Thiếu cơ sở pháp lý để cưỡng chế xử phạt nguội vi phạm giao thông

Lực lượng Cảnh sát giao thông không chuyển danh sách phương tiện vi phạm qua hình ảnh camera giám sát đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm (vì chưa đủ cơ sở pháp lý). Việc đóng phạt nguội chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ phương tiện.

Thiếu cơ sở pháp lý để cưỡng chế xử phạt nguội vi phạm giao thông
Thiếu cơ sở pháp lý để cưỡng chế xử phạt nguội vi phạm giao thông - ảnh 1
Hệ thống giám sát vi phạm giao thông qua hình ảnh. (Ảnh minh họa: Internet)

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến việc giám sát xử lý bằng camera, phạt nguội chủ phương tiện vi phạm giao thông nhiều quốc gia đã áp dụng rất khả thi; nhưng ở Việt Nam qua triển khai thí điểm ở một số địa phương gặp phải khó khăn do chưa có chế tài cưỡng chế với người vi phạm không đóng phạt. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay là vấn đề nghiêm trọng. Cơ quan nhà nước sẽ không đủ lực lượng để có mặt trên tất cả Quốc lộ, tỉnh lộ đến đường nông thôn. Bộ GTVT tha thiết muốn bổ sung Luật, Nghị định để xử phạt nguội.

Bộ GTVT đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh giám sát trên một số đoạn tuyến cao tốc. Công an cũng có một hệ thống camera để xử phạt nguội. Hiện giờ hai Bộ Công an và GTVT đang có chương trình kết nối số liệu để xử phạt. Chỉ có công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Tôi rất ủng hộ chủ trương này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cùng liên quan tới việc xử phạt vi phạm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đặt câu hỏi về tình trạng xe không chính chủ, người vi phạm khi được phát hiện qua thiết bị giám sát nhưng không nộp phạt, trong khi chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc hỏi trước mắt, theo Bộ trưởng, có giải pháp gì xử lý người vi phạm không chịu nộp phạt?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: Theo quy định của pháp luật, mua bán xe phải sang tên. Ai không làm là đã vi phạm. Xe chính chủ hay không chính chủ mà người điều khiển phương tiện vi phạm thì đều phải có trách nhiệm nộp phạt, còn ai không tuân thủ thì có thể tạm giữ phương tiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đi theo hướng vận động kết hợp kiểm tra giám sát nhắc nhở để người dân có thể thực hiện đúng quy định rồi chúng ta xử phạt. Trước mắt, nếu người điều khiển vi phạm thì dựa vào chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe để xử lý vi phạm”.

Theo nguồn tin từ Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), lực lượng Cảnh sát Giao thông gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm qua hình ảnh. Thứ nhất, do hệ thống giám sát hiện tại chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm, chưa rộng khắp trên địa bàn thành phố. Thứ hai, một số chủ phương tiện khi nhận được thông báo vi phạm qua hình ảnh thì không đến cơ quan chức năng để chấp hành quyết định xử phạt.

Năm 2018, Cảnh sát giao thông TP.HCM xử lý khoảng 58.955 trường hợp vi phạm qua hình ảnh nhưng chỉ có khoảng 12.000 trường hợp chấp hành xử phạt (tức khoảng 20%). Như vậy, có tới 80% số người vi phạm không đóng phạt.

Lực lượng Cảnh sát giao thông không chuyển danh sách phương tiện vi phạm qua hình ảnh đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm (vì chưa đủ cơ sở pháp lý). Việc đóng phạt nguội chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của chủ phương tiện.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ