Thiếu tính khả thi.

GD&TĐ - Tại kỳ họp mới đây của HĐND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Minh Chức, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đề xuất Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng tổng hợp tất cả số vụ tai nạn giao thông, phân tích số liệu, xem những trường hợp nào vi phạm pháp luật về an toàn giao thông nhiều lần để tìm hiểu nguyên nhân vi phạm rồi phân loại. Sau khi có số liệu cụ thể, đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần phải có biện pháp, cụ thể là cho lao động công ích để giáo dục.

Cho lao động công ích đối với người vi phạm giao thông nhiều lần, liệu có khả thi ?
Cho lao động công ích đối với người vi phạm giao thông nhiều lần, liệu có khả thi ?

Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, có ý kiến cho rằng đây là một trong những biện pháp giáo dục pháp luật, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, cần nghiên cứu áp dụng. Ý kiến khác lại cho rằng đây là đề xuất thiếu tính khả thi và khó thực hiện.

Theo tôi, đề xuất cho lao động công ích để giáo dục những trường hợp vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần là thiếu tính thực tế, bởi nhiều lý do sau:

Thứ nhất, hiện nay Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ các trường hợp phải lao động công ích nếu vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần. Do đó, muốn thực hiện được đề xuất trên, đồng nghĩa phải bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo cơ sở thực hiện. Nếu không, việc cho người vi phạm giao thông nhiều lần lao động công ích sẽ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Thứ hai, như thế nào là vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần sẽ bị cho lao động công ích để giáo dục; hành vi vi phạm áp dụng cho cùng một hành vi hay tất cả các hành vi vi phạm; đối tượng áp dụng là cho các lái xe hay các chủ xe; áp dụng cho hành vi vi phạm đối với xe ô tô, xe tải, xe máy hoặc xe đạp, xe đạp điện hay với người đi bộ…Đồng thời, nhiều lần vi phạm là vi phạm từ mấy lần trở lên, cũng cần phải làm rõ để có cơ sở thực tiễn.

Thứ ba, khi bắt buộc người vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần để lao động công ích thì cơ quan nào sẽ thực hiện, Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh hoặc Công an cấp huyện hay UBND cấp xã nơi người vi phạm cư trú. Mặt khác, đối với những trường hợp người vi phạm không có nơi thường trú hoặc nơi thường trú ở địa phương khác nhưng địa điểm vi phạm lại ở địa phương khác thì việc thống kê các hành vi vi phạm liệu có đầy đủ và chính xác hay không?

Thứ tư, nếu bắt người vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần phải lao động công ích để giáo dục thì việc công ích là những việc gì? Ở đâu? Ai quản lý? Nếu người đó không chấp hành thì liệu có thể áp dụng các biện pháp bắt buộc hoặc cưỡng chế họ thực hiện hay không?

Nói tóm lại, việc áp dụng biện pháp cho lao động công ích đối với người vi phạm pháp luật giao thông nhiều lần được các nước trên thế giới áp dụng để giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm và có tác dụng tích cực. Tuy nhiên ở nước ta, việc đề xuất và áp dụng biện pháp này vừa không đúng pháp luật, vừa thiếu tính thực tế.

Theo tôi, việc giáo dục, nâng cao ý thực chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó cần phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, nhất là phải xử phạt thật nghiêm, đúng người, đúng hành vi vi phạm; không bỏ qua cho người vi phạm; áp dụng đầy đủ các biện pháp xử phạt trực tiếp và phạt nguội; các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ phải được chấp hành nghiêm túc, nếu không chấp hành phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành, tránh tình trạng phạt cho tồn tại như hiện nay.

Có như vậy, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông sẽ tăng cao mà không cần áp dụng biện pháp lao động động ích đối với người vi phạm pháp luật giao thông, vừa không có cơ sở pháp lý, vừa thiếu tính khả thi./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.