Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30: Thành công ngoài mong đợi

GD&TĐ - Sau hơn 10 ngày tranh tài quyết liệt, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ. Lần đầu tiên sau 10 năm, thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games với vị trí thứ hai toàn đoàn và đặc biệt, sau 16 năm chúng ta mới đứng trên đại kình địch Thái Lan.

Nguyễn Thị Oanh giành 3 HC góp phần giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam nhất toàn đoàn
Nguyễn Thị Oanh giành 3 HC góp phần giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam nhất toàn đoàn

Gay cấn cuộc đua song mã

SEA Games 30 đã chứng kiến cuộc đua tranh hấp dẫn giữa đoàn thể thao Việt Nam và Thái Lan cho vị trí thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương.

Người Thái đến Philippines với khoảng 1.000 VĐV, tranh tài ở gần 50 môn thi, đặt ra mục tiêu giành 100 HCV nhằm cạnh tranh ngôi vị nhất toàn đoàn. Đoàn thể thao Việt Nam có hơn 600 VĐV, đăng ký tham dự ở hơn 40 môn thi và phấn đấu giành 65 HCV, nằm trong top 3 đoàn dẫn đầu.

Trong những ngày thi đầu tiên, thể thao Việt Nam nhập cuộc nhanh chóng, ổn định với thế mạnh đến từ các môn võ gậy (arnis), khiêu vũ thể thao (dancesport), cử tạ hay kurash.

Thái Lan nhập cuộc chậm chạp hơn. Một phần họ không còn “mỏ vàng” ở môn cử tạ do nhận án kỷ luật liên quan đến doping. Trong 4 ngày tranh tài đầu tiên, Thái Lan chỉ giành được 8 HCV, trong khi Việt Nam bứt lên mạnh mẽ với 24 HCV, liên tục giữ vững vị trí số 2 trên bảng xếp hạng huy chương.

Ngay từ chặng xuất phát, đoàn Việt Nam đã mang đến những trận đấu kịch tính, những chiến thắng giàu cảm xúc của lực sỹ môn cử tạ hay ở môn võ kurash, Việt Nam giành 7 HCV trong 10 bộ huy chương.

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn luôn là đối thủ sừng sỏ, bản lĩnh và có thực lực. Kết thúc ngày 9/12, Thái Lan bứt tốc mạnh mẽ, giành 84 HCV, vượt qua Việt Nam với 80 HCV để đứng sau đội xếp số 1 là chủ nhà Philippines.

Mặc dù vậy, trong ngày thi đấu áp chót, đoàn Việt Nam đã giành chiến thắng giòn giã và ấn tượng ở 2 môn olympic, vật và điền kinh. Trong ngày 10/12, điền kinh Việt Nam giành thêm 6 HCV, nâng tổng số HCV lên con số 16, đoạt ngôi nhất toàn đoàn môn điền kinh.

Thành tích của đội điền kinh góp phần giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan để lấy lại vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp trong tối 10/12, 97 HCV so với 91 của người Thái. Đặc biệt, cũng trong ngày 10/12, thầy trò HLV Park Hang Seo đem về tấm HCV lịch sử, làm nức lòng người hâm mộ. Đây cũng là tấm HCV thứ 98 của Đoàn Việt Nam.

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 10 năm, kể từ SEA Games 2009, đoàn thể thao Việt Nam mới lại đứng thứ hai toàn đoàn. Lần đầu tiên sau 16 năm, đoàn Việt Nam mới lại đứng trên Thái Lan. Nhưng khi đó (năm 2003), Việt Nam làm chủ nhà, nên nếu không tính tư cách chủ nhà, đây là lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam đứng trên Thái Lan.

Ánh Viên giành 6 HCV tại SEA Games 30
 Ánh Viên giành 6 HCV tại SEA Games 30

Vượt chỉ tiêu

Thành tích 98 HCV của Việt Nam đã vượt xa chỉ tiêu của Tổng cục TDTT đề ra: Giành 65 - 70 HCV, đứng top 3 chung cuộc. Trong 44 đội tuyển thể thao, điền kinh giành được nhiều huy chương nhất với 16 HCV, 12 HCB, 10 HCĐ.

Đáng chú ý, tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV cá nhân ở cự ly 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m, Nguyễn Thị Huyền giành 2 HCV nội dung chạy 400m và 400m rào cực kỳ ấn tượng. “Nữ hoàng” Lê Tú Chinh thi đấu xuất sắc trước đối thủ người Mỹ nhập tịch Philippines Kristina Marie Knott để bảo vệ thành công tấm HCV ở cự ly 100m.

Đội bơi Việt Nam tạo dấu ấn đậm nét với thành tích 11 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ. “Tiểu tiên cá” Ánh Viên đăng ký 10 nội dung, giành được 6 HCV, 2 HCB. Cô gái người Cần Thơ chính là tuyển thủ giành nhiều huy chương nhất của đại hội, thế nên Ánh Viên được tuyên dương tại lễ bế mạc SEA Games 30.

Bên cạnh đó, tay bơi trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên trở thành hiện tượng khi giành 2 HCV ở cự ly 200m và 400m hỗn hợp. Đặc biệt, kình ngư quê Quảng Bình còn phá kỷ lục của đàn anh Kim Sơn ở nội dung 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 20,65 giây.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục là lá cờ đầu của Việt Nam ở những cự ly trung bình dài. Kình ngư 20 tuổi lập 2 kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 400m và 1.500m. Thành tích của Huy Hoàng ở cự ly 1.500m (14 phút 58,14 giây) đạt chuẩn A Olympic 2020, giúp VĐV này giành vé tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Trước đó, Huy Hoàng đã đạt chuẩn A Olympic cự ly 800m.

Tấm HCV nội dung đơn nam môn quần vợt của Lý Hoàng Nam khép lại một kỳ SEA Games thành công đối với làng banh nỉ Việt Nam. Đây là HCV đầu tiên trong lịch sử quần vợt Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Ðặc biệt hơn, Việt Nam thống trị nội dung đơn nam tại SEA Games khi tạo nên một trận “chung kết nội bộ” giữa hai tay vợt Lý Hoàng Nam và Daniel Cao Nguyễn.

Điều ấn tượng là Đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi ở các môn Olympic và giành HCV 2 môn bóng đá, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam.

Việt Nam đăng cai SEA Games 31
Năm 2021, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (Para Games) lần thứ 11 sẽ có 11 quốc gia trong khu vực tham dự. SEA Games 31 sẽ có 36 môn thi đấu, trong đó 2/3 là môn thi đấu chính thức của Olympic, Asiad. Para Games 11 có 14 môn do Bộ VH,TT&DL đưa ra và báo cáo Ban chỉ đạo quyết định. 
Thời gian diễn ra SEA Games dự kiến cuối tháng 11/2021 ở Hà Nội và một số địa phương lân cận; Para Games được tổ chức một tháng sau đó ở Hà Nội. Thời gian tổ chức SEA Games 31 khoảng 17 ngày và Para Games 11 khoảng 11 ngày. Dự kiến SEA Games 31 có khoảng 16.000 người tham dự, trong đó HLV, VĐV, trọng tài 11.000; Para Games khoảng 4.000 người, trong đó HLV, VĐV, trọng tài khoảng 2.100.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ