(GD&TĐ) - Âm nhạc dành cho thiếu nhi là món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu đối với lớp công chúng nhỏ tuổi. Do phục vụ cho đối tượng có nhiều nét đặc thù về cách hát, cách nghe, lối cảm thụ, những sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi cần sự đầu tư công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng của những nhạc sỹ tài năng, có tâm huyết. Mặc dù vậy trong những năm gần đây, khi thị trường nhạc trẻ phát triển khá sôi động, mảng sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi đang có phần thiếu vắng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa/Internet |
Ngược dòng thời gian, những năm 60 - 90 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ “hoàng kim” của các ca khúc dành cho thiếu nhi với sự xuất hiện của nhiều bài hát hay, được đông đảo các em thiếu nhi đón nhận. Những ca khúc như: “Em đi thăm miền Nam” (Hoàng Long – Hoàng Lân); “Đưa cơm cho mẹ đi cày” (Hàn Ngọc Bích); “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên); “Tuổi hồng” (Trương Quang Lục); “Bụi phấn” (Vũ Hoàng)… đã có chỗ đứng, sức sống bền lâu, nhận được sự mến mộ trong các lớp thế hệ người yêu nhạc nhỏ tuổi.
Cùng với đó, một “thế hệ vàng” những nhạc sỹ tâm huyết, có nhiều sáng tác hay dành cho thiếu nhi được nhiều người biết tới như: Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích, Vũ Hoàng, Trương Quang Lục, Nguyễn Văn Hiên… Phần lớn các ca khúc được sáng tác trong thời kỳ này đều có ca từ đẹp, trong sáng, dễ thuộc, dễ nhớ kết hợp với giai điệu phù hợp với tâm lý trẻ thơ nên dễ dàng được các em đón nhận. Không ít ca khúc trong số đó cho đến nay vẫn được các em sử dụng trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ, các sân chơi âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Mặc dầu vậy có thể nhận thấy, đến thời điểm hiện tại, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của mảng ca khúc dành cho thiếu nhi đã qua. Trong khi những ca khúc dành cho người lớn xuất hiện ngày càng nhiều thì mảng ca khúc dành cho thiếu nhi lại có phần trầm lắng.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, gần như không có bài hát nào lọt vào tuyển tập các ca khúc thiếu nhi được nhiều người yêu thích. Một số ca khúc mới dành cho thiếu nhi ra đời nhưng khá nhạt nhòa. Nội dung ca từ và tiết tấu, giai điệu chưa đáp ứng được “gu” thẩm mỹ của lớp công chúng nhỏ tuổi. Không ít ca khúc vừa ra đời đã bị lãng quên ngay.
Bên cạnh đó, một số ca khúc mới xuất hiện, chưa được thẩm định về chất lượng nghệ thuật, ca từ dễ dãi, nội dung không phù hợp nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn được giới thiệu tràn lan trên các sân khấu biểu diễn ca nhạc, các ấn phẩm băng, đĩa ảnh hưởng không nhỏ tới thế giới quan và thị hiếu thẩm mỹ của các em thiếu nhi. Việc thiếu vắng những ca khúc có chất lượng khiến nhiều em không mấy mặn mà với nhạc Việt mà tìm tới các ca khúc nước ngoài để thưởng thức và biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, hội diễn hay các sân chơi âm nhạc.
Sự thiếu hụt một đội ngũ nhạc sỹ dành tâm huyết sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc không có nhiều những ca khúc hay, có chất lượng dành cho lứa tuổi này. Do sáng tác cho đối tượng có nhiều nét đặc thù, muốn có tác phẩm hay, có chỗ đứng, nhạc sỹ phải thâm nhập vào cuộc sống muôn màu của các em, nắm bắt được những tâm tư, suy nghĩ của lớp thiếu nhi mới. Đây là điều không hề đơn giản bởi ngoài tài năng, người nhạc sỹ phải dành nhiều thời gian tìm tòi, phát hiện đề tài, lựa chọn nội dung ca từ, giai điệu sao cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, một lớp công chúng nhỏ tuổi mới đã ra đời. Việc đầu tư, phát triển mảng sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi cần được xem là một nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng, bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, nhân cách cho thế hệ tương lai của đất nước.
Bùi Minh Tuấn