Ảnh: Reuters
“Chúng tôi mạnh mẽ phản đối hành động của chính quyền Hà Lan”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, đồng thời gọi sự kiện trên là “scandal ngoại giao”.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu hôm 10/3 bay đến thành phố Rotterdam, Hà Lan để dự cuộc mít tinh ủng hộ kế hoạch gia tăng quyền hạn của Tổng thống Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên chính quyền Hà Lan đã ra lệnh cấm máy bay của ông Cavusoglu hạ cánh xuống Rotterdam do một cuộc tranh cãi giữa hai nước về cuộc tuần hành chính trị ủng hộ ông Erdogan của những người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Hà Lan tổ chức.
“Ở châu Âu, nơi mà mọi người luôn nói về dân chủ và tự do ngôn luận, nhưng rốt cuộc đã thể hiện sự thiếu tôn trọng về các quyền con người”, Thủ tướng Binali Yildirim nhấn mạnh.
Trước đó vào hôm qua 11/3, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Hà Lan ở nước này. Thậm chí, một số nguồn tin còn khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ còn chặn nhà riêng của đại sứ, đại biện cùng tổng lãnh sự Hà Lan, theo Guardian.
Theo lập luận của Rotterdam, Hà Lan đang trong chiến dịch tranh cử căng thẳng, khi vấn đề nhập cư trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng. Vì thế, Amsterdam lo ngại việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến có thể gây xáo trộn.
Không chỉ Hà Lan, một vài thành phố ở châu Âu cũng đã ngăn các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các cuộc biểu tình khuyến khích người dân Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý.
Dự kiến vào tháng 4 tới, Ankara sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sống ở nước ngoài để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng đã bị ngăn không thể tham dự một sự kiện tương tự ở Hamburg. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng châu Âu sẽ phải hối hận về “thái độ như ông chủ” của mình.
Vị quan chức này cũng cáo buộc Hà Lan đối xử với nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở đó như “những con tin”, cắt đứt liên lạc của họ với Ankara.