(GD&TĐ) - Thi tốt nghiệp từ đầu tháng 12 năm 2010 nhưng đến nay, 150 em học sinh của lớp Kế toán - Tài chính khóa V, hệ trung cấp của trường Trung cấp chuyên nghiệp Kinh tế Kỹ thuật Nam Định (KTKTNĐ) vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc này? Và vấn đề đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp được nhà trường giải quyết như thế nào? Đó là những câu hỏi mà các em học sinh và các bậc phụ huynh đang rất cần trả lời một cách thấu tình đạt lý.
Vừa qua, chúng tôi nhận được đơn thư của phụ huynh học sinh lớp Kế toán - Tài chính khóa V, hệ trung cấp của trường Trung cấp chuyên nghiệp (KTKTNĐ) phản ánh về việc con em họ đã trúng tuyển đầu vào của nhà trường năm học 2008-2009; Đến tháng 12 năm 2010 đã được nhà trường tổ chức thi tốt nghiệp và đã có kết quả nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng tốt nghiệp.
Sự việc trên đã được bà Vũ Thị Nhuần – Chủ tịch HĐQT thừa nhận là có thật. Bà Nhuần giải thích: Thời điểm 150 em học sinh lớp Kế toán - Tài chính trúng tuyển đầu vào, toàn bộ hồ sơ lúc bấy giờ là do ông Trần Mạnh Hiệp, nguyên chủ tịch HĐQT, hiệu trưởng nhà trường quản lý và đến nay vẫn chưa được bàn giao cho lãnh đạo nhà trường đương nhiệm. Trong đó có quyết định trúng tuyển của các em do ông Trần Mạnh Hiệp ký tên. Bởi theo quy chế cấp bằng tốt nghiệp thì quyết định trúng tuyển của nhà trường chính là cơ sở để tiến hành thủ tục cấp bằng tốt nghiệp cho các em.
Bà Nhuần giải thích: Bà tiếp nhận lãnh đạo và quản lý nhà trường trong bối cảnh ông Hiệp không còn khả năng điều hành do vấn đề về sức khỏe. Trước đó, ông Trần Mạnh Hiệp đã có những biểu hiện sai phạm trong quản lý, điều hành và đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Nam Định khởi tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Mặt khác, do tuổi cao sức yếu và theo kết quả giám định số 63/11/TgT ngày 16/5 của Viện giám định Pháp y Quốc gia tình trạng sức khỏe của ông Hiệp có biểu hiện tâm thần, tình trạng sức khỏe rất yếu, suy thận do vôi hóa thận phải, nang thận trái và sức khỏe bị giảm do bệnh lý gây nên là 40%.
Bà Vũ Thị Nhuần – Chủ tịch HĐQT trường Trung cấp chuyên nghiệp KTKTNĐ trao đổi với phóng viên về sự việc |
Bà Nhuần cho biết thêm: “Vấn đề chúng tôi đang gặp khó khăn nhất đó là: Ông Hiệp đã làm thất lạc một số tài liệu, trong đó quan trọng nhất là quyết định trúng tuyển của 150 em học sinh này. Trong khi đó, theo quy chế phát bằng cho học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải có quyết định trúng tuyển của các em. Đây cũng chính là lý do vì sao việc cấp bằng cho các em bị chậm hơn so với quy định”.
Trả lời câu hỏi về các phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh, Bà Vũ Thị Nhuần cho biết: Hiện nhà trường đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả các em đã thi đỗ tốt nghiệp; giấy chứng nhận này có giá trị đến hết tháng 4 năm 2012. Bên cạnh đó, nhà trường có thể làm tất những việc trong chức năng và quyền hạn để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em, nhất là khi đi xin việc và học liên thông lên Cao đẳng, Đại học. Cụ thể: Với những cơ quan, doanh nghiệp đòi hỏi bằng gốc khi các em đến xin việc, nhà trường đã gửi công văn, thậm chí là cử lãnh đạo và cán bộ đến cơ quan, doanh nghiệp đó để bảo lãnh cho các em được vào làm việc. Đơn cử như trường hợp của em Đào Duy Hạnh xin việc ở Hải Phòng, hay như 11 em học sinh có nhu cầu học liên thông lên Cao đẳng, Đại học thuộc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhà trường đều có công văn, cử cán bộ đến bảo lãnh cho các em để các em được thi tuyển và học tập.
Giấy chứng nhận tốt nghiệp của các em học sinh lớp Kế toán – Tài chính có hiệu lực đến hết tháng 4 năm 2012 |
Bà Nhuần cũng cho biết thêm: Hiện nay, tình trạng sức khỏe của ông Trần Mạnh Hiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, cứ đà này thì việc bàn giao một số giấy tờ liên quan giữa ông Hiệp với lãnh đạo nhà trường sẽ được thực hiện trước khi giấy chứng nhận tốt nghiệp hết hiệu lực. Bà khẳng định: Nhà trường sẽ quyết tâm hoàn thiện tất cả thủ tục liên quan cần thiết để cấp bằng tốt nghiệp cho các em ngay trong tháng 2 tới đây./.
Sỹ Điền