Theo ông lên Điện Biên

Theo ông lên Điện Biên

Năm thì các ông đi thăm nghĩa trang Trường Sơn, năm thì thăm nhà tù Côn Đảo… Năm ngoái, các ông quyết định lên Điện Biên. Điều đặc biệt là ông hứa cho tôi đi cùng để tôi được trải nghiệm, để hiểu biết hơn về chiến dịch đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tôi háo hức lắm vì đó là chuyến đi lên miền núi đầu tiên của tôi. Dù phải dậy từ tờ mờ, tôi vẫn tỉnh như sáo. Trong đoàn, ngoài tôi ra còn hai bạn nhỏ cùng trang lứa cũng được ông cho đi theo. Chúng tôi nhanh chóng bắt chuyện làm quen. Trên ô tô, ông tôi còn bắt điệu để cả xe cùng hát “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”… Ai cũng hồ hởi hát và vỗ tay theo nhịp. Được nửa chặng đường thì tôi thiu thiu ngủ.

Khi tôi tỉnh lại thì thành phố Điện Biên đã hiện ra thấp thoáng trong sương mù. Những dãy núi trùng điệp bao quanh khiến thành phố như nằm lọt trong cái lòng chảo xanh mát của cây cối. Những bông hoa rừng đủ các màu đang khoe sắc hai bên đường.

Tôi nắm tay ông nội khi vào thăm Khu di tích Sở Chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chăm chú nghe cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu. Những gì tôi đã đọc trong cuốn sách “Những hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể bỗng ùa về. Trong tôi trào lên niềm tự hào khôn xiết. Tôi vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ “vị tướng của lòng dân”, người học trò ưu tú của Bác Hồ kính yêu.

Đến thăm đồi A1, tôi ngỡ ngàng trước hệ thống hầm ngầm chằng chịt. Cuộc chiến cam go giữa ta và địch giành nhau từng tấc đất ở nơi này được tái hiện lại qua lời cô hướng dẫn viên. Cô vừa nói dứt lời thì một đoàn du khách nơi khác ở dưới xuôi cũng bước đến. Trong đoàn, một ông cụ râu tóc bạc phơ vừa chỉ trỏ vừa lên tiếng: “Đây! Chỗ này! Đúng chỗ này! Quân ta đã đặt khối bộc phá ngàn cân xóa sổ trung tâm đề kháng của địch”. 

Thì ra, chính ông cụ là người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm nay, đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ nhất định phải cùng các con, các cháu đi thăm lại chiến trường xưa. Từ lúc đó, cả đoàn chúng tôi nhập với đoàn của ông cụ. Cô hướng dẫn viên đã nhường lời để ông cụ kể lại trận đánh huyền thoại năm xưa. Càng kể, cụ càng hứng khởi, say sưa như đang sống lại thời trai trẻ hào hùng. 

Đứng trên nóc hầm Đờ-cát, cụ bảo: “Nơi này kẻ địch đã từng tuyên bố là bất khả xâm phạm, thế mà quân ta đã bắt sống tướng Đờ-cát. Lá cờ đỏ sao vàng đã bay trên nóc hầm này vào ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954”. Giọng cụ bỗng chùng xuống: “Mới đó mà đã 65 năm. Đồng đội của tôi giờ chỉ còn vài người”. Cụ đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, như để lục tìm trong ký ức những gương mặt đồng đội thân thương năm nào cùng vào sinh ra tử.

Tạm biệt “thành phố lòng chảo xanh”, đoàn chúng tôi về xuôi, trong lòng ai cũng luyến tiếc. Tôi đã hứa với hai bạn nhỏ đi cùng là sẽ cho hai bạn mượn cuốn sách “Những hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ”. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ