Là một trong những tác giả có tác phẩm dự thi, sinh viên Lê Đoàn – lớp K2A (Khoa Thiết kế Đồ họa) chia sẻ: “Em chọn phông chữ đơn giản, không chân để thể hiện tính nghiêm túc, mô phạm của tờ báo.
Để có yếu tố thẩm mỹ, em chọn phông màu xanh – đỏ, thể hiện sự năng động, nhạy bén của tờ báo trong việc tiếp cận các vấn đề của ngành Giáo dục – Đào tạo nói riêng và của xã hội hiện đại nói chung. Em có cách điệu chữ “ơ” để thể hiện sự hiện đại, trẻ trung giống như người ta vẫn nói là “thế hệ thời @”.
Lấy ý tưởng chủ đạo thể hiện tờ báo tự tin, năng động, chín chắn và trang nhã, sinh viên Đỗ Thị Yến – lớp K3B chia sẻ về tác phẩm dự thi của mình: Em lấy chủ đạo một màu xanh và cách điệu chữ “G”. Trên đỉnh chữ “G” có hình mũ cử nhân. Chiếc mũ thể hiện cho kết quả bền vững của giáo dục nước nhà và báo Giáo dục & Thời đại đã có những đóng góp không nhỏ vào kết quả bền vững ấy.
Đồng hành cùng các em sinh viên, giảng viên Dương Vân cũng đóng góp 3 tác phẩm dự thi của mình. Tác phẩm của cô Vân còn kèm cả layout.
Trao đổi về tác phẩm dự thi của mình, cô Vân cho biết: “Cũng như các đồng nghiệp và các em sinh viên, ý tưởng tác phẩm dự thi của tôi cũng không nằm ngoài mục đích là hướng tới một tờ báo của ngành Giáo dục năng động hơn, hiện đại hơn, trang nhã hơn nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm túc.
Theo đó, tôi chọn kiểu chữ đơn giản thể hiện sự gần gũi, thân thiện. Tông màu chủ đạo là đỏ, đen thể hiện sự hiện đại, năng động và nhạy bén. Tôi có cách điệu chữ “ơ” nhằm thể hiện sự trẻ trung, phong cách của tờ báo. Chữ “ơ” đó bạn đọc cũng có thể hình dung là một mặt cười, để thấy rằng báo Giáo dục & Thời đại luôn gần gũi, thân thiện và luôn là bạn đồng hành với bạn đọc trong và ngoài ngành Giáo dục.
Có thể nói mỗi một tác phẩm đều là những thiết kế đẹp, bắt mắt, trang nhã và hiện đại. Ẩn sâu bên trong là những ý tưởng hay, độc đáo mà tác giả muốn nhắn gửi.
Bài tập thực hành bổ ích
Được biết, dù Khoa Thiết kế Đồ họa mới phát động cuộc thi cách đây khoảng 1 tháng, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các thầy, cô và các em sinh viên - với 130 bài dự thi. Nhà trường đã sơ loại và lựa chọn được 29 bài gửi đến báo Giáo dục & Thời đại để tham dự Cuộc thi thiết kế Manchette do báo tổ chức.
Thầy Phạm Hùng Cường – Trưởng khoa - trao đổi: Cả thầy và trò đều cố gắng hết sức để có những tác phẩm phù hợp, đáp ứng với tiêu chí mà Báo đặt ra.
Song tham gia cuộc thi này, chúng tôi không đặt mục tiêu đoạt giải. Điều quan trọng là các em đã được làm quen, được cọ sát với thực tế công việc mà sau này nhiều em có thể sẽ gắn bó với nó.
Đây được coi như là bài thực hành hữu hiệu và giá trị nhất, bởi tác phẩm của các em sẽ được chính những người đã và đang làm báo có kinh nghiệm phản biện, nhận xét. Từ đó các em sẽ rút ra được những bài học bổ ích cho mình sau khi ra trường và đi làm.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trần Đình Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương – trao đổi: Cuộc thi thiết kế Manchette do báo Giáo dục & Thời đại tổ chức đã tạo nên một sân chơi bổ ích cho các em sinh viên của nhà trường. Đây cũng chính là một cơ hội cọ sát với thực tế hiếm có cho các em, nhất là khi các em vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
“Với chúng tôi đoạt giải hay không không phải là mục tiêu hàng đầu. Điều chúng tôi mong muốn đó là: Từ cuộc thi này, các em sinh viên sẽ có cái nhìn sắc nét hơn về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và gắn bó sau này.
Ở đó có sẽ có những niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cũng có không ít những khó khăn, thử thách đang chờ các em ở phía trước đòi hỏi các em phải nỗ lực vượt qua” – Thầy Tuấn chia sẻ.
“Tôi khá bất ngờ khi tận mắt được xem, được nghe các tác giả trình bày ý tưởng tác phẩm dự thi của mình. Mỗi tác phẩm đều có những điểm nhấn và dấu ấn riêng thể hiện tình cảm sâu sắc với tờ báo của ngành Giáo dục & Đào tạo.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - TBT báo Giáo dục và Thời đại