Thiết kế chiến lược quốc tế hóa cho giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Gần một triệu học sinh (HS) sắp bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, hơn nửa trong số này sẽ gia nhập hệ thống ĐH trong nước và khoảng 5% sẽ đi du học ở nước ngoài chủ yếu bằng tiền của gia đình. 

Sinh viên ĐH RMIT học tập trong môi trường hiện đại. Ảnh: Hữu Cường
Sinh viên ĐH RMIT học tập trong môi trường hiện đại. Ảnh: Hữu Cường

Vấn đề không phải là con số HS đi du học đang tăng lên trung bình 8 - 10%/năm, mà ở chỗ hệ thống giáo dục Việt Nam phải thực sự có chiến lược hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế hóa về chất lượng.

Thiết kế chiến lược quốc tế hóa hệ thống giáo dục

Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, chủ nghiệm đề tài “Các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam” thuộc Chương trình Khoa học giáo dục quốc gia - chia sẻ phát hiện ban đầu của nhóm nghiên cứu. Theo đó, Việt Nam không thể áp dụng bất cứ một khung phân tích chiến lược của bất kỳ một quốc gia nào, cho dù họ đi trước chúng ta ít nhất 3 - 4 thập kỷ. Ngược lại chúng ta phải chắt lọc tinh hoa của các chiến lược họ đã thực hiện và tìm một cách tiếp cận mới, với quan điểm, dù đi sau nhưng phải tiếp cận hiệu quả.

Phát hiện thứ hai của nhóm nghiên cứu là hầu hết các chiến lược quốc tế hóa đều có sự tham gia chủ động của chính phủ về thiết kế mục tiêu, chính sách hành động cũng như đầu tư nguồn lực tổ chức và tài chính thực hiện các khát vọng chiến lược. Sự khác biệt cơ bản chiến lược của Hoa Kỳ,

Australia so với các quốc gia khác là thiết kế chiến lược xuất phát từ Hiệp hội giáo dục quốc gia; còn thực hiện chiến lược của các trường mang tính chủ động theo cơ chế khuyến khích từ chính sách và thị trường. Các nước EU thể hiện chiến lược quốc gia trong khuôn khổ châu Âu nhiều hơn là hướng ra bên ngoài. Các nước châu Á đa số không hình thành một chiến lược toàn diện cấp quốc gia cho hệ thống giáo dục mà chủ yếu hình thành các chương trình dự án cho những khát vọng cụ thể như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những loại chiến lược này chỉ giúp Việt Nam tìm ra các xu hướng quốc tế hóa chủ đạo mà chúng ta phải tập trung cho bối cảnh Việt Nam chứ hoàn toàn không thể rập khuôn.

Phát hiện thứ ba: Để có một chiến lược cấp quốc gia bài bản cho hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT và các bên liên quan phải hình thành một khung chiến lược quốc tế hóa bài bản gắn với thông lệ quốc tế, nhưng cũng phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam.

Phát hiện thứ tư: Thiết kế xây dựng nội dung trong khung chiến lược, chúng ta có thể tham khảo từ Malaysia. Kế hoạch triển khai chiến lược theo tiếp cận Blueprint của Malaysia yêu cầu nguồn đầu vào thông tin thu thập được từ nhiều bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách Trung ương đến cơ sở giáo dục; từ sinh viên đến giảng viên; từ doanh nghiệp đến đối tác quốc tế, nhằm có giải pháp rút ngắn khoảng cách hệ thống giáo dục hiện trạng và hệ thống giáo dục khát vọng trong giai đoạn chiến lược.

Các khát vọng trong kế hoạch chiến lược được cụ thể hóa thành ba nhóm: Khát vọng quốc gia, khát vọng cơ sở giáo dục và khát vọng người học. Như vậy, kế hoạch chiến lược của Malaysia tiếp cận theo các yếu tố đầu vào, là bằng chứng khoa học để tìm ra giải pháp có cơ sở thực tiễn và có luận cứ khoa học, nhằm đạt được khát vọng của cả ba bên là quốc gia - hệ thống giáo dục - người học trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Đề xuất cho giáo dục Việt Nam

Từ các phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đề xuất nên triển khai thiết kế chiến lược quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam theo ba bước, từ khung chiến lược, chiến lược quốc gia, tới kế hoạch triển khai chiến lược.

GS Nguyễn Trọng Hoài nêu nhận định của nhóm nghiên cứu: Việt Nam mặc dù có những tư duy chiến lược hội nhập cho hệ thống giáo dục, nhưng chưa được triển khai một cách hệ thống, đồng bộ và chưa ước lượng được khoảng cách giữa hiện trạng và khát vọng của quốc gia, người học từ hệ thống giáo dục. Do vậy, chúng ta cứ loay hoay và chịu nhiều chỉ trích của xã hội và bên ngoài.

Nguyên nhân chính là tiếp cận chiến lược truyền thống chủ yếu hình thành theo một cơ chế hành chính cứng nhắc, gắn kết yếu với nhiều bên liên quan trong hệ thống giáo dục và đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, khung chiến lược chỉ mới hình thành các yếu tố trong chiến lược. Thậm chí, khi hình thành chiến lược quốc gia thì nó mới chỉ dừng lại ở các văn bản hành chính.

GS Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh: Đầu vào có cơ sở khoa học áp dụng theo thông lệ quốc tế cho kế hoạch triển khai chiến lược quốc tế hóa hệ thống giáo dục sẽ là điểm cốt lõi cho tiếp cận mà nhóm nghiên cứu đề xuất sau khi có khung chiến lược và thậm chí có cả chiến lược.

Nếu bắt đầu khởi động các đầu vào này như Malaysia, chúng ta sẽ rất tốn thời gian và các nguồn lực khác. Nhưng thuận lợi là Bộ GD&ĐT có Chương trình Khoa học giáo dục quốc gia nhằm triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong khuôn khổ Chương trình, gần 40 đề tài nghiên cứu khoa học đã tập trung giải quyết các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam, tầm nhìn dài hạn nhằm nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa.

“Hệ thống đề tài này đã xới lên từ vấn đề triết lý giáo dục trong giai đoạn hội nhập sâu, đến các chủ đề mang tính quốc tế hóa cao như tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo qua giảng dạy e-learning, giảng dạy trực tuyến theo mô hình MOOCs nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tri thức xuyên biên giới cho người học trong nước, giảng dạy STEM nâng cao tính đổi mới sáng tạo, hợp tác giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ gắn với công bố quốc tế theo tiếp cận nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình…

Như vậy, Chương trình Khoa học giáo dục này từng bước phục vụ đầu vào và đầu ra cho một chiến lược hội nhập hệ thống giáo dục Việt Nam; đồng thời từng bước huy động cả các nguồn lực quốc tế nghiên cứu phục vụ cho quá trình hội nhập hệ thống giáo dục Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Anh, cơ quan hợp tác phát triển học thuật Đức (DAAD) thông qua các hội thảo quốc tế, hỗ trợ quốc tế cho việc hoạch định chiến lược hệ thống giáo dục chúng ta” – GS Nguyễn Trọng Hoài cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.