Vẫn khao khát ở lại Nou Camp, vì sao Lionel Messi không ký hợp đồng mới với Barca?

GD&TĐ - Messi muốn ở lại Nou Camp, Chủ tịch Barca Joan Laporta cũng khao khát giữ chân đội trưởng, huyền thoại sống, cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng. Vậy tại sao 2 bên vẫn chưa thể cùng đặt bút ký vào hợp đồng mới?

Messi và Chủ tịch Laporta có còn chung chí hướng?
Messi và Chủ tịch Laporta có còn chung chí hướng?

Gánh nặng tài chính

Messi bất ngờ trở thành cầu thủ tự do vào ngày 1/7 vừa qua. Điều này đồng nghĩa siêu sao người Argentina có quyền thương thảo, ký hợp đồng và gia nhập bất cứ đội bóng nào trên thế giới.

Trong lúc các cule như ngồi trên lửa thì Chủ tịch Barca, ông Joan Laporta tuyên bố “mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng”, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng Messi, người từng được Man City và PSG liên hệ, sẽ ở lại.

Trong nhiều tháng qua, ông Laporta luôn bày tỏ mong muốn bản hợp đồng mới với Messi được hoàn tất. Những tuần gần đây, khi thời gian gấp rút, ông liên tục đặt ra những cột mốc để thực hiện thương vụ. Đầu tiên là vào ngày 24/6, sinh nhật đón tuổi 34 của Messi. Tiếp đến là ngày 29/6, sinh nhật của chính ông Laporta. Nhưng đến giờ, mọi thứ kết thúc mà chẳng đi đến đâu.

Bên cạnh đó, trong báo cáo tài chính hồi đầu năm, tổng nợ của Barca đã lên 1,74 tỷ USD, trong đó phần nợ ngắn hạn, tức đáo hạn trong vòng một năm, là 1,18 tỷ USD. Nợ ngân hàng ngắn hạn tăng từ 87 triệu USD lên 337 triệu USD. Đội chủ sân Camp Nou, vì thế, đang thương lượng với các ngân hàng để khất nợ.

Ngoài ra, việc tái ký hợp đồng với Messi còn vướng quy định về giới hạn lương mà BTC La Liga đưa ra. Như mùa hè 2019, giới hạn lương của Barca là 671 triệu euro. Nhưng đến tháng 3/2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự quản lý yếu kém của cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu, giới hạn giảm xuống mức 348 triệu euro.

Chủ tịch La Liga Javier Tebas cảnh báo, Lionel Messi chỉ có thể được đăng ký thi đấu ở mùa 2021 - 2022 nếu Barca cắt giảm quỹ tiền lương.

“Barca phải cơ cấu lại khoản nợ của họ. Nếu họ quản lý được điều đó, tình hình sẽ không nghiêm trọng”, Tebas nhấn mạnh: “Nhưng quỹ lương của Barca đã đi đến giới hạn. Trong tổng số tiền 832 triệu USD thua lỗ ở La Liga, một nửa là của Barca”.

Theo thống kê của Daily Star, cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới (bao gồm nhiều khoản khác nhau) là Lionel Messi với 98 triệu bảng Anh/năm. Cristiano Ronaldo đứng thứ hai với 91 triệu bảng Anh/năm. Neymar của PSG đứng thứ ba có 74,7 triệu bảng Anh năm…

Phải cắt giảm quỹ lương chính là lý do khiến Barca không thể sớm đạt được thỏa thuận với La Pulga theo đúng kỳ vọng của siêu sao 34 tuổi này. Thế nên, sau nhiều cuộc thương thảo, 2 bên rơi vào bế tắc và dẫn đến tình trạng Messi trở thành cầu thủ tự do.

Đội trưởng Messi thất vọng về thành tích của Barca những năm gần đây.

Đội trưởng Messi thất vọng về thành tích của Barca những năm gần đây.

Cuộc cải tổ xoay quanh Messi

Trắng tay ở La Liga mùa 2020/2021 là năm thứ 2 liên tiếp Messi và đồng đội không thể bước lên đỉnh cao vinh quang. Messi như một cánh én lẻ loi, đơn độc. Sự tỏa sáng của anh không thể vực dậy một Barca rệu rã, tụt dốc không phanh. Đội chủ sân Camp Nou không cho thấy được bản lĩnh. Chỉ với chức vô địch Copa del Rey, sớm bị loại khỏi Champions League và liên tục vấp ngã ở đường đua La Liga, hơn lúc nào hết, Barca cần cải tổ mạnh mẽ ngay trong hè này.

Cuộc cải tổ từ đâu? Chắc chắn sẽ xoay quanh cái tên Messi. Các cầu thủ, BHL và lãnh đạo CLB đều muốn Messi ở lại. Thậm chí, việc giữ chân ngôi sao người Argentina còn nằm trong cương lĩnh tranh cử chủ tịch của Laporta. Nhưng để thuyết phục cầu thủ đội trưởng ở lại, Barca cần cho thấy kế hoạch tái thiết giàu tham vọng, nhanh chóng đưa đội bóng trở lại vị thế hàng đầu châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng. Tất nhiên, dự án phải lấy Messi làm trung tâm.

Messi đã kỷ niệm sinh nhật tuổi 34. Thời gian của El Pulga không còn nhiều nữa. Sức chịu đựng của Messi chắc chắn có giới hạn, bởi thực tế sự hiện diện của Chủ tịch Laporta cũng chưa mang tới nhiều thay đổi. Trong đó, dễ nhận thấy là việc Barca thiếu quyết đoán trong kế hoạch tái ký hợp đồng với Messi. Vậy nên đây cũng là thời điểm tốt nhất để Messi ra đi.

Man City đã từng đánh tiếng muốn có El Pulga. Đội bóng nhà giàu nước Pháp PSG cũng công khai kế hoạch đưa Messi về đá cặp cùng Neymar. Với một đội hình chất lượng cùng tiềm lực tài chính dồi dào, PSG thừa khả năng thỏa mãn tất cả yêu cầu của Messi. Trong khi đó, siêu sao người Nam Mỹ có thể là mảnh ghép hoàn hảo để PSG hiện thực hóa tham vọng vô địch Champions League.

Ngược lại, Barca dường như đã lên phương án không Messi cho một cuộc “thay máu” triệt để. Chủ tịch Laporta giàu kinh nghiệm có lẽ cũng tính đến nước cờ để Messi ra đi sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải tổ, cho dù đó có thể là quyết định rất mạo hiểm cho chính chiếc ghế của ông. Lịch sử cho thấy bất cứ đội bóng hay cầu thủ siêu sao cũng không thể thoát khỏi quy luật thăng trầm nghiệt ngã. Barca đang chạm đáy của sự thoái trào.

Barca nhiều lựa chọn, nhưng theo 2 hướng có và không có Messi. Laporta phải quyết định sớm. Nếu Messi ở lại, chưa chắc Barca có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn như mấy năm gần đây. Messi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Barca. Nhưng không cầu thủ nào là không thể thay thế. Đội bóng mới là trên hết.

Vấn đề chỉ là cách ứng xử với nhau. Barca với chủ tịch Laporta và Messi đang là cầu thủ tự do có lẽ vẫn đang “thủ thế”, hoặc trong trạng thái im lặng để chờ bên kia lên tiếng. Không ai dám nói thẳng điều mình nghĩ trong đầu, cho dù có thể cả 2 bên đều quá hiểu nhau.

Từ đầu kỳ chuyển nhượng hè, Barca đã chiêu mộ 4 cầu thủ mới. Ngoài hậu vệ phải Emerson được mua lại từ Betis với giá 11 triệu USD, Sergio Aguero, Eric Garcia và Memphis Depay đều gia nhập theo dạng chuyển nhượng tự do. Việc mua nhiều cầu thủ miễn phí giúp Barca có thể tăng cường lực lượng với ngân sách eo hẹp.
Theo Goal, đội chủ sân Camp Nou muốn thanh lý 18 thành viên đội một trong hè này, trong đó có những tên tuổi như Philippe Coutinho, Antoine Griezmann, Ousmane Dembele, Samuel Umtiti hay Sergio Busquets.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ