Theo dấu mạng lưới tuồn vũ khí Mỹ về Trung Quốc

Theo dấu mạng lưới tuồn vũ khí Mỹ về Trung Quốc
 
Trong công cuộc xây dựng lực lượng của mình, để tránh lệnh cấm và có thể thâu tóm những công nghệ quân sự mới nhất của Mỹ, Trung Quốc không chỉ dựa vào các điệp viên được huấn luyện kỹ càng. Bắc Kinh còn tuyển một đội quân không chuyên cực lớn.
Đơn đặt hàng xuất xứ gián tiếp từ chính phủ Trung Quốc và được ban ra dưới dạng những món hàng cần chuyển thông qua các công ty có quan hệ với Bắc Kinh.
Những người được tuyển để mua vũ khí và thiết bị hệ thống cho các công ty trên là các nhà khoa học, sinh viên và doanh nhân, những người dường như làm việc này vì tiền thay vì ý thức hệ.
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa cho biết, Trung Quốc "làm ngập khu vực với những người mua" - một chiến lược làm cho các nỗ lực ngăn chặn dòng chảy vũ khí Mỹ về Trung Quốc gặp khó khăn.
Đặc vụ chống phổ biến vũ khí của Mỹ cho biết, vụ việc ở Oakland hồi năm 2011 là trường hợp điển hình trong số hàng chục vụ điều tra gần đây chống lại những người tìm cách sở hữu công nghệ tên lửa và vũ trụ cho Trung Quốc.
Vụ điều tra Oakland bắt đầu vào mùa xuân năm 2011. Nhà sản xuất Aeroflex ở Colorado Spring, Colorado nhận được thư điện tử của một người đàn ông tự xưng là Philip Hope ở Oakland. Người này muốn mua hai loại vi mạch chịu được bức xạ (rad-chip), một loại lấy 112 cái và một loạt lấy 200 cái. Tổng số tiền phải trả cho đơn hàng này là 549.654 USD.
Ngay từ đầu, lá thư này đã gợi nghi ngờ. Craig Healy - Quan chức cấp cao Bộ An ninh Nội địa Mỹ, người chịu trách nhiệm trực tiếp với trung tâm quản lý hoạt động xuất khẩu Mỹ - nói: Các cá nhân và công ty mua các loại vi mạch như trên thường là khách quen - là các tập đoàn đa quốc gia thay vì khách vãng lai.
Những người bán của Aeroflex chưa bao giờ nghe danh Philip Hope hay công ty của nhân vật này "Sierra Electronic Instruments.”
Điều đáng nghi hơn tất thảy đó là, chỉ vài ngày sau khi đặt hàng, Hope đã gửi cho Aeroflex một tờ séc chi trả toàn bộ số tiền 549.654 USD. Việc này rất hiếm vì người mua thường chỉ đặt cọc, không ai trả toàn bộ số tiền trước khi nhận hàng.
Nhân viên Aeroflex hoài nghi đã liên lạc với ban điều tra của Bộ An ninh Nội địa (HSI)- đơn vị thuộc cơ quan hành pháp hải quan và di cư, có một văn phòng chống phổ biến vũ khí đặc biệt tại trung tâm công nghệ vũ trụ của Colorado Springs.
Dựa trên kiểm tra nhanh, đặc vụ của HSI đã vẽ ra chân dung của Philip Hope. Người đàn ông này là dân Trung Quốc nhập cư có thẻ cư trú vĩnh viễn - tên là Philip Chaohui He, kỹ sư của bang California, được giao nhiệm vụ tham gia một dự án cải tạo cầu qua vịnh Oakland và San Francesco. Trụ sở của Công ty Sierra Electronic Instruments là một văn phòng có 1 phòng ở khu Chinatown.
Đặc vụ HSI kết luận, He mua vi mạch chịu được bức xạ hộ một ai đó. Một người rất giàu có, không thể mua vi mạch một cách hợp pháp. Có lẽ một ai đó ở Trung Quốc, có khả năng là Tập đoàn công nghệ và khoa học không gian Trung Quốc, đây là một công ty nhà nước, nắm trong tay hầu như toàn bộ các dự án quân sự và vũ trụ dân sự.
Quan chức của Aerospace Trung Quốc từ chối bình luận về vụ việc trên. Một quan chức tại chi nhánh của Aerospace tại Thượng Hải nói không biết gì về vụ mua bán của He.
Vi mạch mà He đặt mua của Aeroflex không phải là loại mạnh nhất trên thị trường và không thể tự vận hành một vệ tinh quân sự tinh vi. Tuy nhiên, theo ông Alvar Saenz-Otero, phụ tá giám đốc Phòng thí nghiệm hệ thống không gian thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói: "Bạn sẽ không trả nhiều nhiều tiền để mua những con vi mạch đó nếu không có ý định dùng nó cho các vệ tinh lớn hơn. Vi mạch đó hợp với loại vệ tinh ở trong không gian trong một thời gian tương đối dài, và nó giống như các bộ phận nhỏ của một vệ tinh lớn hơn".
Bất chấp những lo ngại về việc vi mạch trên được dùng ở đâu và như thế nào, đơn đặt hàng 312 vi mạch của He không hề phạm luật.
Các vi mạch này có thể bán hợp pháp trong nước và với người nước ngoài muốn mua thì cần xin giấy phép của Bộ Ngoại giao. Các vi mạch này có thể không được phép xuất khỏi Mỹ để đưa tới một số nước nhất định, trong đó có Trung Quốc.
He yêu cầu gửi các vi mạch tới địa chỉ văn phòng ông ta ở Oakland, và như vậy, thỏa thuận mua bán này là hợp pháp. Nếu He cố mang các vi mạch sang nước ngoài, anh ta đã phạm luật.
Các đặc vụ đối mặt với một câu hỏi then chốt xuất hiện trong hầu hết các vụ chống phổ biến vũ khí: Liệu có thể nhử nghi phạm vào tròng. Nếu như vậy, nó có đáng với những rắc rối phát sinh không.
Các chiến dịch bí mật là rất tốn kém, mất thời gian và nhiều rủi ro. Nếu các đặc vụ lấy các vi mạch ra nhử nghi phạm và đối tượng này tẩu thoát, các vi mạch này sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Nếu giao vi mạch và giám sát đối tượng một cách chặt chẽ, He có thể dẫn họ tới một mạng lưới dính líu tới Bắc Kinh.
Ngày 28/7/2011, một nhân viên liên bang đóng giả làm tài xế của Chuyển phát nhanh liên bang tới văn phòng của He ở Oakland. Đặc vụ này giao cho vợ He một gói hàng chứa đơn hàng đầu tiên, 112 vi mạch. Đặc vụ bí mật này gắn một máy quay bí mật trên người và đã dùng nó để ghi hình văn phòng của He. Văn phòng có các túi ngủ và thảm trên sàn. Không có các thiết bị nghiên cứu vệ tinh.
Đặc vụ này rời văn phòng sau khi đã gài lại một thiết bị giám sát nhỏ. Trong 5 tuần tiếp theo, thiết bị cho thấy, thùng hàng chở vi mạch không bị di chuyển. Các đặc vụ Mỹ còn gài một máy quay bên ngoài cửa văn phòng, cài phần mềm gián điệp trên máy tính của He và giám sát mọi hoạt động của đối tượng này dựa trên định vị máy điện thoại. Tên của He cũng được cho vào danh sách giám sát tự động tại sân bay và các cửa khẩu biên giới.
Tuy nhiên, họ không có người để theo dõi He. He rời khỏi địa phương hôm 6/9, đáp máy bay tới San Diego và vượt qua biên giới ở Tijuana. Một ngày sau, đặc vụ Mỹ mới nhận được cảnh báo an ninh tự động và biết được He đã đặt vé từ Tijuana tới Thượng Hải vào buổi tối hôm đó. Đã quá muộn, họ đã để He lọt khỏi tầm tay. 
Liệu Trung Quốc đã nhận được 112 vi mạch có thể dùng vào mục đích quân sự? Không có cách nào để đảm bảo điều đó. Các đặc vụ có hai lựa chọn lúc này: Bỏ vụ này hoặc gửi He lô hàng thứ hai và cố gắng bắt đối tượng này khi đang cố xuất nó.
Ngày 6/10, một đặc vụ kín giúp chuyển gói hàng thứ hai tới văn phòng của He, 200 vi mạch chịu được bức xạ. Một lần nữa, các đặc vụ lại chờ và theo dõi.
Hai tháng trôi qua mà không có dấu hiệu cho thấy He chuyển số vi mạch. Tuy nhiên, tới 10/12, thông báo tự động cho thấy điện thoại di động của He đang xê dịch, phía nam Oakland, có lẽ là tới Tijuana một lần nữa, sau đó, sẽ tới Trung Quốc.
Một ngày sau, qua nhiều lần di chuyển, các đặc vụ của HSI chặn xe của He và một người bạn. Họ phát hiện các vi mạch được chất đầy bên trong hộp sữa Similac của trẻ em. 200 vi mạch của Aeroflex.
He bị bắt. Trong quá trình xét hỏi, He khai khởi nghiệp tại Oakland theo chỉ thị của một nhà môi giới đồ điện tử ở Thượng Hải, người đã hứa cho anh ta một căn hộ ở Trung Quốc vì sự giúp đỡ.
Tháng Chín vừa qua, He đã nhận tội tại một tòa án liên bang ở Colorado. Nhiều khả năng, nhân vật này sẽ chịu án 46 - 57 tháng tù.
Tuy nhiên, số phận của chuyến hàng đầu tiên 112 vi mạch chịu được bức xạ hiện vẫn chưa rõ. Giới chức Mỹ nghi rằng nó hiện ở Trung Quốc hoặc đang ở trên một trong các vệ tinh của Bắc Kinh.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ