NGND. TS. Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội - cho rằng: Việc thi trắc nghiệm với môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học đã được thực hiện từ lâu. Nhưng môn Toán và bài thi khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), trắc nghiệm là một hình thức mới nên ban đầu không tránh khỏi việc có phản ứng.
Theo NGND Hà Xuân Quang, trên thực tế, thi theo hình thức trắc nghiệm có rất nhiều ưu điểm, ông phân tích:
Dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra cụ thể: Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng; bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm.
Với số lượng câu hỏi như vậy, kiến thức được đề cập trong bài thi có thể trải hết nội dung chương trình. Do đó, thi trắc nghiệm giúp đánh giá được nhiều nội dung kiến thức hơn, khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch. Kiến thức rộng, không dạy tủ cũng sẽ hạn chế việc luyện thi.
Cộng thêm việc đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng nên hạn chế tối đa hiện tượng quay cóp, tiêu cực trong phòng thi.
Một lợi thế nữa của thi trắc nghiệm, theo NGND Hà Xuân Quang, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Chấm bằng máy rõ ràng sẽ tiết kiệm được rất nhiều về nhân lực và thời gian, đặc biệt kết quả khách quan hơn do không có yếu tố chủ quan từ người chấm, tiêu cực trong chấm thi.
Dự thảo phương án tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 giảm thời gian làm bài thi. Theo đó, các bài thi Toán, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút. Từ đó sẽ giảm căng thẳng, áp lực cho học sinh.
“Có ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm môn Toán sẽ không đánh giá được tư duy logic của người học, nhưng tôi cho rằng ý kiến đó là không đúng. Vì khi làm bài thi trắc nghiệm, muốn chọn được kết quả đúng, người học cũng phải có quá trình giải. Chỉ khác, thay vì viết quá trình giải đó ra trong bài thi thì nay người học viết nó ra nháp.
Với các bài thi tổ hợp, trong đó có bài thi Khoa học xã hội, Bộ GD&ĐT đã giải thích rõ đó là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Như vậy, xét về nội dung không khác gì trước, chỉ có thay đổi ở mặt hình thức. Cũng bởi vậy, việc thay đổi sang hình thức thi trắc nghiệm không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Như theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT - dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kĩ năng thì mới "tìm" rồi "chọn" được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.
Có thể nói, trắc nghiệm là hình thức rất tiên tiến trong việc test kiến thức, đánh giá chính xác đặc biệt khi thi trên diện rộng. Hơn nữa, thi trắc nghiệm giúp tận dụng được sự phát triển của công nghệ, đó là điều cần phát huy” - NGND Hà Xuân Quang nhận định.