(GD&TĐ) - Ngày mai 4/7, thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt I năm 2013. PGS.TS Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trên toàn quốc đã sẵn sàng.
Để tránh việc đại học hóa đề thi và cũng để các nội dung thi sát với chương trình trung học phổ thông, năm nay Bộ GD&ĐT đã mời thêm nhiều giáo viên phổ thông?
Ngô Kim Khôi |
- Đây là quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để việc ra đề thi khách quan và thực tế hơn. Thế nên cơ cấu Ban đề thi được điều chỉnh theo hướng vừa có giảng viên ĐH, vừa có giáo viên THPT, cũng có giáo viên đại diện các khu vực, các vùng miền trên cả nước.
Mục đích của việc này nhằm hướng đến, đề thi được ra không chỉ bám sát chương trình phổ thông, mà còn phải phù hợp với thời gian làm bài quy định cho từng môn thi và nhất là phù hợp với chất lượng thực tế của giáo dục phổ thông của từng vùng, miền.
Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, vẫn còn có nhiều ý kiến trong việc thực hiện xét tuyển, như yếu tố vùng miền, tạo nhiều nguồn tuyển hơn cho các trường. Vậy quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Trong điều kiện nước ta hiện nay khi hệ thống kiểm định chất lượng chưa phát triển, kinh nghiệm và các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều thì việc quy định điểm sàn xét tuyển là rất cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ; trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 về cơ bản giữ nguyên theo hình thức “3 chung”: Chung đợt, chung đề, dùng chung kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Tuy nhiên, để phù hợp với kỳ thi tuyển sinh, trên cơ sở đề xuất của các trường ĐH, CĐ, các Sở GD&ĐT, các bậc phụ huynh, thí sinh, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có một số điều chỉnh: Về ưu tiên đối tượng tuyển thẳng, thí sinh tham gia vào các đội tuyển thi Olympic khu vực, quốc tế... Quy định tuyển sinh liên thông phải đủ 36 tháng nếu có nguyện vọng học liên thông và phải tham dự kỳ thi tuyển sinh và dùng kết quả này để xét tuyển.
Thí sinh đã sẵn sàng cho kỳ thi |
Thưa ông, được biết song song với việc để xã hội tham gia “giám sát” trường thi thì Bộ GD&ĐT cũng đưa ra những biện pháp nhằm giám sát thực hiện để đảm bảo kết quả khách quan, minh bạch?
- Đúng vậy! Năm nay sẽ có thêm điều chỉnh để đảm bảo việc chấm thi chính xác, khách quan và công bằng. Bên cạnh các ban chấm thi, ban coi thi, ban cơ sở vật chất, ở các hội đồng thi sẽ thành lập thêm ban “Chấm kiểm tra”. Nhiệm vụ của ban này là chấm tối thiểu 5% số bài của mỗi môn thi tự luận.
Vậy năm nay, các phương án xét tuyển riêng của một số trường thuộc khối năng khiếu và các quy định xét tuyển của các trường sẽ thế nào?
- Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định phê duyệt đề án tuyển sinh riêng cho 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật. Theo đó, 10 trường này tuyển sinh các ngành năng khiếu, nghệ thuật ở khối N, H với các môn Ngữ văn, năng khiếu.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 có điều chỉnh theo hướng: tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, quy định cứng mỗi ngày ở mỗi đợt xét tuyển 20 ngày, bắt đầu từ 20/8/2013 để thí sinh có đủ thời gian cân nhắc, lựa chọn đăng ký dự tuyển cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Đối với thí sinh nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi nguyện vọng 1, các trường sẽ cấp cho các em 3 giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ để thí sinh đăng ký xét tuyển các nguyện vọng sau vào các trường có cùng khối thi, phù hợp với hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Thực tế cho thấy, vì không quy định cứng số ngày đăng ký xét tuyển nên có trường thông báo thời gian đăng ký xét tuyển đến với thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn còn chậm, nên năm nay Bộ GD&ĐT cân nhắc, điều chỉnh lại thời gian đăng ký xét tuyển ít nhất là 20 ngày để thí sinh lựa chọn.
Thời hạn xét tuyển cũng có điều chỉnh, quy định chậm nhất là ngày 3/10/2013. Việc xét tuyển vẫn phải đảm bảo nguyên tắc điểm xét tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước.
Xin cám ơn ông.
Bạch Ngọc Dư (thực hiện)