Thiếu chuyên nghiệp, nghệ sĩ quốc tế “bơ” Việt Nam

GD&TĐ - Việt Nam là điểm đến an toàn, tươi đẹp, con người hiền hòa yêu ca hát. Thế nhưng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ quốc tế vẫn chưa mặn mà quan tâm để có những dự án âm nhạc dài hơi ở dải đất hình chữ S này. Đấy là điều khiến nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất băn khoăn, trăn trở, nhất là trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay.

Việt Nam còn thiếu các điểm tổ chức biểu diễn nên chưa hấp dẫn được nhạc sĩ quốc tế. (Nghệ sĩ quốc tế biểu diễn tại Monsoon Music Festival 2019). Ảnh: MMF
Việt Nam còn thiếu các điểm tổ chức biểu diễn nên chưa hấp dẫn được nhạc sĩ quốc tế. (Nghệ sĩ quốc tế biểu diễn tại Monsoon Music Festival 2019). Ảnh: MMF

Mơ về những điểm biểu diễn rộng lớn

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa – Monsoon Music Festival 2019 vừa khép lại. Ấn tượng của nó là vẻ đẹp trong lòng công chúng về chất lượng tổ chức. Nhưng nó vẫn khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Dường như Gió mùa ngày càng vắng nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới?

Ở những lễ hội đầu, Gió mùa đã khá rầm rộ với những danh ca Joss Stone, huyền thoại nhạc rock Scorpions, nhóm nhạc nổi tiếng Bond (Anh). Thế nhưng, sang đến mùa thứ 4 và thứ 5 thì khó lòng điểm tên những danh ca mà chỉ có thể điểm tên của những nghệ sĩ mới nổi đến từ Đan Mạch, Ireland, Thái Lan, Hàn Quốc…

Lý giải về điều này, nhạc sĩ Quốc Trung – nhà sáng lập, tổng đạo diễn Monsoon Music Festival cho hay, khi giới thiệu các nghệ sĩ châu Âu, ban tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi từ công chúng là nghệ sĩ đó đến từ nước nào và có những giải thưởng gì. Sự quan tâm ấy của khán giả là cần thiết, tuy nhiên có biết bao cái khó vẫn đăng đặt ra với các nhà sản xuất lễ hội hay chương trình âm nhạc.

“Chúng ta chưa tạo được thị trường chuyên nghiệp nên việc mời được các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam là một việc hết sức khó khăn. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng còn nhiều nhức nhối. Thành thử ở Việt Nam vẫn chưa có được một thị trường lành mạnh để các nghệ sĩ nổi tiếng quan tâm” – nhạc sĩ Quốc Trung nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để mở rộng và đón nhận các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam thì cần phải tạo ra một thị trường âm nhạc. Thị trường đó là sự tổng hợp các mối liên quan với nhau như trang thiết bị âm thanh, ánh sáng; địa điểm biểu diễn, khán giả và “xoay tour”. Về mặt thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhà sản xuất có thể chủ động.

Tuy nhiên, về địa điểm biểu diễn thì đây là câu chuyện liên quan đến cả các cơ quan quản lý nghệ thuật. Riêng với những nghệ sĩ danh tiếng, họ còn đưa ra những yêu cầu về khán giả - phải đạt từ 25 – 50 nghìn người trong mỗi đêm diễn, mà ở Việt Nam còn đang thiếu các điểm biểu diễn vài nghìn người nên vẫn còn… mơ về một điểm biểu diễn đáp ứng được yêu cầu ấy.

Cần làm gì?

Chia sẻ kinh nghiệm khi là người quản lý dự án Spot Festival Đan Mạch, bà Conny Jeergensen nhấn mạnh đến việc phải có được nhiều điểm biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố thì Việt Nam mới có thể hấp dẫn được các nghệ sĩ tài danh của thế giới. Mà việc mời được các nghệ sĩ tài danh đến biểu diễn ở Việt Nam thì họ sẽ truyền những cảm hứng lớn đến với nghệ sĩ, công chúng Việt.

Kể riêng về câu chuyện của Spot Festival của Đan Mạch đã được 25 tuổi, bà Conny Jeergensen cho biết hiện giờ Spot Festival có đến gần 40 sân khấu biểu diễn và hơn 300 ban nhạc tham gia. Quản lý Spot Festival thì chỉ có 10 người nhưng có đến 500 tình nguyện viên để bảo đảm lễ hội được vận hành một cách chuyên nghiệp vào mỗi mùa xuân. Là một lễ hội âm nhạc độc lập nhưng nguồn tài chính để Spot Festival hoạt động trong suốt 25 năm qua lại từ sự hỗ trợ của địa phương vừa về tài chính vừa về địa điểm tổ chức biểu diễn.

“Vì thế, có một điều đáng lưu ý, mục tiêu của Spot Festival là trở thành một công cụ trong việc phát triển nghệ sĩ mới – đây là điều rất quan trọng về tư duy để chúng ta định làm gì. Việc phát triển tài năng trẻ được thể hiện qua việc phát triển nhiều địa điểm để các ban nhạc có thể đến biểu diễn, từ sân khấu nhỏ cho đến sân khấu lớn.

Cùng với đó, khu vực tư nhân – công làm việc rất chặt chẽ. Và chúng tôi đã đạt được mục tiêu đó khi Spot Festival được nhiều nghệ sĩ tìm kiếm và muốn được biểu diễn. Cụ thể, mỗi kỳ liên hoan, chúng tôi nhận được đơn của 1.000 nghệ sĩ mà chỉ chọn 50 nghệ sĩ biểu diễn” – bà Conny Jeergensen nói.

Ông Adam Ryan - Giám tuyển lễ hội âm nhạc The Great Escape (Anh) thì cho rằng, việc tạo kết nối và hợp tác với các đối tác truyền thông để làm nên thành công của lễ hội là rất quan trọng. Với riêng The Great Escape, việc chọn lựa các nghệ sĩ biểu diễn vào cuối tuần là rất vất vả khi có lễ hội này luôn có hàng nghìn nghệ sĩ nộp đơn tham gia. Và mỗi show diễn của lễ hội thường bán được khoảng 15 nghìn vé.

Từ kinh nghiệm của Monsoon, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng việc có được một địa điểm biểu diễn gắn liền với một di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Thế nên, trước câu hỏi, vì sao Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa từ 2014 - 2022 sao lại cứ phải là Hoàng thành Thăng Long, nhạc sĩ Quốc Trung bảo đây là một trong những yếu tố thành công của nhà sản xuất Monsoon trong việc tìm và hợp tác với thành phố Hà Nội.

Anh kể: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi tham dự các hội thảo, festival… ở Hàn Quốc, Anh, Hy Lạp, Đài Loan, Nhật Bản, Đan Mạch, Đức và giới thiệu về Monsoon thì đã rất ngạc nhiên vì các nước phát triển đều biết đến lễ hội này một cách chi tiết, rõ ràng.

Ngoài chuyện biết về số lượng khán giả của Monsoon lên đến cả chục nghìn người trong mỗi đêm diễn và chuyện nghệ sĩ quốc tế ghi vào hồ sơ những lần biểu diễn tại Monsoon thì họ đặc biệt nhắc đến địa điểm biểu diễn là một di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long đã tạo ra cho họ một ấn tượng đặc biệt”.

“Chúng ta vẫn chưa có được một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp. Mà chỉ khi tạo được thêm nhiều điểm biểu diễn thì mới có được cơ hội đón nhiều nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn để dần đưa thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển”.
                                                                          Nhạc sĩ Quốc Trung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ