Nhà thơ Azerbaijan - Nizami Ganjavi có tên thật là Ilyas Yusif Oglu (1141 -1209), vừa là thi sĩ, vừa là nhà triết học - tư tưởng vĩ đại thuộc tộc người Azeri. Ông sinh ra trong một gia đình thợ thủ công, được học ở Madrasah và tự mình nghiên cứu một cách hoàn hảo các ngành khoa học Trung cổ thời đó. Nizami được tiếp cận với các tác phẩm văn học nói và viết vùng Cận Đông nên tác phẩm của ông rất giàu tư tưởng lại mang tính độc đáo và đa thanh.
Các tác phẩm của Nizami đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và rất được trân quý. Nhiều bản viết tay độc đáo của ông được lưu giữ và bảo vệ trong các thư viện, bảo tàng và Quỹ văn hóa nổi tiếng của Moscow, St. Petersburg, Baku, Dashkend, Tebriz, Tehran, Gahira, Istanbul, Deli, London, Paris và nhiều nơi khác trên thế giới như những viên ngọc lấp lánh giá trị vĩnh cửu.
Số phận các tác phẩm và tên tuổi ông lúc đầu gặp phải sự trắc trở do một số nước đều nhận ông là người của nước họ chỉ vì một lý do chính là Nizami viết hầu hết các tác phẩm của mình bằng tiếng Iran, qua nhiều tranh đấu cuối cùng ông được thế giới coi là danh nhân của Azerbaijan.
Nizami được coi là nhà thơ sử thi lãng mạn vĩ đại nhất trong văn học Ba Tư và xung quanh, người đã mang đến một phong cách đời sống thực tế và hiện thực cho sử thi Ba Tư. Di sản của ông được đánh giá cao và chia sẻ bởi Afghanistan, Azerbaijan, Iran, khu vực Kurdistan và
Tajikistan cùng Iran đậm chất lãng mạn sử thi, huyền bí. Thơ ông có phong cách thanh lịch thông thái và đầy những tưởng tượng. Cuốn “Bản thảo của Hamsa” là một kiệt tác nghệ thuật về đời sống Hồi giáo, như một bức tranh thu nhỏ về thế giới, người dân, thiên nhiên tuyệt đẹp của những vùng Nizami sinh sống được vẽ bởi thi ca. Tác phẩm có một tổng thể gồm 5 phần gọi là “Hamse”, trong đó “Hosuro and Sealain”, “Lila and Majune”, “The Seven Person” nổi tiếng.
Nizami là một điển hình về một nhà thơ Azerbaijan đã viết bằng tiếng Ba Tư theo xu hướng chung là vay mượn tôn giáo, ngôn ngữ và văn học từ Ba Tư của người Azerbaijan. Ông có biệt hiệu là “Gyanjevi” (nghĩa là người sinh ra và lớn lên ở Gyanja) vì ông đã dành phần lớn cuộc đời mình ở Gyanja (nay là Elizavetpol, Azerbaijan), nơi ông qua đời.
Nizami đã từ chối cơ hội trở thành một nhà thơ riêng của Cung đình và tự thu xếp cho mình một cuộc sống lương thiện dù khó khăn nhưng tự do, ít câu thúc. Ganja, thủ phủ của Arran (vùng Transcaucasian Azerbaijan), thời đó là một trong những thành phố đẹp nhất ở Tây Á, là một thị trấn biên giới quan trọng, là trung tâm sản xuất và buôn bán tơ lụa hưng thịnh.
Từ những năm 1150 trở đi, cả vùng được cai trị bởi Eldigüzids, trở thành một trung tâm chính của hoạt động văn học và học thuật. Trong số nhiều nhà thơ xuất thân ở Ganja, Nizami nổi bật như một nhân vật đỉnh cao.
Khoảng năm 1169 - 1970, lãnh chúa cai trị vùng là Darband Seyfaddin Muzaffar ban cho Nizami một cô gái nô lệ người Kipchak tên là Afal (Appag - White), sau này đã trở thành vợ của ông. Vào năm 1174, họ có với nhau một con trai, đặt tên là Muhammad.
Pháp sư trong vùng cho rằng: Ông có sống mũi thẳng, cánh mũi nở đều, trán cao rộng, mắt to sáng hơi buồn, hay nói lẩm bẩm hoặc ngồi tư lự, đó là kiểu người thông tuệ, giỏi thơ ca, có tầm tư tưởng, danh vọng lâu bền. Nhưng râu rậm; tóc dày thô, hơi xoăn, phủ kín đầu, nên hôn nhân không lâu do sát thê, cuộc sống khó khăn, cô đơn ít bạn.
Nhà thơ Nizami đã kết hôn ba lần, và trong các bài thơ của mình, ông than thở về cái chết của từng người vợ, cũng như đưa ra lời khuyên sâu sắc cho con trai ông. Ông sống trong một thời đại vừa bất ổn chính trị, cuộc sống không dư giả, lại hoạt động trí óc căng thẳng, ông bị ghen ghét, hay cô đơn...
Tuy ông nổi tiếng, nhưng ít người biết về cuộc đời của ông, mối quan hệ của ông với những người bảo trợ, niên đại chính xác các tác phẩm của ông, vì lời kể của những người viết tiểu sử sau này được dệt bởi nhiều huyền thoại xung quanh nhà thơ.
Mặc dù, Nizami đã để lại một kho thơ trữ tình ngắn, người đời chủ yếu biết đến những bài thơ trường ca tự sự rất dài của ông, trong đó tập “Haft Paykar”, được ông hoàn thành năm 1197, là kiệt tác được thừa nhận rộng rãi của Nizami.
Nizami còn được gọi tên kính trọng là Hakîm (nhà hiền triết), ông vừa là một nhà thơ uyên bác, vừa là thi sĩ bậc thầy của phong cách trữ tình và gợi cảm.
Thơ bằng tiếng Ba Tư lần đầu tiên xuất hiện ở phương Đông vào cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI, rồi phát triển mạnh mẽ tại các lãnh thổ của người Samanids ở Bukhara và những người kế tục họ là tộc Ghazvanids, tập trung ở miền Đông Iran và Afghanistan.
Giữa thế kỷ XII, nhiều nhà thơ quan trọng được hưởng sự bảo trợ của các lãnh chúa các khu vực thuộc Azerbaijan nên đã phát triển một phong cách thơ “Azerbaijan” đặc biệt bằng tiếng Ba Tư. Nó khác với phong cách “Khurasani” hoặc “phương Đông” ở sự tinh tế trong tu từ, cách sử dụng sáng tạo của phép ẩn dụ; sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, hình ảnh lịch sử văn hóa Cơ đốc.
Nizami có khả năng nghiên cứu, tự học phi thường, thông thạo nhiều lĩnh vực. Thơ ông phản ánh tri thức bách khoa về văn học Ả Rập và Ba Tư: Thông hiểu âm nhạc, nghệ thuật thị giác; các truyền thống văn hóa địa phương, văn học dân gian truyền miệng và văn học viết.
Ông am hiểu các lĩnh vực đa dạng như toán học, hình học, thiên văn học và chiêm tinh học, thuật giả kim, y học, chú giải kinh Koran, Hồi giáo, thần học, cùng luật pháp, lịch sử, dân tộc, triết học (kể cả các tư tưởng bí truyền)... Tác phẩm của Nezami còn lại cuốn “Divan” bao gồm khoảng hơn 100 bài thơ các thể loại còn đến ngày nay.
Theo các chuyên gia nghiên cứu giai đoạn Trung cổ, đây chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng thơ trữ tình của ông. Ngoài ra, tác phẩm Khamse gồm 5 trường ca, còn giữ lại được đầy đủ đến ngày nay là một di sản vô giá. Khamse là một tác phẩm đồ sộ gồm các phần:
- Makhzan al-Asrar (Kho báu bí ẩn, 1163 - 1176)
- Khusraw o Shirin (Khosrow và Shirin, 1177 - 1180)
- Layli o Majnun (Layla và chàng điên, 1192)
- Haft Peykar (Bảy người đẹp, 1196)
- Iskander Name (Sách về Alexandros Đại đế, khoảng 1203)
Nizami Ganjavi đã đưa những lý tưởng nhân văn cao cả và những thành tựu mới vào văn học của các quốc gia Cận Đông và mở ra một hướng đi mới trong văn học phương Đông. Ông luôn cố gắng kết nối văn học với cuộc sống, mặc dù lấy những hình ảnh từ lịch sử nhưng biến hóa chúng với màu sắc đương đại. Đây là 1 bài thơ về tình yêu của ông:
NGUYỆN RẰNG (Đầu đề do người dịch đặt)
Nguyện rằng anh đến với em,
Dù trời thử thách, thề nguyền vì yêu.
Hỏi rằng anh ước mấy điều?
Rằng: duyên trời tặng với tình yêu em (Dịch: Lê Thanh Bình)