Đề thi có tính giáo dục cao
Đề thi minh họa môn Ngữ văn phù hợp với năng lực học tập của học sinh hiện nay. Nội dung rõ ràng, vấn đề có tính giáo dục tốt, khơi gợi được những suy nghĩ tích cực cho người đọc, người nghe…
Bố cục đề bài gọn, phân chia yêu cầu thực hiện bài làm môn Ngữ Văn thành hai phần (Đọc - Hiểu; Làm văn) là hợp lý.
Yêu cầu đặt ra ở đề thi sát với nhận thức của học sinh, vừa có nội dung mở rộng từ kiến thức ngoài sách giáo khoa (phần đọc - hiểu), vừa có nội dung “truyền thống” trong chương trình học tập Ngữ văn 12, vẫn đảm bảo phần làm văn có 2 câu (viết đoạn văn nghị luận xã hội; viết bài văn nghị luận văn học)…Thời lượng làm bài 120 phút là vừa đủ.
Tuy nhiên, theo tôi nên xem lại một chi tiết nhỏ ở câu 1, phần II- Làm văn “Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ)… nên điều chỉnh cách dùng từ ngữ ở đây: khoảng 200 từ (sẽ chuẩn xác hơn).
Chú trọng phần đọc - hiểu
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, tập thể tổ Ngữ văn Trường THPT An Mỹ, Sở GD&ĐT Bình Dương đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các giáo viên, phổ biến các file tài liệu Ngữ văn cho các đơn vị trường học tham khảo…
Ban giám hiệu nhà trường cũng cung cấp các nội dung liên quan đến việc giảng dạy và học tập các bộ môn lớp 12 (trong đó có môn Ngữ văn), thông tin của Bộ GD&ĐT liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia.
Theo đó, giáo viên trong tổ Ngữ văn đã có sự trao đổi, đối chiếu các đề thi của những năm gần đây, từ đó rút ra kinh nghiệm trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh đáp ứng yêu cầu việc kiểm tra hiện nay…
Cụ thể sẽ tăng cường bổ trợ kiến thức phần đọc - hiểu cho học sinh, tìm thêm các bài tập liên quan đến nội dung này và hướng dẫn học sinh thực hiện.
Đồng thời hướng dẫn học sinh cách xác định, phân tích nội dung tư tưởng, cách thức diễn đạt bài tập về phần đọc - hiểu dạng trữ tình hoặc văn xuôi…
Ngoài ra, giáo viên chúng tôi cũng đặt tâm thế vào vị trí học sinh để gần với các em và hiểu các em nhiều hơn. Quan điểm của chúng tôi là không áp đặt kiến thức cho học sinh mà hướng dẫn, gợi mở, gợi tìm và lưu ý học sinh tính giáo dục, bài học về luận lý, về nhận thức cuộc sống được lồng vào bài tập đọc - hiểu. Từ đó dẫn tới việc truyền đạt kiến thức cho các em học sinh dễ đạt hiệu quả hơn…