Thi ĐH theo cách mới giống như “tuyển phi công”

Thi ĐH theo cách mới giống như “tuyển phi công”
Thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm 2013
Thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm 2013

(GD&TĐ) – GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, cách thi mới đánh giá năng lực của thí sinh, nên các em không phải học hành căng thẳng…

Theo ông, cách thi mới sẽ không yêu cầu các kiến thức quá chuyên sâu (như tích phân, số phức…) mà đánh giá năng lực của thí sinh, giống như người ta tuyển phi công. Ví dụ, đề thi Toán và Tư duy logic có thể ra: “Trong đoàn chạy đua, bạn vượt qua người ở vị trí số 2, vậy bạn trở thành người số mấy ?”. Đa số thí sinh sẽ chọn số 1, nhưng đáp án vẫn là vị trí số 2, vì vẫn còn 1 người phía trước…

Cách ra đề tuyển sinh hiện nay khiến học sinh phải học những thứ không cần thiết. Bởi giáo dục hiện đại là chỉ dạy những kiến thức cơ bản, còn lại phải dạy người ta cách tư duy, tìm kiếm và xử lý thông tin.

Vì với tốc độ phát triển và thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, không thể “nhồi” tất cả các kiến thức vào đầu học sinh. Hiện nay, do “cái tôi” của nhiều người viết sách quá cao, nên họ đưa quá nhiều kiến thức vào sách giáo khoa. Ví dụ, các bài tính tích phân bây giờ có thể đưa vào các chương trình máy tính để ra kết quả, chứ không phải dùng các “mẹo” đổi biến phức tạp…

Cách thi mới sẽ không có các bài phải dùng “mẹo” đánh đố thi sinh, mà thiên về đo chỉ số thông minh, năng lực tư duy…của học sinh. Vì thế, các em không phải “sờ đầu rùa” lấy may (vì sẽ không có may mắn xảy ra). Học sinh có khả năng như nào thì kết quả như vậy, dù có học thêm thế nào thì kết quả cũng không tăng nhiều.

Điểm thi của hình thức mới cũng sẽ không có ai bị điểm 0 (zerô). Vì không có ai là không có năng lực, mà chỉ có ít hay nhiều.

Cách thi mới cũng giúp thí sinh có thể thi nhiều đợt trong năm, có thể liên thông giữa các trường. Ví dụ, sinh viên đã học năm thứ 2 ngành Kinh tế nhưng thấy không hợp, có thể chuyển sang học ngành Kỹ thuật, với điều kiện thi một số nội dung mà ngành này yêu cầu, còn kết quả học 2 năm ĐH vẫn giữ nguyên.

Với các trường không có khả năng ra đề, có thể đến ĐH Quốc gia Hà Nội thi tuyển. Trường này sẽ cấp cho các thí sinh kết quả thi, để họ mang kết quả đó xét tuyển vào các trường khác.

Tóm lại, cách thi mới giống như “tuyển phi công”. Những người tuyển phi công không bao giờ bắt các ứng viên phải thi các vòng khó, mà chỉ qua các đo đạc, họ có thể biết người nào phù hợp với ngành lái máy bay. Cũng như vậy, cách thi mới sẽ không bắt học sinh phải học nhồi nhét, mà thiên về đánh giá năng lực của học sinh có phù hợp với chuyên ngành đào tạo ở bậc ĐH.

GS.TSKH Vũ Minh Giang từng là Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông nguyên là học sinh chuyên Toán của Hải Phòng nhưng lại được phân công học ngành Sử. GS Giang là người khởi xướng và chỉ đạo công tác đổi mới tuyển sinh theo đề riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội từ nhiều năm trước.

Hoàng Lan ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ