Thiếu thịt lợn ảnh hưởng tới bữa ăn bán trú

GD&TĐ - Tình trạng khan hiếm thịt lợn đã lên tới mức báo động khi một công ty chuyên cung cấp thịt cho các trường mầm non tại Hà Nội đã ra thông báo tạm dừng cung cấp mặt hàng này. Trong khi đó việc tái đàn sau dịch tả lợn không thành công khiến thịt lợn càng khan hiếm.

Thịt lợn sẽ là nguồn thực phẩm khan hiếm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Thịt lợn sẽ là nguồn thực phẩm khan hiếm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới

Ngừng cung cấp thịt lợn

Công ty Cổ phần Đầu tư My Way là đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm cho các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội có thông báo gửi các trường. Theo đó, từ 17/12, tạm dừng cung cấp mã hàng thịt lợn.

Công ty này nêu lý do: “Trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh tràn lan, kéo dài dẫn đến nguồn lợn khan hiếm, việc tái đàn cũng chưa thể triển khai kịp thời. Mặc dù rất cố gắng ổn định tình hình và nguồn hàng để cung cấp ra thị trường, nhưng thời điểm hiện tại nguồn cung các mặt hàng thịt lợn đã tới mức cạn kiệt”.

Cô Cẩm Tú - Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Khu đô thị Định Công cho biết, thực tế tình trạng thiếu thịt lợn đã diễn ra từ trước đó. “Nếu ra chợ mua thì vẫn có nhưng giá rất cao và không rõ nguồn gốc. Nhà trường đang nghiên cứu dùng các thực phẩm khác...” - cô Cẩm Tú nói. Thịt gà là loại thực phẩm phù hợp để thay thế. Tuy nhiên, chi phí phải trả thêm sẽ rất cao nên sẽ ảnh hưởng tới việc thu tiền từ phụ huynh.

Cho đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp tục tấn công đàn lợn ở nhiều địa phương thuộc miền Trung. Đơn cử như tại Quảng Nam, từ tháng 5 đến tháng 12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh và lây lan tại hơn 36.000 hộ của 16/18 huyện, thị xã, thành phố; làm mắc bệnh và tiêu hủy gần 145.000 con heo. Sơ bộ tính đến hiện tại, ngân sách tỉnh phải chi cho công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là hơn 262 tỷ đồng.

Cô Cẩm Tú cho biết đã liên hệ với đơn vị ra thông báo để đàm phán nhưng chưa nhận được câu trả lời về thời gian cung cấp lại thịt lợn. “Bên cung cấp không có thực phẩm để cung cấp chứ họ cũng không báo tăng giá” - cô Cẩm Tú cho biết.

Cùng thời điểm trên, nhiều trường mầm non của quận Hoàng Mai, Thanh Trì cũng nhận được thông báo trên.

Cán mốc lịch sử

Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, giá thịt lợn tại miền Bắc đã đạt một mức lịch sử mới. Công ty CP miền Bắc thông báo tăng giá liên tiếp 2 ngày cuối tuần trước, đưa giá lợn tại kho lên 82.000 đồng/kg. Ngoài ra, các công ty chăn nuôi khác cũng đang báo mức giá khá cao như Japfa 88.000 đồng/kg, CJ 86.000 đồng/kg, Emivest 86.500 đồng/kg…

Chính vì thế, không quá ngạc nhiên khi giá thịt lợn trong dân đa phần đều đạt 92.000 đồng/kg – 93.000 đồng/kg. Ở miền Bắc, mức giá dưới 90.000 đồng/kg chỉ còn tại Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, nhưng cũng đã tiến rất sát đến mốc này. So với cùng kỳ tháng 11/2019, giá thịt lợn hơi ngày 16/12 tăng cao hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg và là mức giá cao nhất trong lịch sử. 

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn nằm phổ biến trong khoảng 80 – 92 nghìn đồng/kg. Mức giá đã tăng khá nhanh so với tuần trước. Tại Nghệ An, Thanh Hóa thịt lợn hơi đã lên tới 92.000 đồng/kg, ngang ngửa phía Bắc. Quảng Bình, Quảng Trị cũng nhảy vọt lên 85.000 đồng/kg; Đắk Lắk 80.500 đồng/kg.

Còn tại miền Nam cũng đã có giá rất cao, 92.000 đồng/kg tại Đồng Nai hay 90.000 đồng/kg tại Vũng Tàu, Trà Vinh và Tiền Giang. Mức thấp nhất 79.000 đồng/kg chỉ còn tại Kiên Giang, Cà Mau và Long An. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lượng heo hơi đến lứa bán trong vùng không còn nhiều vì thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tàn phá quá mạnh. Một số nơi nông dân đã tái đàn, nhưng chưa đủ trọng lượng xuất bán. 

Diễn biến phức tạp

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – NN&PTNT), đến ngày 25/11, trên cả nước đã có khoảng 5,9 triệu con lợn chết do dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số liệu 5,9 triệu con lợn bị bệnh và tiêu hủy là chưa chính xác, con số thực tế còn lớn hơn nhiều bởi đây là số liệu báo cáo trong khi đó rất nhiều lợn dịch bị vứt ra sông, hồ mà không khai báo để tiêu huỷ.

Về tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn tăng cao không phải do chăn nuôi mà do lưu thông và thông tin không rõ ràng. Trước kia, thương lái thu mua thịt của người dân. Giờ không còn nguồn này lại không tiếp cận được với các nguồn của doanh nghiệp nên giá bị đẩy cao.

Ông Nguyễn Sơn Cường - một người kinh doanh thịt lợn tại chợ Xanh Định Công phản ứng lại ý kiến cho rằng giá lợn hơi tăng cao là do thương lái làm giá. Theo ông Cường, nếu làm giá mà sức mua giảm thì thương lái phải giảm giá theo. Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 tới nay, giá thịt lợn hơi chưa bao giờ... ngừng tăng

Trấn an người dân, ông Dương cho biết, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, đẩy mô hình chăn nuôi sang nhiều đối tượng khác như gia cầm, thuỷ - hải sản nên nguồn cung thực phẩm không thiếu. Về tình trạng khan hiếm thịt lợn, ông Dương cho rằng xu hướng nhu cầu thịt lợn cuối năm sẽ tăng so với các loại thực phẩm khác.

Chiều 17/12, Bộ Công Thương thông cáo đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào việc lũng đoạn, găm hàng, tăng giá của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ. Bộ Công Thương cũng nhìn nhận khó khăn khi cho rằng, nhu cầu thịt lợn dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ