Thợ xây vui Tết bỏ mặc công trình

GD&TĐ - Ngày 7, 8 tháng Giêng, các cơ quan Nhà nước, kể cả học sinh đã quay trở lại công việc, học tập thường nhật. Vậy nhưng đã qua rằm tháng Giêng, đa số cánh thợ xây vẫn đủng đỉnh ở quê. Họ thất hứa, bỏ mặc công trình dang dở từ trước Tết khiến nhiều chủ nhà dở khóc, dở cười.

Ngôi nhà số 211 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang đợi thợ hoàn thiện
Ngôi nhà số 211 Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đang đợi thợ hoàn thiện

Chủ nhà dài cổ đợi thợ

Nhìn ngôi nhà với diện tích 120m2/sàn đã xây xong 6 tầng thô ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), đang trong giai đoạn hoàn thiện mà thợ nề vẫn chưa đến, chị Thu Hiền ngao ngán: “Khi đưa ra bản thiết kế, chủ thầu hứa là sẽ hoàn thiện công trình trong vòng 6 tháng nên vợ chồng tôi đã nhất trí khởi công từ đầu tháng 6/2018.

Cứ nghĩ với khoảng thời gian hơn 7 tháng, chắc chắn sẽ có nhà mới để đón Tết thế nhưng, sát Tết ngôi nhà mới chỉ xây dựng xong phần thô. Thợ xin nghỉ từ 22 Tết để kịp về quê làm lễ ông Công, ông Táo, hứa mùng 10 Tết sẽ bắt tay vào công việc hoàn thiện, vậy mà đến rằm tháng Giêng công trình vẫn bỏ ngỏ. Tôi gọi điện cho thợ, họ xin khất đến ngày 18 mới đến vì còn vướng bận nhiều việc gia đình. Đặc biệt là cả năm đi làm xa nhà, muốn được lưu lại ở quê lâu hơn với vợ con, hay chưa hết hội xuân, còn vướng đám cưới cháu…”.

Anh Lê Tuyển, Giám đốc Công ty Xây lắp Fomex cho biết: “Thời điểm nhiều việc, tôi có gần 50 thợ xây, lúc ít thì có dăm ba người. Theo quan niệm chung, thợ về nghỉ Tết từ ngày 23 tháng Chạp và sau rằm tháng Giêng mới túc tắc quay trở lại công trình. Việc này đã quá quen thuộc vì thợ vẫn còn tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi. Đa số thợ là người các tỉnh miền núi Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang và chỉ còn số ít cánh thợ già có tay nghề cao của Hà Nam, Thái Bình”.

Với tốc độ đô thị hóa những năm qua đã khiến cho bộ mặt Thủ đô Hà Nội ngày càng sạch đẹp. Nhiều gia đình đổi đời nhanh chóng, mua đất, xây nhà mới khang trang hơn. Tuy nhiên, dù kiêng việc xây nhà không nên kéo dài trong hai năm nhưng thực tế, ít có gia chủ nào hoàn thiện được nhà trong năm. Nhà xây, sửa chữa ngổn ngang, bẩn thỉu nhưng vẫn chưa có thợ, khiến chủ nhà như ngồi trên đống lửa bởi công trình càng kéo dài, càng sốt ruột, nguyên vật liệu đội giá, nhất là tâm lý trông coi thợ khiến dễ mệt mỏi.

Thợ vẫn đủng đỉnh bám quê

Cầu Giấy là một trong số những quận ngõ của Thủ đô hiện có rất nhiều công trình đang xây mới. Hầu khắp các phường có nhà xây chưa hoàn thiện. Tại số nhà 211 Trần Đăng Ninh đến thời điểm hết ngày 15 tháng Giêng, cửa chính ngôi nhà vẫn bịt kín bởi tấm tôn đỏ. Cửa phía sau mặt đường ngõ Trần Quý Kiên được bịt bằng những mảnh gỗ đóng đinh vào tường. Vợ chồng chủ nhà vẫn ngày ngày ngóng thợ xây.

Anh Nguyễn Trung Kiên, nhà ở khu Hào Nam, Ô Chợ Dừa (Hà Nội) than vãn: “Cứ nghĩ chuyển đổi vị trí thang bộ đi lên tầng hai đơn giản, hết chừng 1 tháng, ai ngờ hơn 2 tháng vẫn không xong, cả nhà tôi phải sống trên đống gạch vữa, bẩn bụi. Tâm lý chung của chủ thầu là ôm nhiều công trình trước Tết, làm cầm chừng để ra Giêng ngày rộng tháng dài có việc làm đều. Nhà sửa không xong, năm mới chẳng có chỗ tử tế để tụ tập người thân và bạn bè, đang cố đợi thợ ăn Tết xong mới quay trở lại hoàn thiện. Chắc tầm 20 tháng Giêng công việc dang dở này mới được tiếp tục”.

Chị Chu Thị Ánh, người Hà Nam cho biết, hai vợ chồng chị đi làm công trình, xa nhà cả năm, chỉ có mỗi dịp Tết về đoàn tụ với bố mẹ nội ngoại và các con. Vì thế, hết tháng Giêng anh chị mới rời quê phần bởi ông ngoại đã nhiều tuổi, bị tai biến, phần vì em trai nhiều năm ở Hàn, giờ mới có dịp ăn Tết cùng bố mẹ.

“Sau Tết tôi có 5 công trình đang dang dở. Chính vì thế, đang mong thợ như “mong mẹ về chợ” bởi gia chủ nào cũng muốn hoàn thiện công trình cho nhanh. Bản thân tôi cũng muốn bàn giao công trình để thu tiền về. Việc thuê thợ xây hiện nay đối với các chủ thợ là rất khó, nhất là dịp sau Tết, dù giá nhân công đã cao hơn ngày thường rất nhiều”, anh Tuyển cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ