Thịt lợn tăng giá chưa từng có: Cảnh báo thiếu dịp Tết

GD&TĐ - Đợt dịch tả lợn châu Phi đã khiến thịt lợn trở nên khan hiếm. Hiện nay, giá thịt lợn đã cán mức kỷ lục, thậm chí cảnh báo một dịp Tết Nguyên đán... thiếu thịt lợn.

Nhiều cơ sở đã bắt đầu tái đàn chăn nuôi trở lại sau dịch bệnh nhưng vẫn còn cầm chừng.
Nhiều cơ sở đã bắt đầu tái đàn chăn nuôi trở lại sau dịch bệnh nhưng vẫn còn cầm chừng.

Giá thịt lợn tăng kỷ lục

Những ngày gần đây, giá thịt lợn bán tại các chợ tại Hà Nội đã tăng cao tới mức kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà Bùi Thanh Xuân (nhà ở Trần Nguyên Đán, quận Hoàng Mai) cho biết: “Giá thịt lợn tại chợ Xanh - Định Công sáng 8/10 đã lên tới gần 90.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với 2 ngày trước đó”. Bà Xuân cho biết, do không rõ nguyên nhân tại sao thịt lợn tăng giá nên bà đã chuyển sang mua thịt gà. “Nếu 90.000 đồng/kg thì tôi thêm ít tiền nữa là mua được 1 cân thịt gà tươi, không dùng thịt lợn nữa”, bà Xuân nói.

Tại các chợ khác của Hà Nội, giá thịt lợn cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, tại chợ Đại Từ giá các loại thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò đều được điều chỉnh tăng lên mốc 95.000 - 100.000 đồng/kg, nạc thăn giá 110.000 đồng/kg, sườn lợn giá 115.000 đồng/kg...

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam diễn ra từ đầu năm nên ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng. Theo ông So, thị trường thịt lợn gần đây không phản ánh cung cầu mà do sự bán tháo của các hộ chăn nuôi. Điều này sẽ khiến nguồn cung thịt lợn bị thâm hụt và đương nhiên giá phải tăng lên.

Sáng 7/10, Tập đoàn Dabaco chính thức niêm yết giá thịt lợn hơi xuất chuồng lên mốc 59.000 - 60.000 đồng/kg tuỳ vùng miền. “Công ty hiện không đáp ứng đủ nhu cầu, đơn hàng thịt lợn của thương lái, lò mổ. Bởi, sản lượng bán ra vẫn phải theo kế hoạch hàng ngày cũng như chỉ đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng cũ, với khách hàng mới lúc này vẫn phải chờ đợi và xếp hàng”, đại diện Dabaco cho biết.

Nguyên nhân tăng giá

Dịch tả lợn châu Phi cũng khiến Trung Quốc bị khan hiếm thịt lợn tới mức khủng hoảng. Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn cao nhất thế giới và cũng là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới trong năm 2018. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, do nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, Trung Quốc buộc phải bù đắp bằng nguồn hàng nhập khẩu. Thậm chí, không đủ thịt lợn ăn, người dân Trung Quốc đã phải chuyển qua ăn thịt giả.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận, giá thịt lợn tại thị trường trong nước dự báo tăng cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Theo ông Tiến, nguồn cung lợn tại Việt Nam và các nước lân cận đặc biệt là Trung Quốc đang giảm mạnh vì bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Mặc dù, bệnh dịch tả lợn châu Phi được cho là đã tạm “nguội”, nhưng việc chăn nuôi trở lại vẫn còn khá thận trọng. Ông Nguyễn Văn Công - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cho biết, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện tái đàn vì tuân thủ tốt quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Việc con người ra vào khu chăn nuôi hay vận chuyển lợn, thức ăn đều được kiểm soát nghiêm ngặt vì thế khi thực hiện tái đàn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ thấp.

Do vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát nên ngành nông nghiệp Tuyên Quang khuyến khích người dân có thể chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm, đại gia súc bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Cũng tương tự, Sở NN&PTNT Bắc Giang vừa đề nghị các huyện, thành phố hỗ trợ người chăn nuôi phát triển gia cầm, thủy cầm, gia súc ăn cỏ để bù đắp phần thực phẩm thiếu hụt do lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải chôn hủy.

Trong khi đó, miền Tây có diễn biến phức tạp hơn do đang là mùa mưa nên có điều kiện cho dịch bệnh bùng phát và lây lan. Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: “Mặc dù, ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp trong phòng, chống nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn phát sinh mới tại các hộ chăn nuôi. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi bước vào mùa mưa, bão thì nguy cơ dịch bệnh diễn biến sẽ phức tạp hơn”. Theo bà Phương Khanh, số ổ dịch xảy ra phần lớn tại những hộ dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nuôi không tập trung.

Thiếu thịt lợn dịp Tết?

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc thiếu thịt lợn trong dịp Tết tới hiện vẫn chưa có căn cứ nào để tính được cụ thể. Nhưng tình trạng giá thịt lợn tăng cao là có, thậm chí có thể tăng lên mức 55.000 - 60.000 đồng/kg vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả, giúp ổn định đàn lợn. Ông Tiến cho biết, hiện dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế tốt. Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5, tháng 6 giảm 35 - 40%.

Từ khi công bố 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đến nay, trên cả nước đã có gần 6 triệu con lợn nhiễm bệnh. Cùng với việc tạm dừng chăn nuôi khiến nguồn cung của loại thực phẩm này bị giảm nghiêm trọng. Đây cũng là cao điểm tiêu thụ thịt lợn nên giá lại càng tăng mạnh. Cho đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi mới chỉ được tạm khống chế chứ chưa xử lý được dứt điểm.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dịch tả lợn châu Phi khiến 5,2 triệu con lợn bị tiêu hủy, tương đương 12% sản lượng cả nước cùng với nhu cầu nhập thịt lợn của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh. Dự báo, giá lợn hơi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020 sẽ tăng cao.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ