Thổ Nhĩ Kỳ: Không có đất cho "Mùa xuân Ả Rập"

Thổ Nhĩ Kỳ: Không có đất cho "Mùa xuân Ả Rập"

(GD&TĐ) - Đã sang tuần thứ hai, hàng loạt cuộc biểu tình chống lại chính sách của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan chưa dừng lại. Trước đó, chính quyền kêu gọi những người biểu tình rời bỏ quảng trường Taksim ở Istanbul, nơi được gọi là “thành phố lều”. Tuy nhiên, với vị thế vững chắc của đảng Công lý và Phát triển do Recep Erdogan đứng đầu, với vị thế nổi trội của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế và khu vực, các nhà phân tích khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không có đất cho “Mùa xuân Ả Rập”.

Bạo lực tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài 4 ngày
Bạo lực tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài 4 ngày

Cuộc biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ được bắt đầu bằng một số hành động có vẻ như vô hại của các nhà bảo vệ môi trường trước việc chính quyền có ý định phá bỏ công viên Gezi ở Istanbul. Đến khi cảnh sát dùng hơi cay đàn áp người biểu tình, những cuộc chống đối mới lan rộng ra toàn quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guller, 280 văn phòng, cửa hàng cùng hàng chục xe cảnh sát trên 67 thành phố, thị trấn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đập phá. Tổng thiệt hại lên đến 40 triệu USD.

Trở về sau chuyến công du châu Phi, Thủ tướng Erdogan vội vã buộc tội các phần tử cực đoan làm loạn đất nước. Lo sợ phong trào phản đối chính phủ tiếp tục dâng cao, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục người dân nước này rằng, những cuộc bạo loạn đang xảy ra không thể được coi là những biểu hiện của một nền dân chủ. Trong khi đó, quan điểm về các cuộc biểu tình của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul có vẻ hơi khác với Erdogan. Tổng thống Abdullah Gul tuyên bố rằng phải coi những cuộc biểu tình ôn hòa như một phần của dân chủ. Những sự kiện tương tự như vậy đã diễn ra cách đây chưa lâu ở các nước phương Tây như Mỹ và Anh. Sẽ là hết sức sai lầm nếu đánh đồng các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ như các cuộc cách mạng Ả Rập tại Trung Đông- Abdullah Gul khẳng định. Một số nhà quan sát mô tả phong trào “chiếm Gezi” như một “phiên bản Thổ Nhĩ Kỳ” của “Summer of Love” (Mùa hè của tình yêu) - sự kiện gây ra bởi nhóm hippi Mỹ ở San Francisco vào năm 1967. Những người khác so sánh phong trào “chiếm Gezi” như những cuộc biểu tình “chiếm phố Wall” ở Mỹ cách đây chưa lâu..

Tuy nhiên, những người ủng hộ chính phủ đã cảnh báo rằng, một xu hướng tương tự như vậy đã diễn ra trước cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1980, khi quân đội đã phải trực tiếp can thiệp để “lập lại trật tự xã hội”. Những người này cho rằng phải can thiệp để ngăn chặn sự hỗn loạn ngay lập tức, bởi nếu không sẽ khó kiểm soát được tình hình. Thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo của phong trào phản đối không có khả năng tạo áp lực với những người biểu tình.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của dân chúng với chế độ Recep Erdogan. Chính sách “Hồi giáo hoá đất nước” của đảng Công lý và Phát triển đã bị phản kháng kịch liệt từ những người theo chủ nghĩa tự do. Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ tức giận vì chính sách hạn chế bán đồ uống có cồn, tuỳ tiện bắt giữ các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ... của Chính phủ Erdogan.

Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện tại có 3 lối thoát cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ nhất, Thủ tướng Recep Erdogan từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Có thể nói với thái độ cương quyết xây thánh đường ở công viên “Gezi”, Recep Erdogan đã tự đưa mình vào đường cùng và khó có thể đáp ứng được yêu cầu của những người biểu tình.

Thứ hai, rất có thể đoàn người biểu tình sẽ hứng chịu bạo lực từ phía cảnh sát trong những ngày tới. Tuy nhiên, nếu chính phủ của Thủ tướng Erdogan biết kiềm chế, không bắt bớ, đàn áp dân thường, biết đối thoại thì rất có thể làn sóng chống đối sẽ dịu lại.

Thứ ba, cuộc xung đột không được giải quyết tức thì sẽ kéo dài theo mô hình Syria.

Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là Syria và Recep Erdogan hoàn toàn không phải là Bashar Assad. Trong suốt thời gian náo loạn, Thổ Nhĩ Kỳ không cắt internet, cảnh sát không được lệnh bắn giết dân thường mà các tổ chức xã hội hay cá nhân có thể công khai phản đối hay ủng hộ hành động của chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nói tóm lại, một không gian mở để có thể thoả thuận vẫn còn đó.

Không thể phủ nhận rằng những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế và chính trị, đến mức Ankara không còn đoái hoài đến việc gia nhập EU. Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ngày một nâng cao trên trường quốc tế và trong khu vực. Không ai muốn phá bỏ những thành tựu mà đảng Công lý và Phát triển đạt được, chính vì vậy, khó có “Mùa xuân Ả Rập” trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.

                                                  Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.