Những công nhân tự do trong ngành xây dựng bị lãng quên bởi các chính sách xã hội |
(GD&TĐ) - Mặc dù trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhưng việc xây dựng, sửa chữa nhà trong đô thị vẫn đang khá sôi động, đặc biệt vào dịp cuối năm khi rất nhiều gia đình mong muốn sang năm mới được ở nhà mới… Đây cũng là cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên những vấn đề về hợp đồng, bảo hiểm đối với người lao động thì dường như đang bị bỏ qua.
Khó mua bảo hiểm
Là một thợ xây lên Hà Nội làm thuê, anh Nguyễn Văn Hợp 28 tuổi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết: Công việc xây dựng không được ổn định, có khi làm vài tháng lại nghỉ, có lúc làm công trình lớn tưởng như sẽ có nhiều việc, nhưng mới làm được chừng 2 tuần thì đã phải nghỉ do chủ công trình không còn khả năng chi trả.
Có lúc bất chợt nghĩ là chỉ làm chừng 1 tháng là xong, thế nhưng sau đó lại có chủ thầu gọi đi làm ở nơi khác nối tiếp, đều việc đến nửa năm trời. Hợp cũng cho biết thêm: “Trước kia, em đi phụ xây vừa làm vừa học dần thành thợ xây, do quen biết với một vài chủ thầu, cứ có việc thì họ gọi đi, chủ thầu này hết việc thì tìm chủ thầu khác.
Nếu không có thì đành về nhà đợi bao giờ có việc thì lại lên. Thu nhập được thỏa thuận miệng chứ không theo một hợp đồng cụ thể nào”.
Về an toàn cho người lao động làm việc ở các công trình xây dựng, theo anh Cương, một chủ thầu xây dựng cho biết: “Trang bị bảo hộ và mua bảo hiểm tai nạn không có gì khó.
Tuy nhiên, thói quen làm việc của thợ xây vốn dĩ chỉ được học nghề qua “truyền nghề”, rất ít thợ xây được đào tạo cơ bản, nên khó ép họ sử dụng bảo hộ như đeo găng tay, đội nón bảo hiểm, thắt dây an toàn khi làm việc trên cao…
Theo thời giá hiện nay, công thợ xây được tính khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ngày, còn phụ xây từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Mức chi trả này có vẻ như chưa đủ sức ràng buộc người lao động.
Thêm nữa đa số lao động có trình độ học vấn thấp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động kém, hiện tượng tùy tiện bỏ việc diễn ra khá phổ biến, vì vậy khó có thể mua bảo hiểm cho họ. Đây cũng là lý do khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ.
Chưa được quan tâm
Giá nhân công lao động trong ngành xây dựng hiện nay được cho là thấp do mặt bằng giá thi công hiện nay quá thấp.
Để nhận được việc, nhiều chủ thầu nhận giá xây nhà dưới 1 triệu đồng/m2, tuy nhiên do hạn chế về trình độ chuyên môn, khả năng quản lý kém, thiếu phương tiện thi công… nên nếu trả công cho thợ cao thì sẽ khó đảm bảo có lãi.
Vì vậy, họ luôn tìm cách tính thêm các khoản chi phí phát sinh khi thi công, đồng thời giảm thiểu các loại chi phí liên quan đến nhân công như tiền ăn, ở, công lao động…
Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho công việc, hầu hết các thợ xây thường được bố trí ăn, ngủ, sinh hoạt lại ngay tại công trình một cách hết sức tạm bợ. Không khỏi ái ngại khi chứng kiến cảnh người thợ dùng cốp pha ghép lại thành giường ngủ xung quanh là gạch, cát, xi măng… bụi bặm.
Buổi tối họ di chuyển trên những mặt sàn bê tông không có lan can, cầu thang không có bậc trong điều kiện thiếu ánh sáng… Đây là một bất cập khó tránh khỏi khi thi công những công trình trong đô thị đặc biệt là nhà tư nhân, trong ngõ hẹp…
Thực tế, không ít trường hợp tai nạn lao động xây dựng xảy ra, người lao động lại không có bất cứ một loại hình bảo hiểm nào, dẫn đến tình cảnh khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Chủ công trình vì thế cũng lâm vào tình trạng khó xử.
Được biết hiện nay, việc mua bảo hiểm tai nạn khá dễ dàng. Mức mua cũng chỉ tương đương một ngày công lao động cho một năm, với số tiền bảo hiểm cho mỗi vụ tai nạn từ 30 - 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với loại hình bảo hiểm này của thợ xây, phụ hồ nói riêng hay lao động tự do nói chung còn rất hạn chế.
Qua khảo sát sơ bộ của phóng viên, hầu hết các trường hợp được hỏi đều không mua bảo hiểm. Một số trường hợp thậm chí không biết là có loại hình bảo hiểm này.
Nguyên nhân được cho là do điều kiện làm việc, người lao động ít có cơ hội nhận được thông tin về bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều chủ thầu xây dựng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này vì họ cho rằng, người lao động trong lĩnh vực xây dựng thường ít gắn bó, tùy tiện nghỉ việc, chuyển việc khiến cho người sử dụng lao động không mặn mà trong việc tư vấn và thực hiện những biện pháp bảo hộ hiệu quả cho người lao động.
Anh Quang