Thoát nghèo từ 3 triệu đồng vốn vay

Ông Vũ Trí Long giới thiệu trại nuôi hươu của gia đình
Ông Vũ Trí Long giới thiệu trại nuôi hươu của gia đình

Vươn lên từ bàn tay trắng

Theo con đường bê tông sạch sẽ, quanh co qua các đồi chè xanh mướt được tô điểm thêm bởi những chiếc ô che mưa cho người dân đang hái chè, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Trí Long. Nhà ông Long nằm khá sâu trong khu vực đồi chè, nhưng ô tô vẫn có thể vào tận sân. Nhà ở gắn liền với khu vực đồi nuôi hươu và trồng chè rộng chừng 4ha.

Rót trà mời chúng tôi, ông Long hồ hởi kể chuyện: “Gia đình tôi là hộ nghèo từ những năm 90. Khi đó, hai bàn tay trắng, chăn nuôi, làm cỏ, làm chè thuê, công việc  lúc có lúc không, tuy nhiên quá trình này đã mở ra định hướng việc làm về sau. Năm 2002, khởi nguồn tự tìm kiếm việc làm, tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội 3 triệu đồng để mua một cặp bò và trồng cỏ voi. Sau một năm bò đã sinh sản, trong khi cỏ voi được hợp đồng bán cho dự án chăn nuôi tại một số tỉnh phía Bắc. Nhờ kết hợp song song hai công việc này, gia đình đã có thu nhập ổn định, bắt đầu tích lũy được chút ít để vươn lên thoát nghèo”.

Có được thành công ban đầu, ông Long tiếp tục vay thêm để phát triển sản xuất, cho đến năm 2005, đàn bò đã có trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, năm 2008, do giá thu mua giảm mạnh, nuôi bò bỗng chốc trở thành thua lỗ, phải dừng chăn nuôi.

Không nản chí, ông Long tiếp tục mày mò tìm cách chuyển hướng. Trong một lần về Bắc Ninh, ông Long thấy nhà hàng mua thịt hươu với giá 230 nghìn đồng/kg, so với thịt bò thì giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Với thông tin này, ông Long đã về tìm hiểu thêm thì được biết nuôi hươu khá đơn giản. Vốn là thú hoang dã, hươu ăn ít hơn nhiều so với bò, mà dịch bệnh thì hầu như không có. Từ đó, ông Long quyết định tiếp tục vay vốn để chuyển sang nuôi hươu.

Nhờ mát tay nuôi nấng, môi trường thích hợp, đàn hươu sinh sôi nhanh chóng, đến nay đã có gần 30 con, phân nửa trong số đó là hươu đực. Mỗi con hươu đực một năm có thể khai thác được từ 25 - 28 triệu tiền nhung. Hươu cái để sinh sản, từ đó cung cấp giống cho các hộ nông dân khác…

Khu vực đồi cây nuôi hươu
 Khu vực đồi cây nuôi hươu

Ngoài chăn nuôi, ông Long còn tăng gia vườn chè, ngô, cỏ... Những công việc chăm bón, thu hái trong mô hình kinh tế của ông đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 130 - 150 nghìn đồng/ngày... Tổng thu nhập sau khi đã trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình ông Long được khoảng 300 triệu đồng.

Tín dụng cho thoát nghèo và phát triển kinh tế

Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Chi nhánh NH Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, gia đình ông Long là một mô hình điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế. Hiện ông Long là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm với 16 thành viên, vốn quản lý là 470 triệu đồng cho 4 chương trình cho vay là vốn giải quyết việc làm, hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Cả xóm có 127 hộ gia đình, 81 hội viên nông dân. Công tác thu nợ nhiều năm nay đều rất tốt, không có nợ quá hạn.

Trao đổi về chương trình tín dụng thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Hồng cho biết, chi nhánh đang thực hiện 16 chương trình tín dụng, trong đó có tín dụng hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm… các chương trình này đã được triển khai tốt ở địa phương.

Tổng nguồn vốn chính sách xã hội chi nhánh đang quản lý gần 3.400 tỷ đồng, trong đó có 140 tỷ đồng là vốn giải quyết việc làm, chiếm 4,5% nguồn vốn, vì vậy còn rất thiếu so với nhu cầu. Rất nhiều lao động tại chỗ ở nông thôn có độ tuổi từ 35 trở lên, muốn được vay vốn từ 50 - 100 triệu đồng cho các mô hình sản xuất như: trồng cây ăn quả, chăn nuôi, phát triển trang trại… Chi nhánh đã đề xuất, kiến nghị tỉnh, trung ương tiếp tục quan tâm, tăng cường nguồn vốn ngân sách, động viên các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn giải quyết việc làm cho NH Chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân trong thời gian tới.

Là người trực tiếp chăn nuôi, ông Long cho rằng, nguồn vốn vay rất hiệu quả, đặc biệt là đối với người nông dân, muốn phát triển kinh tế thì phải dựa vào nguồn vốn ưu đãi, có lãi suất thấp và thời hạn vay dài thì mới có thể quay vòng.

Ví dụ, muốn chuyển đổi vườn chè, nếu hộ nông dân có 10 triệu đồng, vay được 20 triệu đồng thì mới đủ khả năng chuyển đổi trồng chè giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn nhưng nếu không vay được thì không dám thay đổi. Bởi liên quan đến khâu chăm sóc cây chè, phải mất 3 năm mới bắt đầu được thu hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ