Thi hay không, vẫn phải học

Thi hay không, vẫn phải học

Tại cơ sở GD, hoạt động dạy học, ôn tập bảo đảm kiến thức, tập dượt tâm lý thi cử được thầy cô chủ động, tích cực, với tinh thần: Học lấy kiến thức. Không thi vẫn phải học.

Nỗ lực hoàn thành chương trình

Tại Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ), việc hướng dẫn học sinh học, ôn tập trên truyền hình đã đi vào nền nếp. Ngoài ra, thầy cô đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, hướng dẫn học sinh ôn tập.

Theo thầy Nguyễn Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy, khó khăn lớn nhất là một số học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, trang thiết bị phục vụ cho học, ôn tập online chưa đầy đủ (thiếu máy tính, điện thoại thông minh, Internet chưa bảo đảm đầy đủ, chất lượng). Tuy nhiên, thời điểm này cơ bản học sinh đã khắc phục được. Việc ôn tập, nhất là với học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra khá hiệu quả.

Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) cho rằng, Vĩnh Phúc có thuận lợi vì học kỳ II năm học 2019 - 2020 đã tiến hành dạy trên lớp được 4 tuần. Trong thời gian tạm nghỉ học, cơ bản các trường THPT trên địa bàn đều tiếp tục triển khai dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau: Học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh.

“Nhà trường căn cứ vào chương trình hiện hành, theo định hướng đề minh họa của Bộ GD&ĐT để dạy học, ôn tập. Với sự chủ động, tích cực của các trường, Vĩnh Phúc có thể yên tâm về chất lượng dạy học cũng như ôn tập cho kỳ thi sắp tới”, ông Nguyễn Lê Huy nhận định.

Chủ động trước mọi tình huống

Dạy học, ôn tập phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia được Sở GD&ĐT An Giang quan tâm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, với nội dung chỉ đạo được lồng ghép vào văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học. Theo đó, Sở hướng dẫn các trường THPT và cơ sở giáo dục có học viên hệ GDTX linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, thực hiện dạy học theo chủ đề, đổi mới dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; Chủ động thời gian để hoàn thành kế hoạch dạy học lớp 12, đồng thời trong kế hoạch dành quỹ thời gian để tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức cho học sinh thi THPT quốc gia.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Ngoài việc học trên truyền hình, giáo viên các trường tăng cường ôn tập qua Internet, phân tích đề tham khảo, giúp học sinh xác định nội dung trọng tâm, hướng dẫn phương pháp tự học, luyện tập, sửa bài, rèn luyện các kỹ năng làm bài thi.

Tại Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Sở chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn thảo luận làm rõ cấu trúc, tỷ lệ phần trăm, mức độ yêu cầu của từng nội dung, đơn vị kiến thức trong chương trình; Xây dựng ma trận đề tham khảo và kế hoạch dạy ôn tập cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tế (cho cả giai đoạn học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 và giai đoạn học sinh đến trường trở lại).

“Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tăng cường dạy học, ôn tập qua Internet, hướng dẫn học sinh ôn tập trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ và đài Trung ương, địa phương khác. Chú ý việc phân công giáo viên giảng dạy, chia lớp thành các nhóm nhỏ, sử dụng phần mềm... để tổ chức dạy ôn thi cần linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. 

Phân công trách nhiệm cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với cha mẹ học sinh để quản lý, hướng dẫn và đánh giá quá trình, kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình của học sinh. Lập hồ sơ dạy học (chính khóa, ôn thi THPT quốc gia) qua Internet, trên truyền hình để phục vụ công tác quản lý, thanh - kiểm tra” – ông Phùng Quốc Lập cho hay.

Ngoài việc dạy kiến thức mới theo nội dung tinh giản, đội ngũ GV Trường THPT Thanh Thủy tiến hành phân tích, chữa cho học sinh từng câu, xác định rõ nội dung, kiến thức, kỹ năng để ôn tập. Thầy cô cũng tiến hành xây dựng bộ đề từ ma trận của đề tham khảo. Nhà trường có thể bảo đảm hoàn thành chương trình; có thời gian ôn tập trước Kỳ thi THPT quốc gia và có thời gian tập dượt tâm lý thi cử cho trò. - Thầy Nguyễn Văn Thắng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ