Thơ họa giao duyên

Thơ họa giao duyên

(GD&TĐ) - Thời kỳ 1960 – 1980, thơ ca thiếu nhi do người lớn sáng tác hoặc do chính các bạn nhỏ viết, rất nở rộ. Nhưng từ 1980 đến nay, thơ ca thiếu nhi ngày càng thưa vắng trên các thi đàn, đặc biệt thơ do chính các tác giả nhỏ tuổi viết thì càng hiếm hoi.

Vì vậy, việc Trần Tố Hảo biết làm thơ và có thơ đăng báo từ khi mới 7 tuổi trở thành một hiện tượng “nho nhỏ” trong gia đình và trong trường học của “cô nàng”.

Điều đáng nói, thơ của Hảo tuy cũng nói nhiều về những đề tài gần gũi thiếu nhi và tuổi teen, nhưng trong nhiều bài có những tình ý rất “người lớn” khiến đôi khi người đọc phải kinh ngạc và se lòng trước cách nhìn của “cô nàng”. Ví dụ, bài Tự hỏi: “Ngày xưa sung sướng tuyệt vời/ Cả cha lẫn mẹ vui cười bên em/ Bỗng dưng nhà cửa tối đen/ Mẹ đi đường mẹ, cha tìm đường cha/ Nhớ hôm đi dự phiên tòa/ Người ta cứ hỏi em là của ai?/… Bây giờ em đã lớn ra/ Vẫn thầm tự hỏi em là của ai” (2009 – 11 tuổi).

Trần Tố Hảo
Trần Tố Hảo

Vâng, đang chỉ 11 tuổi, tức đang sống trong chính độ tuổi tuổi thơ của mình, Hảo đã “biết” tiếc nuối một cách triết lý: “Có phải thời gian phản bội tôi/ Bắt tôi phải lớn để vào đời?/… Tôi hỏi sao mình phải lớn thêm/ Để rồi buồn khổ mãi thêm lên/ Nhìn lại tuổi thơ tôi thèm khát/ Nước mắt lại rơi ướt lạnh thềm”. Nhưng biết triết lý như thế để rồi cũng biết lý giải một cách chững chạc, lạc quan: “Tôi bỗng giật mình chợt hiểu ra/ Trưởng thành chấp cánh để bay xa/ Bay vượt đại dương qua sóng gió/ Bay bằng đôi cánh của riêng ta” (Tuổi thơ tôi - 2009).

Với bài thơ Tự hỏi, nhà thơ Nguyễn Công Bình (biên tập viên NXB Thanh Niên) sau khi đọc xong, bật thốt: “ Tôi thực sự “nổi da gà”. Hồn thơ giàu yêu thương là thế mà sao phải đau đớn, khắc khoải. Đó là lỗi của người lớn chứ không phải của Hảo. Người ta thường nói “sự bất hạnh làm nền hồn vía cho thơ”, nhưng trong trường hợp này, tôi chân thành cầu mong không phải như thế, vì Hảo viết đau quá”.

Năm 2010, mới 12 tuổi, Trần Tố Hảo đã xuất bản tập thơ Bóng chim qua. Ngay sau đó, Báo Văn Nghệ TP.HCM đã trân trọng giới thiệu “cô nàng” như một “cây bút trẻ” và có lời bình: “Thơ như cứa vào lòng người”.

Chân dung tự họa
Chân dung tự họa

Hè năm 2011 này, Hảo lại ra mắt tập thơ thứ hai – Tuổi thơ tôi. Báo Sài Gòn giải phóng có ngay bài giới thiệu: “Thơ Trần Tố Hảo khá chỉn chu về kỹ thuật. So với lứa tuổi của mình em có một hồn thơ “lớn trước tuổi”. Điều đó có thể lý giải từ chính cuộc sống riêng tư của em. Do hoàn cảnh gia đình, từ năm 10 tuổi, trong nguồn mạch hồn nhiên, trong sáng, tươi vui…, thơ em đã có nhiều bài đầy tâm trạng ưu phiền, trăn trở…”.

Cũng nhà thơ Nguyễn Công Bình kể: “Một lần đến nhà, tôi gặp Tố Hảo đang ngồi bàn luận về văn chương với bố mình. Mới 13 tuổi, “cô nàng” đã ra dáng một thiếu nữ - trầm tĩnh và sâu sắc. Điều đó cũng nói lên phần nào tư chất “lớn trước tuổi” của Hảo”.

Cùng với làm thơ, Trần Tố Hảo đã sớm yêu thích và thể hiện năng khiếu vẽ vời. Hiện “cô nàng” đã có đến vài mươi họa phẩm thể loại sơn dầu hẳn hoi. Tranh sơn dầu của Hảo có bố cục chặt chẽ, hình khối và đường nét hài hòa, cân đối, mềm mại… Nhưng sắc màu lại thiên về cảm xúc ấn tượng.

Bướm
Bướm

Chính vì thấy “cô nàng” vẽ vời có… ấn tượng, khi nhận in tập thơ Tuổi thơ tôi, các biên tập viên nhà xuất bản đã đề nghị “cô nàng” nên đưa cả tranh mình vào làm phụ bản cho thêm trang trọng. Và quả thật, đọc thơ ta hiểu tác giả một cách nhưng xem tranh ta hiểu thêm một cách nữa, đặc biệt là bức chân dung tự họa mà nữ “nhà thơ – họa sĩ” này vẽ vào lúc mình… 9 tuổi!

Đình Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ