Thị trường lao động: Thừa "thấp", thiếu "cao"

Thị trường lao động: Thừa "thấp", thiếu "cao"

(GD&TĐ) - Trong thời điểm nền kinh tế đang có hướng chững lại, thị trường lao động tại nước ta đã bộc lộ những bất cập về dòng chuyển dịch, chất lượng, sử dụng...

Lao động tăng, việc làm ít

TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội) đã cho biết: Không chỉ có sự gia tăng về tỷ lệ lao động mà tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của người lao động trong nước đã có diễn biến tốt hơn kể từ khi chúng ta gia nhập WTO.

Cụ thể tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế tăng từ 70,3% (năm 2006) lên 77,4% (năm 2010), giảm một chút vào năm 2011 (77,3%), hay tăng 7 điểm % giai đoạn 2007– 2011. Đi sâu hơn nữa, tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của dân cư nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị: năm 2011 đạt 80,6% so với mức 70% (năm 2006 là 76% so với 64,8%). Tỷ lệ tham gia của nam giới cũng cao hơn so với nữ giới (năm 2011 là 82% so với 72%, trong khi năm 2006 là 76,8% so với 69,6%).

Lao động kỹ thuật có tay nghề cao vẫn đang chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên thị trường lao động
Lao động kỹ thuật có tay nghề cao vẫn đang chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên thị trường lao động

Tuy vậy, cũng từ năm 2007 đến nay, thị trường lao động thường xuyên biến động bất thường, phản ánh tình hình kinh tế đất nước. Tốc độ tăng việc làm có xu hướng giảm đi, chỉ đạt mức 2,6% so với mức 2,7% của thời kỳ 5 năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2009 và năm 2011 được coi là những năm “đáy”, khi tốc độ tăng việc làm xuống thấp, chỉ đạt 1,6% và 2,0% (năm 2012 chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính con số cao hơn cả năm 2011). Một trong những nguyên nhân là do hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Ước khoảng 200 nghìn việc làm theo kế hoạch đã không thể được tạo ra trong riêng năm 2011 do tăng trưởng kinh tế thấp.

Lao động trong nông nghiệp tăng trở lại

Việc làm ngày càng ít do kinh tế khó khăn, nhưng theo TS Lan Hương cách thống kê tỷ lệ việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta rất khó xác định cụ thể, do đặc thù của thị trường lao động với khu vực phi chính thức rộng lớn, có khả năng giảm nhẹ tác động của suy giảm kinh tế thông qua dòng dịch chuyển lao động từ thành phố ngược về nông thôn, từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Thống kê mới được đưa ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy công nghiệp hóa và đô thị hóa có sự tác động mạnh đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm khu vực thành thị trong giai đoạn 2007– 2011; với tốc độ gần 5,8%/năm, cao hơn thời kỳ trước đó (khoảng 4,4%/năm) và cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng việc làm ở nông thôn (chỉ tăng 1,4%). Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành lại có xu hướng chậm lại. Đặc biệt, suy giảm kinh tế đã khiến cho lao động trong nông nghiệp tăng trở lại kể từ năm 2009 trở lại đây.

Hệ thống đào tạo nghề đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng lao động trong những năm gần đây. Lao động trình độ cao đẳng và đại học trở lên trong 5 năm qua tăng 8,3% mỗi năm (so với mức tăng 6,8%/ năm của giai đoạn 5 năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO).

Một trong những điểm đáng lưu ý nữa là thị trường lao động Việt Nam kể từ sau khi gia nhập WTO là hình thức sở hữu lao động còn nhiều bất cập. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh qua các năm, lao động làm việc trong khu vực nhà nước vẫn tiếp tục tăng (trung bình mỗi năm là 4%, cho thấy việc tinh giảm biên chế trong khu vực này còn nhiều vấn đề.

Khu vực tư nhân sau giai đoạn phát triển mạnh đã chững lại kể từ năm 2007 (năm 2002 chiếm 3,6%; năm 2006 chiếm 8,1%; năm 2010 chiếm 7,6% và năm 2011 chỉ nhích lên được 8,2%). Tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (kinh tế cá thể) giảm sau một thời gian giảm chậm (năm 2002 là 68,7%, năm 2007 là 80,3%, đến năm 2011 là 7,8%) cho thấy tác động hạn chế của phát triển kinh tế đến thị trường lao động.

Chất lượng không song hành cùng số lượng

Lao động cá thể có xu hướng tăng lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chỉ cho thấy sự thiếu hụt việc làm chính thức cho người lao động; hoặc người lao động không đáp ứng được yêu cầu của việc làm trong thời kỳ hội nhập, đặt ra thực tế về chất lượng đào tạo nghề cho người lao động hiện nay ở Việt Nam.

Kể từ khi chúng ta bước vào con đường hội nhập, các ngành nghề kỹ thuật đòi hỏi tay nghề cao cũng xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, theo nhận xét của TS. Võ Trí Thành thì mức tăng của lao động kỹ thuật là rất đáng thất vọng; không chỉ chậm hơn về số lượng tuyệt đối mà cả về mức tăng so với thời kỳ trước. 5 năm sau khi gia nhập WTO, mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 1.393.000 lao động kỹ thuật (tương đương 7,6% ); trong khi giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO, mỗi năm có thêm khoảng 1.569 ngàn (tương đương 14,9%). Điều này tiếp tục tạo ra “nút thắt” về nguồn nhân lực và phản ánh mô hình phát triển kinh tế vẫn tiếp tục dựa vào công nghệ sử dụng nhiều lao động trình độ thấp ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, thực tế này cũng chỉ ra sự bất cập đang tồn tại trong chất lượng của hệ thống đào tạo nghề hiện tại.

Điều đó lý giải vì sao sau nửa thập kỷ gia nhập WTO, nguồn vốn đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên nhưng nền công nghiệp nước nhà vẫn không mấy tiến triển; chủ yếu chúng ta vẫn chỉ làm nhiệm vụ gia công cho đối tác, với sự ưu đãi về mặt bằng và nhân công giá rẻ mà thôi. Không làm chủ được công nghệ, không có nhiều lao động chất lượng cao – thách thức của nền kinh tế sau 5 năm gia nhập WTO, chỉ nhìn từ thị trường lao động, đã cho thấy nhiều bất cập.

Thu Ba

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ