Thị trường việc làm cuối năm tại Nghệ An: Doanh nghiệp cần, người lao động không vội

GD&TĐ - Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Nghệ An tăng cao. Thế nhưng, người lao động lại tỏ ra khá đủng đỉnh, không vội tìm kiếm việc làm.

Nhiều lao động đi làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Nhiều lao động đi làm chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Thong thả tìm việc

Phiên giao dịch việc làm cuối cùng trong năm 2018 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An không có cảnh đông đúc, nhộn nhịp. Người lao động chủ yếu tập trung ở khu vực hướng dẫn, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Còn ở phòng đăng ký tư vấn tuyển dụng khá vắng vẻ, rải rác có người vào phỏng vấn.

Trần Quốc Lộc (SN 1991, trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là một kỹ sư chuyên ngành cầu đường. Vừa thôi việc ở một công ty xây dựng nên anh đến trung tâm để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nói về tìm việc mới, anh Lộc cho hay mình vẫn đang dành thời gian chờ đợi và lựa chọn bởi nhiều công ty xây dựng tuyển lao động thời vụ chứ không phải kỹ sư. Một số nơi thì mức lương thấp hoặc theo tìm hiểu của anh, có tình trạng nợ lương, chậm lương. Vì thế anh vẫn đang cân nhắc và tiếp tục tìm kiếm nơi làm việc “phù hợp với trình độ của mình và có mức thu nhập xứng đáng”. Anh Lộc cũng cho hay, xác định ngành xây dựng phải đi theo công trình, nên anh sẵn sàng đi xa nếu có được công việc như mong muốn. Nếu chưa có được việc ưng ý thì đợi ăn Tết xong, tìm việc cũng không muộn.

Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Trung Đô, TP Vinh) đang tìm kiếm công việc ở vị trí kế toán hoặc thủ quỹ, thu ngân… “Tôi học ngành kế toán và đã từng làm ở bộ phận tài chính cho một số công ty ở phía Nam. Công việc thu nhập ổn định nhưng sau đó tôi về quê nghỉ sinh nên thôi việc. Bây giờ cháu lớn và sức khỏe ổn định thì tôi đi tìm việc mới. Tuy nhiên, phỏng vấn một số nơi họ đưa ra mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng kể cảng ở thàn bảo hiểm. Mức thu nhập đó hơi thấp so với mức sốh phố. Tuy nhiên, được làm việc gần nhà và làm giờ hành chính nên tôi đang cân nhắc”, chị Hoa chia sẻ.

Còn anh Trần Anh Đức (SN 1994) thì đang muốn có công việc đi làm ngay sau khi dự định xuất khẩu lao động sang Đức không thành vì gặp vướng mắc trong hồ sơ xin visa. Anh xin việc làm shipper dù chưa đúng như mong muốn ban đầu “Em có kinh nghiệm trong việc bán hàng và từng tự kinh doanh nên em nghĩ sẽ đáp ứng được công việc này. Nếu ổn định và thu nhập tốt thì em sẽ gắn bó lâu dài”, Đức chia sẻ.

Nhiều cách tiếp cận

Là cán bộ tuyển dụng của công ty chuyển phát nhanh, 3 tháng qua, chị Giang Lam có mặt trong các phiên giao dịch làm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An để phỏng vấn, tuyển nhân viên shipper: “Cuối năm, yêu cầu nhiều lao động hơn để đáp ứng khối lượng công việc vận chuyển lớn. Tuy nhiên, số lượng người trúng tuyển rất ít và về năng lực, trình độ của lao động cũng có một số hạn chế”.

Chị Giang Lam cũng cho biết, công ty không yêu cầu, đòi hỏi quá cao về trình độ đối với shipper. Lao động phổ thông, chỉ cần chăm chỉ, nhiệt tình, nhanh nhẹn và trung thực là đã có thể vào làm ngay. Chế độ đãi ngộ của công ty đối với nhân viên theo chị Giang Lam là khá tốt, bảo đảm đầy đủ quyền lợi, không chậm lương và có cơ hội thăng tiến nếu làm việc hiệu quả. “Dù vậy, quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động chúng tôi thấy một bộ phận không ít người chưa có ý thức kỷ luật cao, thiếu chịu khó, không tìm hiểu kỹ công việc mà mình ứng tuyển. Nhiều lao động chưa ý thức nâng cao kỹ năng làm việc, tìm kiếm khách hàng, gắn bó lâu dài với công ty mà chủ yếu mang tính thời vụ”, chị Lam Giang đúc kết.

Phiên giao dịch việc làm này cũng là lần thứ 3 ông Phan Văn Hoàng – Giám đốc một công ty bất động sản (có trụ sở ở Vinh) trực tiếp đi tuyển lao động. “Công ty đang cần kế toán và 5 nhân viên kinh doanh, nếu ứng viên đạt yêu cầu, tôi có thể nhận vào làm ngay. Đối với nhân viên kinh doanh thì chỉ cần trình độ trung cấp, nhiệt tình, năng động, có khả năng giao tiếp tốt là được. Ngoài ra, sau khi vào làm việc, công ty có thể đào tạo thêm. Còn vị trí kế toán chúng tôi yêu cầu thêm kinh nghiệm. Nhưng hết buổi sáng mới có 3 người đến phỏng vấn và xin về cân nhắc thêm. Tôi cảm giác doanh nghiệp thì cần người, mà lao động thì rất… đủng đỉnh”, ông Hoàng than.

Đánh giá về thị trường việc làm dịp này, ông Dương Xuân Phúc – Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An nhận định: Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, số lượng lao động tìm việc lại có xu hướng chững lại. Điều này có thể lý giải được vì tâm lý sau 1 năm làm việc, lao động sẽ chờ để được thanh toán hết chế độ lương hoặc thưởng Tết rồi mới quyết định nghỉ việc và tìm nơi làm mới. Thông thường, có 2 thời điểm nhu cầu tìm việc lớn nhất là dịp ra Tết và khoảng tháng 6 – 7 hàng năm khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Cũng theo ông Phúc, thực trạng này gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến cho nhà tuyển dụng phải dùng nhiều hình thức để tiếp cận người lao động, đặc biệt là qua mạng Internet. Bản thân trung tâm mỗi tháng có 2 phiên giao dịch giới thiệu việc làm, nhưng vẫn tư vấn, giới thiệu việc làm thường xuyên qua website, mạng xã hội. Và số lượng lao động nhận tư vấn online ngày càng chiếm số đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ