Quyền sư Huỳnh Ngọc Ẩn: Một đời đam mê dạy võ

GD&TĐ - Không chỉ say mê với việc dạy võ như một cái nghiệp cả đời, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn còn truyền cho các môn sinh nghĩa khí, lòng hào hiệp và tinh thần lạc quan sống.

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn bên các môn sinh.
Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn bên các môn sinh.

Ngày 24/8, tin võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn qua đời tại nhà riêng ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, khiến tất cả môn sinh Vịnh Xuân quyền phái cũng như giới võ thuật bàng hoàng. Mọi người bất ngờ vì sáng thứ Bảy trước đó (21/8) ông vẫn online dạy học trò, sau đó kêu hơi mệt.

Đến ngày 23/4, khi học trò gọi điện hỏi thăm, ông cũng chỉ nói bị choáng. Trưa 24/8, người cháu còn đem cháo qua để ông dùng bữa, nhưng đến chiều thì ông đã giã từ trần thế. Kết quả xét nghiệm của y tế địa phương cho thấy cơ thể ông dương tính với virus SARS-CoV-2.

Do Thành phố Hồ Chí Minh đang trong đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nên thi hài ông đã được chính quyền làm thủ tục đưa đi hỏa táng, sau đó tro cốt đem về đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm và lễ viếng sẽ được môn phái tổ chức sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Một đời đam mê võ thuật và khí công

Quyền sư Huỳnh Ngọc Ẩn: Một đời đam mê dạy võ ảnh 1

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn sinh ngày 13/1/1954. Về âm lịch, ông sinh năm Quý Tị, do đó tính đến khi qua đời, ông thọ 69 tuổi ta. Ba ông là thợ điện từ Mỹ Tho lên Sài Gòn làm việc, nhưng thường xuyên đi hoạt động cách mạng, ít khi ở nhà.

Dù nhà nghèo nhưng ông Ẩn đam mê võ thuật từ bé và đã theo học rất nhiều môn phái, từ võ dân tộc, Judo, Vịnh Xuân, Teakwondo, Aikido… Ông theo học Teakowdo lâu nhất, và đạt tới Huyền đai Đệ nhất đẳng từ năm 1972.

Mê võ, suốt ngày tập võ nên ông không chơi môn thể thao nào khác. Ông cũng không uống rượu, bia và ghét cờ bạc. “Nhưng mà ở đời không ai hoàn hảo hết cả”, ông cười, nhắc về đời mình.

Võ sư Ẩn kể: Lúc bé, ông rất nhỏ con, hay bị bắt nạt nên chỉ muốn có võ để khỏi bị lép vế. Đi học về qua sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất), thấy các anh tập trong sân, ông cứ thèm thuồng đứng ngó mãi.

Sau, có anh bạn dẫn qua xem lớp Vịnh Xuân của võ sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải), học trò Chưởng môn Vịnh Xuân Phật gia Thiếu Lâm Việt Nam Nguyễn Tế Công, ông cũng chỉ biết đứng ngoài ngó mà không biết cách nào để xin vào học.

Võ sư Hồ Hải Long thấy vậy kêu vào hỏi han, sau thấy cơ duyên nên cho ông Ẩn vào tập. “Không phải ai đến thầy cũng cho tập đâu, phải người ông thích và thấy hợp kia”, ông Ẩn giải thích.

Luyện tập thường xuyên, trau dồi liên tục, lại tích cực thi đấu giao lưu nên khả năng võ thuật của của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn thăng tiến nhanh chóng. Ông nhận mình bị hạn chế chiều cao (ông cao 1,53m), nên không có lợi thế về đòn chân. Hiểu vậy, ông phát huy thế mạnh thân pháp, đòn tay và được môn sinh của sư tổ Hồ Hải Long tôn là “Quyền sư” vì những đường quyền điêu luyện.

Nhờ danh tiếng đó, khi xin sư tổ ra mở lớp riêng, lớp của ông thu hút nhiều môn sinh theo học. Các môn sinh của võ sư Hồ Hải Long sau này nhiều người trở thành võ sư nổi tiếng, như Đại sư Nam Anh – Chưởng môn Vịnh Xuân chính thống phái, cùng các võ sư được đặt võ hiệu theo họ Hồ và tên các loài mãnh thú, như Hồ Phi Hùng, Hồ Trường Xà, Hồ Phục Hổ, Hồ Thiết Bưu. Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn được sư phụ đặt võ hiệu là Hồ Phi Hổ và giao trọng trách kế nhiệm làm Chưởng môn Vịnh Xuân công phu Việt Nam.

Ngoài võ sư Vịnh Xuân Hồ Hải Long, võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người thầy thứ hai là khí công sư Huỳnh Văn Hoàng, thuộc dòng Nội công vận khí thượng thừa của Thần đồng Bảy Nếp (tức Võ sư Nguyễn Văn Ba ở Long An).

Nhờ học được khí công từ thầy Huỳnh Văn Hoàng mà võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn sáng tạo ra môn khí công Vịnh Xuân quyền phái đặc sắc, gồm bài khí công nằm và bài đứng, được rất nhiều môn sinh yêu thích và luyện tập say mê.

Ông Đoàn Ngọc Minh, nguyên cán bộ công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nghỉ hưu kể lại: “Cuối những năm 1980, anh bạn tôi làm cảnh sát hình sự ở Quận 5 kể trong quận có anh Ẩn dạy võ hay lắm, lại cũng hay tham gia bắt cướp, nên gặp gỡ giao lưu xem. Lúc đó tôi đã theo học nhiều môn võ rồi, ỷ mình sức khỏe khá nên lúc gặp, rủ ổng giao lưu.

Ổng bảo chỉ dùng một tay phòng ngự, đố chạm được vào người ổng. Tôi dùng mọi cách tấn công khắp bốn phía mà không sao đụng được vào người ổng, đành chịu thua. Ổng rủ tôi học khí công, bảo có lợi cho sức khỏe về sau lắm. Tôi tập, thấy hợp quá, nên bái ổng làm sư phụ, dù ổng chỉ hơn tôi có 3 tuổi, ra ngoài vẫn gọi tôi là em. Sau ổng còn dạy võ cho công an nữa!”.

Tuy nhiên, thời bao cấp, việc dạy võ của thầy Ẩn nhiều lúc thăng trầm. “Có những lúc ai cũng lo mưu sinh, võ sinh còn lèo tèo dăm sáu em, tôi cũng hơi nản, nghĩ mình nên xoay sang làm nghề khác chứ dạy võ thế này làm sao mà sống được”, võ sư Ẩn từng tâm sự. Ấy vậy mà nghiệp dạy võ gắn với ông suốt cả đời. Hết cơn bĩ cực lại đến ngày thái lai, môn sinh dần dần đông lên và võ đường lại nhộn nhịp, ông cũng túc tắc kiếm sống từ nghề dạy võ.

“Năm 1990, có người bạn rủ tôi sang làm ăn bên Liên Xô cũ, nói nhiều cơ hội lắm, có thể buôn bán mà dạy võ cũng được. Tính toán thấy hợp lý, tôi cũng đi thử”.

Rạng danh võ Việt ở trời Âu

Võ đường do Quyến sư Huỳnh Ngọc Ẩn thành lập tại Đông Âu.

Võ đường do Quyến sư Huỳnh Ngọc Ẩn thành lập tại Đông Âu.

Những câu chuyện về việc võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn quảng bá và phát huy võ thuật Việt Nam ở Nga và châu Âu đã trở thành giai thoại trong giới võ cũng như cộng đồng người Việt tại Đông Âu.

Võ sư Trần Hoài Văn, người sáng lập môn phái Khí công Himalaya, môn sinh của thầy Ẩn ở Nga, xác nhận: “Nhiều chuyện là giai thoại, được thêu dệt thêm mắm thêm muối. Nhưng việc thầy Ẩn thách đấu và đấu thắng mấy võ sĩ Nga là có thật, nhờ đó thầy mở lớp mà thanh niên Nga ùn ùn theo học, rồi nhanh chóng khuếch trương ra các nước Đông Âu như Ukraine, Ba Lan…”.

Võ sư Ẩn kể, khi ông qua Nga thì vẫn còn Liên Xô cũ, chính quyền chưa cho mở lớp dạy võ, chỉ có vài môn được phép như Sambo và võ Nhật như Judo, Karatedo. Các môn võ xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc đều không được dạy. Nhưng bước sang năm 1991, Liên Xô sụp đổ, xã hội thay đổi rất nhanh chóng, võ học bắt đầu phát triển.

Khi đó, võ sư Ẩn có ý định tổ chức dạy võ ở Moscow, học trò của ông là Alesander bảo: “Để em tổ chức lớp, thầy soạn giáo án đi”. Lúc này, ông Ẩn gặp chút khó khăn vì lúc ông học từ võ sư Hồ Hải Long không có giáo án, thầy dạy bài gì thì học bài đó. Ông đành dành ra một tháng để phân chia bài tập, đòn thế theo từng cấp, rồi lên tới từng đẳng.

Giáo án xong rồi, Alesander bảo cần phải đi biểu diễn để phô trương thanh thế và quảng cáo. Anh chọn được một nhà thi đấu có khán đài lớn, mời khán giả đến xem rất đông rồi mời các võ sĩ Nga thách đấu.

Và mấy trận đấu “trình làng” đó còn được các lớp môn sinh Vịnh Xuân ở châu Âu truyền tụng mãi. Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn đã lần lượt đánh hạ hai võ sĩ vô địch Karatedo người Nga có thể hình cao to hơn áp đảo. Sau này, ông kể lại là đã nghĩ trong đầu: “Phải quyết thắng, không thì chỉ có đi ăn mày, về nước!”.

Với sự quyết tâm và tinh thần tập trung cao độ, khi võ sĩ người Nga nặng trên cả tạ lao vào tung cú đá trước, võ sư Ẩn, người lúc đó chỉ cân nặng có 49 kg, nhanh nhẹn cúi người né tránh rồi xáp vào nhập nội, tay đánh xa luân quyền “pặp pặp pặp pặp”, “Pặp!”, cú cuối cùng là ra hết sức.

Khi ông dừng tay lùi ra, thấy đối phương từ từ ngã ra sau. Trọng tài liền nhảy vào xô ông ra, xua tay kêu dừng, người ta chạy ra khiêng võ sĩ Nga vào trong. Cả thảy diễn ra chưa đến một phút.

Trận tiếp theo, cũng bằng biện pháp nhập nội áp sát, ông lại hạ gục một võ sĩ cao tới 1,92m bằng đòn cùi chỏ đặc trưng của Vịnh Xuân. “Thú thực lúc đó tôi chỉ nhanh chóng tìm điểm sơ hở của đối phương và ra đòn thật nhanh, thật hiểm và chính xác vào đó, chứ đâu có nghĩ được dùng đòn gì, thế gì. Nhưng để làm được như thế thì phải qua hàng trăm trận thực chiến”, ông nói.

“Lúc đó thầy mới nghĩ, giờ hết người này đến người khác mà ra đấu thì chỉ sau vài trận là mình hết sức. Thầy mới quay qua biểu phiên dịch nói với trọng tài: “Còn ai muốn thi đấu thì đấu luôn!”, rồi gườm mắt nhìn khắp xung quanh cho tất cả chờn. Nhìn hết một vòng xong thầy bảo luôn: “Nếu không có ai đấu nữa thì tôi xin lui” rồi cúi đầu chắp tay chào rồi đi vào trong luôn”, ông hài hước kể lại.

Từ chỗ phòng thay quần áo nhìn ra, võ sư Ẩn đã thấy thanh niên đứng lố nhố đông nghẹt, ai cũng hỏi người trong ban tổ chức là ông đó dạy ở trường nào để xin học. Ông mới bảo Alesander ghi hết số điện thoại lại, để khi nào xin được giấy phép mở lớp dạy võ sẽ gọi điện kêu những người đăng ký đi học.

Hôm đó các thanh niên mê võ thuật tranh nhau mời thầy trò ông đi ăn, ai cũng khen võ sư Việt Nam qua giỏi quá. Rồi giấy phép cũng xin xong, lớp ban đầu có 30 người học, thuê trong một trường phổ thông.

Hồi đó công nhân Việt Nam qua lao động mỗi tháng kiếm được 120 rúp, 1 năm đóng được 1 thùng hàng gửi về nước. Kỹ sư lương được 240 rúp. Còn lớp võ giúp ông mỗi tháng thu được 2.000 rúp, có tiền gửi về nhà chút đỉnh. Các lớp võ Vịnh Xuân cứ thế ngày càng phát triển, ông cùng các đệ tử liên tục di chuyển sang các nước Đông Âu để dạy võ, mở các seminar.

Năm 2006, vì mẹ già cần người chăm sóc, ông Ẩn trở về Việt Nam, võ đường được giao lại cho đại đệ tử của ông là võ sư Igor Astashev phụ trách. Võ sư Astashev đã xin phép các cơ quan hữu trách công nhận Liên đoàn Vịnh Xuân quyền phái quốc tế Đông Âu ra đời với võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn là Chủ tịch Liên đoàn. Từ Việt Nam, ông Ẩn vẫn điều hành liên đoàn cùng các học trò ở nước ngoài và nhiều lần bay sang truyền thụ võ thuật, khí công cho các liên đoàn, câu lạc bộ thành viên.

Một võ sư hết lòng vì học trò

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn đứng lớp giảng dạy môn sinh về triết lý võ học.

Võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn đứng lớp giảng dạy môn sinh về triết lý võ học.

Trong lễ truy điệu trực tuyến võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn do Vịnh Xuân quyền phái tổ chức sáng 28/8, võ sinh Khương Thị Thu Hồng nghẹn ngào kể lại: “Vừa tuần trước, khi thầy đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1, thầy còn điện thoại cho tôi hỏi “Hồng, con tiêm chưa, nếu chưa thì qua đây thầy đăng ký cho”.

Lúc nào thầy cũng quan tâm, chăm lo cho môn sinh như người cha, người anh vậy”, chị Hồng cũng nhắc lại lời thầy: “Tập khí công như là bỏ ống sức khỏe để tiết kiệm, khi cần có mà xài”.

Võ sư Ẩn từng kể về người thầy của mình: “Sư tổ Hồ Hải Long tính cực kỳ nghiêm khắc, nên chỉ có trên dưới chục học trò thực sự đam mê võ thuật mới theo học được lâu dài. Còn thầy trong lớp tuy nghiêm nhưng hết giờ dạy, ra ngoài lúc nào cũng thích gần gũi với học trò.

Tính thầy hay nói tiếu lâm cũng một phần là ảnh hưởng từ thầy dạy khí công Huỳnh Văn Hoàng”. Những câu chuyện tiếu lâm, những câu đùa cùng tiếng cười sảng khoái sau giờ tập của ông vẫn còn được môn sinh nhớ mãi.

Về Việt Nam, võ đường của ông lại rục rịch đông võ sinh luyện tập hằng tuần. Không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi môn sinh của ông chuyển công tác ra Hà Nội, vẫn luyện khí công hằng ngày, nhiều người tập thử thấy khỏe xin tập cùng, chẳng mấy chốc thành một lớp gần 20 học viên luyện tập suốt 6 năm nay.

Biết chuyện, võ sư Ẩn mỗi khi ra Hà Nội lại đến lớp “phát sinh” này để hướng dẫn học viên luyện tập và giao lưu. Sự quảng giao, hào sảng của ông được nhiều lớp người ở mọi giới công nhận.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, lớp khí công của võ sư Huỳnh Ngọc Ẩn vẫn luyện tập online đều đặn cho đến khi ông bị mệt và bất ngờ ra đi mãi mãi. Rất may vài năm trước, khi sức khỏe đi xuống, ông đã giao lại lớp cho Trưởng tràng Mai Việt Hà quản lý, phát triển.

Sự ra đi của quyền sư Huỳnh Ngọc Ẩn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhiều đệ tử, bằng hữu trong giới võ thuật cổ truyền. “Chúng con nhớ mãi đôi mắt sáng quắc, nụ cười hiền hậu và những lời chỉ bảo ân cần của sư phụ.

Chúng con sẽ quyết tâm phát triển môn phái cũng như chăm lo chu đáo cho gia đình thầy, như nguyện ước của thầy lúc sinh thời”, Trưởng tràng Vịnh Xuân quyền phái Mai Việt Hà rưng rưng xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...