* Năm 2017, Bộ GD&ĐT vẫn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, với vai trò là nhà quản lý giáo dục, PGS có nhận xét gì vào chủ trương này?
- Thực tế ngay từ dự thảo ban đầu Bộ GD&ĐT đã không bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ chỉ dự kiến không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung mà giao về cho các trường tự quy định cho phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo.
Dự kiến này là có cơ sở, tuy nhiên, xã hội chưa yên tâm về việc để cho các trường tự xác định chất lượng đầu vào. Vì vậy, năm 2017, Bộ yêu cầu tất cả các trường đều phải xây dựng đề án tuyển sinh, trong đó, phải công khai các thông tin của nhà trường về điều kiện đảm bảo chất lượng.
Năm 2018 sẽ bổ sung thêm tỷ lệ việc làm của sinh viên sau một năm tốt nghiệp giúp thí sinh có thông tin tham khảo khi đăng ký xét tuyển, xã hội sẽ giám sát việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.
Trên cơ sở đó, từ năm 2018, các trường mới tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Tôi cho rằng, đây là một quyết định rất đúng đắn.
* Trước kỳ thi THPT quốc gia 2017, PGS có lời khuyên nào gửi tới các thí sinh
- Trước hết, thí sinh cần xác định ngành nghề mà mình yêu thích (có sở trường, có khả năng và mong muốn được làm việc). Sau đó xác định những trường đang đào tạo ngành nghề đó để lựa chọn từ 1 đến 3 trường phù hợp, một trường ở mức cao hơn khả năng có thể đạt được để phấn đấu, một trường ở mức trung bình, bằng với khả năng của thí sinh và một trường ở mức hơi thấp hơn khả năng để đề phòng rủi ro.
Thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển vào ngành của trường trong 2-3 năm gần nhất. Tuy nhiên, việc cần nhất là thí sinh phải tập trung học và luyện tập thật tốt để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
* Thực tế có rất nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm muốn biết nguyên tắc xét tuyển năm 2017 của Học viện Tài chính, vậy PGS có thể "bật mí" điều này?
- Học viện Tài chính xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT lần lượt theo thứ tự từ ưu tiên 1 đến ưu tiên 5, điểm xét tuyển lấy từ cao xuống đến hết số lượng theo chỉ tiêu của ngành xét tuyển.
Điểm xét tuyển lấy đến 1 chữ số thập phân để xét tuyển. Nếu nhiều hồ sơ có điểm xét tuyển bằng nhau thì lấy điểm trung bình môn Toán làm tiêu chí phụ xét từ cao xuống thấp đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXTT) theo tổ hợp A0 và A1 hoặc có điểm trung bình môn Tiếng Anh đối với các thí sinh ĐKXTT theo tổ hợp D1.
Đối với xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Trong xét tuyển đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký với từng ngành học.
Trường hợp các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét tuyển theo tiêu chí phụ của Học viện thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn
Nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện xét tuyển theo tiêu chí phụ sau:
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh và ngành Hệ thống thông tin có môn thi chính nhân hệ số 2, thí sinh có điểm môn thi chính nhân hệ số 2 cao hơn sẽ trúng tuyển.
Đối với những ngành có xét tuyển tổ hợp: (Toán, Vật lý, Hóa học); (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); (Toán, Ngữ văn, Anh Văn); thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.
* Nếu sau khi xét đến tiêu chí phụ mà vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn. Trường hợp chưa đủ chỉ tiêu thì Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Học viện quyết định tuyển đợt kế tiếp.
Thời gian ĐKXT đợt 1 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh được ĐKXT tối đa vào tất cả các ngành của Học viện (có 6 ngành) và được thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định.
* Được biết, năm nay Học viện Tài chính cũng có nhiều điểm mới trong tuyển sinh. Vậy đâu là điểm nhấn trong tuyển sinh đại học năm nay - thưa PGS?
- Năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Tài chính là 3.900, gồm 6 ngành đào tạo: Ngành Tài chính – Ngân hàng, ngành kế toán, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Hệ thống thông tin quản lý, ngành Ngôn ngữ anh và ngành Kinh tế.
Phương thức tuyển sinh của nhà trường là: ngoài tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, Học viện Tài chính xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Tổ hợp môn thi đối với từng ngành đào tạo không thay đổi.
Đối tượng xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT là: Những thí sinh học ở các trường THPT trên toàn quốc tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia có môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi về (Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Ngữ văn) được đăng ký tất cả các ngành phù hợp của Học viện;
Những thí sinh học ở các trường THPT trên toàn quốc có hạnh kiểm 3 năm đạt loại tốt và là một trong diện sau được đăng ký tất cả các ngành phù hợp của Học viện: Học lực giỏi từ 2 năm trở lên trong đó có năm lớp 12 và có kết quả điểm IELTS 5.5 điểm hoặc TOEFL ITP 550 điểm, hoặc TOEFL iBT 55 điểm; Học lực giỏi từ 2 năm trở lên trong đó có năm lớp 12 và có giải nhất, nhì, ba cấp thành phố/cấp Tỉnh trở lên các môn (Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh, Ngữ văn);
Những thí sinh học ở các trường THPT trên toàn quốc có hạnh kiểm 3 năm đạt loại tốt và là một trong diện sau được đăng ký ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Kinh tế của Học viện: Học lực giỏi năm lớp 12 và có kết quả điểm IELTS 5.5 điểm hoặc TOEFL ITP 550 điểm, hoặc TOEFL iBT 55 điểm; Học lực giỏi năm lớp 12 và có giải nhất, nhì, ba cấp thành phố/cấp Tỉnh trở lên các môn (Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn);
Những thí sinh học ở các trường THPT trên toàn quốc học lực giỏi cả 3 năm, có hạnh kiểm 3 năm đạt loại tốt trong đó kết quả học tập lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 7,0.
Xin cảm ơn PGS!