Hội nghị đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài KHCN cấp Nhà nước |
(GD&TĐ) – Sáng nay (5/12), tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”, đã thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước.
Đây là đề tài do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thực hiện với sự phối hợp của các cơ quan: Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Văn phòng Quốc hội); Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT); Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Đề tài nghiên cứu được thực hiện từ 3/2010 đến 9/2012. Kết quả nghiên cứu đạt được là xây dựng được cơ sở khoa học làm căn cứ đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó xác định vị trí, vai trò, chức năng của giáo dục phổ thông trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; xác định mục tiêu giáo dục phổ thông và mô hình nhà trường phổ thông sau 10 - 15 năm tới.
Cùng đó, phân tích định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015; phân tích đặc điểm lao động sư phạm của người GV hiện đại; xác định các yêu cầu về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đối với người giáo viên sau 10 -15 năm tới.
Qua khảo sát thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra những yếu kém, thiếu sót và lạc hậu trong các chương trình đào tạo giáo viên cũng như tình hình không đủ năng lực và thiếu động lực cho đội ngũ giáo viên trong trường phổ thông là những yếu tố cản trở cải cách trong lĩnh vực giáo dục…
Ban chủ nhiệm và các nhà khoa học lắng nghe đánh giá đề tài nghiên cứu từ Hội đồng |
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Ban chủ nhiệm đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, như: Tái cơ cấu hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên: giảm số lượng của các cơ sở, mỗi cơ sở thực hiện đồng thời 3 chức năng (đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu), tăng cường mối quan hệ nội bộ, giữ liên hệ chặt chẽ với các trường phổ thông;
Chuyển đổi mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên từ đào tạo một lần sang đào tạo căn bản – ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung định kỳ; Đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật về giáo viên và nghề dạy học nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp cải cách…
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu do GS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch, với các thành viên: PGS Đặng Bá Lãm, GS Phan Văn Kha, GS Nguyễn Hữu Châu; GS Nguyễn Lộc, TS Nguyễn Anh Dũng; TS Nguyễn Thị Kim Dung - đánh giá cao nỗ lực của Ban chủ nhiệm, cũng như ý nghĩa và kết quả nghiên cứu của đề tài.
Đặc biệt, theo Hội đồng, nhiều vấn đề nghiên cứu của đề tài, một số giải pháp đề xuất phù hợp với nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Một số đề xuất giải pháp có giá trị tham khảo cao.
Với chất lượng nghiên cứu được đảm bảo, đề tài đã đạt điểm bình quân là 93,29 điểm và đạt loại xuất sắc.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá nghiệm thu đề tài, bà Nguyễn Thị Bình xúc động bày tỏ sự vui mừng khi những cố gắng của nhóm đề tài, những giải pháp đề xuất được các nhà khoa học đánh giá cao và cho biết, liên quan đến những vấn đề nghiên cứu trong đề tài, bà sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT trong thời gian sắp tới.
Gia Hân - Nguyễn Thu