Thiết kế công cụ đánh giá môn Sinh học

GD&TĐ - Giảng viên Phan Thị Thanh Hội và Trần Khánh Ngọc (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) sử dụng thí nghiệm về sự ảnh hưởng của yếu tố ngoại cảnh đến sự sinh trưởng, phát triển của thực vật hoặc đến sự nảy mầm của hạt để chia sẻ kinh nghiệm thiết kế các công cụ đánh giá với môn Sinh học.

Thiết kế công cụ đánh giá môn Sinh học
  • Những công cụ đánh giá được sử dụng cụ thể như sau:

Sử dụng câu hỏi tự luận

Với đánh giá kĩ năng hình thành giả thuyết, hai giảng viên đưa câu hỏi:

Mai làm thí nghiệm như sau: Mai trồng những cây đậu xanh vào hai chậu đất, bạn tưới đều cho cả 2 chậu cho đến khi cây bén rễ, tươi tốt như nhau. Những ngày tiếp theo, Mai tưới nước cho chậu A, còn chậu B không được tưới nước. Tại sao Mai làm thí nghiệm này?

Với đánh giá kĩ năng phân tích dữ liệu, hai giảng viên đưa câu hỏi:

Sau 3 ngày làm thí nghiệm, bạn Mai thu được kết quả như sau: Cây đậu không chậu A vẫn xanh tốt, còn cây trong chậu B đã bị héo úa. Từ kết quả thu được, em rút ra kết luận gì?

Với đánh giá kĩ năng thiết kế thí nghiệm, hai giảng viên đưa câu hỏi:

Để kiểm chứng giả thuyết "hạt đậu nảy mầm cần độ ẩm", Nam đang chuẩn bị làm thí nghiệm, nhưng bạn đang lúng túng không biết nên bắt đầu làm thế nào. Em hãy giúp bạn thiết kế thí nghiệm trên.

Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn

Với hình thức thu thập thông tin này, giáo viên cũng thực hiện như trắc nghiệm tự luận, chỉ khác là các câu trả lời tương ứng với các mức độ đã được đưa ra cho học sinh lựa chọn.

Với đánh giá kĩ năng hình thành giả thuyết, hai giảng viên đưa câu hỏi:

Mai làm thí nghiệm như sau: Mai trồng những cây đậu xanh vào hai chậu đất, bạn tưới đều cho cả 2 chậu cho đến khi cây bén rễ, tươi tốt như nhau. Những ngày tiếp theo, Mai tưới nước cho chậu A, còn chậu B không được tưới nước. Tại sao Mai làm thí nghiệm này?

A. Bởi Mai muốn giúp các bác làm vườn trồng đậu tốt hơn.

B. Bởi Mai nghĩ nước, ánh sáng đều cần cho sự phát triển cây đậu?

C. Bởi Mai nghĩ nước và đất đều cần cho sự phát triển của cây đậu?

D. Bởi Mai nghĩ nước rất cần cho sự phát triển của cây đậu?

Với đánh giá kĩ năng thiết kế thí nghiệm, giáo viên đưa ra một thí nghiệm với các cách thiết kế khác nhau, trong đó chỉ có một thiết kế đúng và yêu cầu học sinh chọn xem thiết kế nào cho là đúng nhất. Từ việc lựa chọn của học sinh, giáo viên đánh giá kĩ năng thiết kế thực nghiệm.

Ví dụ, để kiểm chứng giả thuyết "hạt đậu nảy mầm cần độ ẩm", 4 nhóm trong lớp đã làm thí nghiệm sau:

A. Nhóm 1: Sử dụng hai chậu đất ẩm, gieo hạt đậu vào hai chậu và đặt hai chậu bên cạnh nhau ở ngoài trời.

B. Nhóm 2: Sử dụng một chậu đất ẩm và một chậu đất khô; gieo hạt đậu vào và đặt một chậu ngoài trời, một chậu trong nhà.

C. Nhóm 3: Sử dụng một chậu đất ẩm và một chậu đất khô, gieo hạt đậu vào và đặt một chậu để mở, một chậu bọc túi nilon kín chậu.

D. Nhóm 4: Sử dụng một chậu đất ẩm và một chậu đất khô, gieo hạt đậu vào hai chậu, đặt hai chậu cạnh nhau ngoài thềm nhà.

Theo các em, nhóm nào thiết kế thí nghiệm đúng nhất?

Với đánh giá kĩ năng phân tích dữ liệu, hai giảng viên đưa tình huống: 

Từ kết quả thí nghiệm thu được, giáo viên thiết kế 4 lời giải thích khác nhau và yêu cầu học sinh chọn một lời giải thích đúng nhất.

Ví dụ, từ thí nghiệm kiểm chứng "Hạt đậy nảy mầm cần độ ẩm" ở trên, nhóm 4 thu được kết quả là: Hạt đậu trong chậu có độ ẩm nảy mầm sau một tuần, còn hạt đậu trong chậu đất khô không nảy mầm. Có 4 lời giải thích được đưa ra. Em hãy chọn lời giải thích đúng nhất.

A. Hạt đậu nảy mầm cần có nhiều yếu tố.

B. Hạt đậu nảy mầm cần có độ ẩm và ánh sáng.

C. Hạt đậu nảy mầm cần đất và độ ẩm.

D. Hạt đậu nảy mầm cần có độ ẩm.

Sử dụng phiếu quan sát

Trong thí nghiệm "Hạt đậu nảy mầm cần độ ẩm", học sinh cần chuẩn bị những dụng cụ thí nghiệm và tiến hành các thao tác như sau:

Chuẩn bị: Hai chậy đất, một ít hạt đậu, dụng cụ tưới nước, phiếu ghi kết quả.

Tiến hành các thao tác: Gieo hạt đậu, tưới nước, quan sát và ghi kết quả theo đúng định kỳ (ví dụ mỗi lần/ngày)

Sử dụng các mức độ của kĩ năng tiến hành thí nghiệm để quan sát và đánh giá xem học sinh đang có kĩ năng tiến hành thí nghiệm ở mức độ nào.

Để đánh giá được năng lực người học, cần thiết phải phối hợp nhiều hình thức/công cụ khác nhau, đồng thời cần phải đánh giá nhiều năng lực tích hợp trong quá trình dạy học. Việc xây dựng hệ thống các công cụ để đánh giá cũng là một vấn đề khó khăn cho người dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ