Việc ngừng hoạt động của Google+ được đưa ra sau khi Google buộc phải thừa nhận họ đã tìm thấy và sửa một lỗ hổng bảo mật vào tháng 3 năm nay, một lỗ hổng có thể đã tiết lộ dữ liệu cá nhân của 500.000 người dùng Google+.
Google giữ im lặng về vấn đề này trong nhiều tháng và chỉ thừa nhận sau một báo cáo của Wall Street Journal. Google sau đó cho biết họ quyết định không công bố trục trặc đó vì nó chưa đến "ngưỡng" đủ để cảnh báo tới công chúng.
Đây là sự kết thúc của một hành trình dài và khó khăn của Google+, một hành trình bắt đầu với rất nhiều sự phô trương khi nó ra mắt vào năm 2011.
Dù mạng xã hội này luôn được ca ngợi vì giao diện gọn gàng và các tính năng ảnh hữu ích, nó chưa bao giờ đạt được tầm ảnh hưởng thực sự để đe dọa tới Facebook - mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới hiện nay với hơn 2 tỷ người dùng. Và vì vậy, Google+, vốn được mô tả từ lâu nay như một "thị trấn ma", đã bị dẹp bỏ do không theo kịp được đối thủ của mình.
Nhưng câu chuyện này vẫn chưa có kết thúc rõ ràng, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại. Sự sụp đổ của Google+ đặt ra những câu hỏi mà chúng ta chưa từng phải đối mặt trong xã hội công nghệ hiện đại: Khi một mạng xã hội lớn ngừng hoạt động, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Google cho biết hoạt động của mạng xã hội này sẽ giảm dần trong vòng 10 tháng tới, và cuối cùng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn vào tháng 8 năm sau, để đảm bảo mọi người có đủ thời gian để chuyển đổi thông tin và hình ảnh của họ.
Tất nhiên, Google+ không phải là mạng xã hội đầu tiên thất bại. Trước đây chúng ta có Friendster và MySpace, nhưng hai mạng xã hội này đã sụp đổ từ trước thời đại mà mọi thứ dường như xoay quanh truyền thông xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay. Friendster đóng cửa vào năm 2015 sau một thời gian ngắn chuyển sang mảng gaming.
MySpace về mặt kỹ thuật vẫn còn tồn tại, mặc dù nó tự định vị chính mình như một trang web âm nhạc. Vine, mạng xã hội thuộc sở hữu của Twitter dành cho các video với độ dài 6 giây, đã công bố đóng cửa vào năm 2016. Động thái này đã nhận nhiều sự than phiền và hầu hết người dùng đã chuyển sang Instagram và YouTube.
Nhưng trường hợp của Google+ thì khác. Google+ ban đầu ra đời nhắm đến việc thay thế người khổng lồ Facebook. Dù đã thất bại một cách ngoạn mục, nhưng nó là một mạng xã hội lớn của một trong những công ty mạnh nhất hành tinh. Google+ công bố "cái chết" của mình tại một thời điểm khi chúng ta đang ngập trong các phương tiện truyền thông xã hội đến mức ngạt thở.
Theo Statista, khoảng 77% dân số Hoa Kỳ sở hữu một tài khoản mạng xã hội. Chúng ta đã phụ thuộc vào truyền thông xã hội quá nhiều, dù nó mang đến cho chúng ta sự phân biệt, chia rẽ, sai lệch thông tin, can thiệp bầu cử và lạm dụng dữ liệu.
Và do đó cái chết của một trong những dịch vụ mạng xã hội - thậm chí ít được sử dụng như Google+ - có thể là tin mừng cho một số người.
Khi nói đến một trang web xã hội được yêu thích mà chúng ta sợ sẽ đóng cửa nhất, thì đó có lẽ là SoundCloud. Trang web tiếng Đức này cho phép các nhạc sĩ, cả chính thức và không chính thức, tải lên nhạc của họ và chia sẻ nó với một cộng đồng người hâm mộ. Năm ngoái, công ty này đã sa thải 40% nhân viên của mình, sau đó báo cáo rằng SoundCloud chỉ còn đủ khả năng tài chính để tồn tại trong 80 ngày. Internet ngay lập tức trở nên hoảng loạn.
Trang web này cuối cùng đã được cứu bởi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm khẩn cấp, và CEO của họ, Alex Ljung thì đã từ chức. Tuy nhiên, việc suýt mất SoundCloud đã nhắc nhở chúng ta về sự bất ổn của những cộng đồng trực tuyến.
Trang New York Times viết: "Khi văn hóa kỹ thuật số trở nên gắn liền với thành công của các nền tảng nơi nó phát triển, luôn tồn tại nguy cơ nó sẽ biến mất mãi mãi".
Đối với hầu hết những người đã quên mất sự tồn tại của Google+ từ nhiều năm trước, việc nó ngừng hoạt động có vẻ như không quá quan trọng. Chúng ta có rất nhiều lựa chọn khác để làm phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và Pinterest. Nhưng không có nghĩa là Google+ đã hoàn toàn bị bỏ rơi. Thật khó để xác định chính xác số người dùng, bởi vì Google tính con số này thông qua các sản phẩm khác của Google, nhưng một nhà nghiên cứu không thuộc Google đã ước tính có khoảng 111 triệu người dùng hoạt động vào năm 2015.
Google từ chối chia sẻ số người dùng của mạng xã hội này, ở thời điểm phát triển nhất hay thời điểm hiện tại, dù đầu tuần này, họ cho biết 90% phiên hoạt động của người dùng Google+ chỉ kéo dài chưa đến 5 giây.
Michael Pachter, một nhà phân tích của Wedbush Securities cho biết:"Google không cho chúng ta bất kì lí do gì để để sử dụng Google+. Facebook là đủ tốt để đáp ứng những gì chúng ta cần ở một mạng xã hội"
Tuy nhiên, giống như bất kỳ dịch vụ nào, Google+ vẫn có những người dùng trung thành. Mạng xã hội này khá phổ biến đối với các nhiếp ảnh gia vì các tính năng ảnh được đánh giá cao của nó như khả năng lưu trữ và chỉnh sửa.
Daniel Radcliffe, diễn viên thủ vai Harry Potter, cũng là một người dùng lâu năm. Đây là mạng xã hội với tài khoản được xác minh duy nhất của anh, mặc dù số người theo dõi của anh trên trang web này không được công khai.
Một trường hợp tiêu biểu phải kể đến là Guy Kawasaki, người đã quảng cáo cho dòng máy tính Macintosh đời đầu của Apple. Ông có gần 7 triệu người theo dõi trên Google+, so với 1,46 triệu trên Twitter và 430.000 trên Facebook.
Vào ngày người khổng lồ Google thông báo việc đóng cửa mạng xã hội của mình, ông rất bất ngờ và đã viết trên trang cá nhân của mình: "Tôi đã thấy tiềm năng lớn ở Google+".
Thậm chí ông còn ký một bản kiến nghị trên Change.org yêu cầu Google không đóng cửa mạng xã hội này. Đối với những người như Guy Kawasaki - những nhân vật của công chúng mà chủ yếu thu hút người theo dõi qua các mạng xã hội khác nhau - sự kết thúc của một nền tảng mạng xã hội thực sự có ảnh hưởng không hề nhỏ.