Thêm bị cáo dính líu đến vụ tham nhũng chấn động Hải quân Mỹ

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 27/5 thông báo 3 sĩ quan hải quân đương chức và đã nghỉ hưu đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến một nhà thầu quốc phòng ở Singapore.

Thêm bị cáo dính líu đến vụ tham nhũng chấn động Hải quân Mỹ

Theo báo Washington Post, các bị cáo là cựu đại úy hải quân Michael Brooks (57 tuổi), cựu trung tá Bobby Pitts (47 tuổi) và thiếu tá Gentry Debord (47 tuổi). Họ bị cáo buộc dính líu đến vụ tham nhũng mà nhân vật chính là công ty Glenn Defense Marine Asia (GDMA). Đây là công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.

Vụ tham nhũng liên quan đến GDMA bị phanh phui vào tháng 9/2013. Đây là một trong những bê bối nghiêm trọng của Hải quân Mỹ. Các công tố viên cho biết, số người bị điều tra đã lên đến gần 200 người. Thậm chí, khoảng 30 đô đốc đang bị xem xét liệu có vi phạm đạo đức hoặc trót "nhúng chàm" hay không.

Đến nay, 13 người đã bị buộc tội và 9 người đã nhận tội, bao gồm cựu tổng giám đốc của GDMA là Leonard Francis. Francis là doanh nhân người Myanmar và còn có biệt danh "Fat Leonard".

Leonard Francis, nhân vật tâm điểm trong bê bối tham nhũng nghiêm trọng ở Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Ảnh: NBC

Leonard Francis, nhân vật tâm điểm trong bê bối tham nhũng nghiêm trọng ở Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Ảnh: NBC

Trong vụ mới nhất, Bộ Tư pháp Mỹ nói Brooks và Debord bị buộc tội nhận hối lộ, trong khi các tội dành đối với Pitts là âm mưu lừa gạt chính phủ và 2 tội danh về cản trở thực thi công lý.

Cụ thể, theo cáo trạng, Brooks khi còn là tùy viên hải quân tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila khoảng năm 2006 đến 2008 đã tận dụng chức vụ này để mang lại các hợp đồng có lợi cho Francis.

Ông cũng giúp GDMA hoàn thiện các thủ tục ngoại giao để công ty này được đưa binh sĩ vũ trang vào Philippines mà không cần qua kiểm tra, cũng như không phải thực hiện các nghĩa vụ hải quan khác.

Đổi lại, Brooks được cung cấp các dịch vụ du lịch và giải trí cao cấp, nghỉ dưỡng ở những khách sạn sang trọng và gái mại dâm.

Trong khi đó, Pitts bị buộc tội can thiệp vào quá trình điều tra của thanh tra hải quân đối với công ty GDMA, qua đó công ty có thể lên kế hoạch đối phó. Để bù đắp, Francis cũng cung cấp cho Pitts những dịch vụ giải trí cao cấp, tiệc tùng và các lần hoan lạc cùng gái mại dâm.

Cáo buộc đối với Debord, sĩ quan phụ trách hậu cần và tiếp tế, là cung cấp thông tin cho Francis về những cuộc điều tra của thanh tra hải quân nhằm vào những mánh khóe lập hóa đơn của GDMA, cũng như thông tin của các đối thủ khi đấu thầu. Debord cũng nhận lại các "dịch vụ" từ Francis tương tự như Brooks và Pitts.

Ngày 27/5, Brooks và Pitts đều đã ra hầu tòa lần đầu ở tòa án tại bang Virginia, Debord ra tòa tại Nam California.

Công ty GDMA của Francis đã nắm giữ các hợp đồng trị giá hơn 200 triệu USD để tiếp tế và tiếp nhiên liệu cho các tàu của Hải quân Mỹ hoạt động khắp châu Á.

Hồi năm 2015, Francis đã thừa nhận các hành vi nhằm qua mặt lãnh đạo hải quân như làm giả hóa đơn trị giá ít nhất 35 triệu USD, âm mưu hối lộ "hàng loạt" quan chức như tặng tiền mặt, tặng phẩm, các bữa tiệc đắt tiền, môi giới gái mại dâm và nhiều dịch vụ khác trong hơn một thập kỷ.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ