HLV Marcelo Bielsa: Chất… “điên” của nhà hiền triết

GD&TĐ - Marcelo Bielsa bị gọi là “gã điên” bởi cách làm việc nguyên tắc và lập dị. Nhưng đó cũng là một trong những yếu tố đưa ông trở thành một trong những nhà cầm quân xuất sắc của bóng đá thế giới.

HLV Marcelo Bielsa: Chất… “điên”  của nhà hiền triết

Con nhà giáo

Marcelo Bielsa được gọi với biệt danh là “El Loco” (gã điên) vì tính cách có phần ngang ngược. Ông sinh ra và lớn lên ở Rosario, mảnh đất đã gắn liền với tên tuổi của nhiều ngôi sao lớn của bóng đá Argentina.

Thực tế, Bielsa sinh ra trong gia đình không liên quan tới bóng đá. Bố của ông, Rafael Bielsa là một luật sư nổi tiếng, từng là giáo sư Khoa Luật của Đại học Buenos Aires. Trong khi đó, mẹ của Bielsa, bà Lidia Caldera là một giáo viên sử học.

Sinh ra trong gia đình tri thức, Bielsa được lĩnh hội rất nhiều kiến thức từ thuở nhỏ. Gia đình ông thậm chí còn có một thư viện với hơn 3 nghìn đầu sách. Đó là một dinh thự ngay cạnh sân El Coloso del Parque của CLB Newell’s Old Boys, đội bóng thời thơ ấu của siêu sao Lionel Messi.

Tri thức rất quan trọng ở Argentina vào thời điểm đó. Ông Rafael rất muốn cậu con trai của mình đi theo ngành luật. Nhưng khổ nỗi, ngôi nhà của họ lại ở gần SVĐ El Coloso del Parque.

Cậu bé Marcelo Bielsa đã sớm tiếp cận bóng đá và rất cuồng CLB Newell’s Old Boys. Điều thú vị là ngoài những trận bóng trên đường phố cùng đám bạn, Bielsa vẫn thực hiện thói quen là đọc một cuốn sách mỗi ngày.

Sự kết hợp giữa niềm đam mê bóng đá và tri thức cuộc sống đã tạo ra một Bielsa rất riêng so với đám bạn cùng trang lứa. Và bất chấp lời khuyên của bố mẹ, cậu bé đã theo nghiệp bóng đá.

Ở tuổi 15, Bielsa bắt đầu tập luyện cùng Newell’s Old Boys và thi đấu ở vị trí hậu vệ. Tuy nhiên, chàng trai trẻ này không có năng khiếu để chơi bóng đá. Mặc dù rất nỗ lực nhưng Bielsa phải bỏ cuộc ở tuổi 25 để tập trung vào công việc mới là nghiên cứu bóng đá để trở thành HLV.

Không lâu sau khi từ giã sự nghiệp sân cỏ, Bielsa đã bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 1980 ở Trường Đại học Buenos Aires. Quyết liệt là điều dễ nhận thấy ở Bielsa. Đội bóng sinh viên đá bóng theo kiểu phong trào nhưng Bielsa không nghĩ như vậy. Có ngày, ông từng cùng họ thực hiện bài tập đứng lên ngồi xuống 600 lần để họ hiểu rằng muốn chơi bóng thì phải có thể chất thế nào, thể lực ra sao.

Từ một HLV bóng đá phong trào, Bielsa đã chuyển sang dẫn dắt đội trẻ của Newell’s Old Boys. Với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm, ông đã được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội 1 của Newell’s Old Boys vào năm 1990. Nguyên tắc là cách làm việc cơ bản của nhà cầm quân này, đến mức người ta gọi ông là “gã điên”.

Bielsa chẳng bận lòng bởi nó mang tới thành công. Vào năm 1992, Newell’s Old Boys của Bielsa đã đi tới trận chung kết Copa Libertadores. 1 tuần sau đó, đội bóng của ông giành chức VĐQG Argentina.

Sau một khoảng thời gian làm việc ở  Mexico cho 2 CLB Atlas và Club America, Bielsa trở lại Argentina dẫn dắt Velez Sarsfield. Và ở CLB nào, Bielsa cũng giữ nguyên tắc làm việc của mình. Nó khô khan và cứng nhắc tới mức ông không được nhiều người ủng hộ. Nhưng với các tài năng, họ luôn coi Bielsa là “nhà hiền triết”.

Nguyên tắc của “Gã điên”

Bielsa sớm từ giã sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 25 để theo nghiệp huấn luyện.
Bielsa sớm từ giã sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 25 để theo nghiệp huấn luyện.

Cách làm việc nguyên tắc và có phần hơi “điên” của Bielsa đã ảnh hưởng tới rất nhiều thế hệ HLV sau này, từ Pochettino, Simeone, Gallardo cho tới Guardiola.

Chính Guardiola từng lên tiếng khẳng định Bielsa là HLV xuất sắc nhất thế giới. Không chỉ “điên” về phương pháp huấn luyện, Bielsa còn cho thấy sự lập dị và cá tính của mình trong việc xây dựng các chiến thuật mới lạ.

Ở đội tuyển Argentina, Chile và Marseille, ông từng sử dụng sơ đồ chẳng giống ai là 3-3-1-3. Điều quan trọng là để vận hành hiệu quả, cần có một nguyên tắc cụ thể. Khi phòng ngự, sơ đồ này của Bielsa có thể có tới 7 cầu thủ phòng ngự. Và khi tấn công, ông cũng có từ 6 - 7 cầu thủ dâng cao.

Sự chuyển hóa đội hình theo thế trận diễn ra liên tục theo đấu pháp của Bielsa. Vì vậy, trong các trận đấu, rất hiếm khi người ta thấy nhà cầm quân ngồi trong cabin huấn luyện. Ông thường xuyên đứng bên ngoài đường pitch để hò hét và chỉ đạo.

Bielsa làm việc theo nguyên tắc nhưng rất thích sự phá cách về mặt chiến thuật. Ông khẳng định đã từng áp dụng 29 sơ đồ chiến thuật khác nhau trong sự nghiệp cầm quân. Mỗi sơ đồ mà nhà cầm quân người Argentina sử dụng đều có những tính ưu việt khác nhau. Nhưng điều quan trọng là yêu cầu cao về mặt thể lực và tốc độ. Và ở CLB nào, Bielsa cũng tạo ra những tài năng lớn.

Javi Martinez từng làm việc với HLV Bielsa ở Bilbao. Anh nói: “Bielsa dạy tôi rất nhiều, từ việc thi đấu như một trung vệ cho tới việc học các phong cách bóng đá khác nhau. Tôi nghĩ các cầu thủ nên làm việc với ông ấy ít nhất một lần trong đời”.

Dimitri Payet, học trò của Bielsa ở Marseille nói: “Mùa giải làm việc cùng Bielsa đã giúp tôi trưởng thành. Ông đã dạy cho tôi rất nhiều điều mà tôi chưa từng hay biết”.

Sự nghiệp cầm quân của Bielsa là cả một câu chuyện dài với nhiều tình tiết thú vị. Nhà cầm quân người Argentina có thể không giành nhiều danh hiệu lớn nhưng nguyên tắc làm việc, triết lý bóng đá của ông lại có tầm ảnh hưởng rất lớn. Bielsa nổi tiếng với câu nói “mọi ý tưởng đều điên rồ cho tới khi nào chúng mang lại hiệu quả”. Và thực tế, sự nghiệp của ông đã chứng minh chân lý đó.

Cuộc chiến của giới HLV Ngoại hạng Anh vốn rất khốc liệt lại càng trở nên thú vị hơn ở mùa giải 2020 - 2021 với sự hiện diện của Marcelo Bielsa. Nhà cầm quân người Argentina chỉ mất 2 năm để đưa Leeds United trở lại giải đấu số 1 nước Anh sau 16 năm ròng rã chờ đợi. Bielsa được CĐV Leeds United phong “thánh”. Tên của ông thậm chí đã được đặt cho con đường ở thành phố tại hạt Tây Yorkshire.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.