng trộm cái xe của mẹ mỗi khi có dịp. Khi Tết đến, không gì hạnh phúc bằng lúc mẹ bảo, hôm nay mùng một, cho mày mượn xe của mẹ đi chơi. Tim tôi đập rộn ràng, tay chân tôi run rẩy cuống cuồng, tôi mặc áo mới, xức nước hoa Liên Xô, quàng tấm khăn bông bay đỏ, hiên ngang dắt xe đạp ra ngõ, cánh mũi vổng lên hãnh diện, có cả một đoàn trẻ con bám theo xe.
4. Bao cấp, phòng ở của cả nhà tôi chỉ chừng 10 mét vuông. Có cái giường vừa làm chỗ ăn, vừa làm chỗ học và đựng đồ. Mái nhà thì nhất định phải dột.
Có đêm đang ngủ thì trời mưa to, nước mưa cứ thế xối thẳng vào mặt, mẹ tôi phủ áo mưa lên nóc mùng, vẫn không thoát, nước ngấm ướt chiếu không nằm được, chúng tôi vùng dậy tìm thêm những mảnh vải nhựa rách để che chắn, thì tá hỏa khi phát hiện ra một lũ chuột tránh mưa chui vào nhà.
Ướt và rét quá nên chuột chẳng sợ người nữa, cứ run rẩy nép vào góc tường giương mắt nhìn chúng tôi.
Bao cấp, tường nhà tập thể nhất định phải long tróc. Chúng long tróc vì ba lý do. Thứ nhất là vì tường bị ẩm tự tróc, thứ hai là các cô có bầu bóc tường ra ăn để bổ sung can xi, thứ ba là tụi trẻ chúng tôi nạo tường ra lấy bột vữa giả làm mỳ chính chơi bán đồ hàng.
Thời đó chúng tôi thèm mỳ chính lắm. Mỗi bữa nấu canh, mẹ tôi khẽ nghiêng nghiêng lọ mỳ chính bé bằng ngón tay cho vài mảy bụi bột mỳ chính hạ cánh xuống thìa rồi khoắng vào bát canh rau ngót nấu suông gọi là có chút ngọt.
Nhớ lại thời bao cấp, để ngạc nhiên rằng sao khổ cực thiếu thốn tàn tệ là vậy mà tụi tôi vẫn có thể tìm thấy những vụn hạnh phúc...
Kiều Khanh