Thể hiện tính toàn diện trong quan điểm tích hợp

GD&TĐ - Nhận xét về Dự thảo chương trình môn Khoa học (lớp 4, 5 cấp tiểu học), TS Nguyễn Thị Thu Hằng – Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐHSP – ĐH Thái Nguyên) đánh giá cao môn học vì đã chuyển tải hết được ưu điểm của Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Thể hiện tính toàn diện trong quan điểm tích hợp

Các yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng môn học vào thực tiễn cuộc sống được tăng cường. Đây chính là ưu điểm của chương trình mới, thể hiện tính toàn diện trong quan điểm tích hợp (không chỉ tích hợp về nội dung mà còn tích hợp về phương pháp dạy học) nhằm phát triển năng lực cho HS.

Thưa bà, nhìn tổng thể, bà có nhận xét như thế nào về môn Khoa học (lớp 4, 5 cấp tiểu học) trong Chương trình giáo dục phổ thông mới?

TS Nguyễn Thị Thu Hằng

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Dự thảo chương trình môn Khoa học ở lớp 4, 5 được xây dựng dựa trên quan điểm tích hợp cao, tiếp cận theo định hướng phát triển năng lực người học và là chương trình mở.

Nội dung chương trình môn học được chia thành các chủ đề, một số chủ đề nội dung của môn Khoa học (chủ đề thực vật và động vật, con người và sức khỏe) được phát triển đồng tâm từ môn Tự nhiên và Xã hội (ở các lớp 1, 2, 3). Các năng lực chuyên môn của môn Khoa học cũng được kế thừa và phát triển từ một số năng lực chuyên môn của môn Tự nhiên và Xã hội: Nhận thức thế giới tự nhiên; Tìm tòi, khám phá thế giới tự nhiên; Vận dụng kiến thức vào thực tiễn và ứng xử phù hợp với tự nhiên, con người.

Với thời lượng 70 tiết/năm thì khối lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt của môn học là phù hợp.

Bà đánh giá thế nào về kiến thức tích hợp trong Dự thảo môn học? So với môn học hiện hành, Dự thảo chương trình môn học đã có sự tinh giản nội dung kiến thức hay chưa?

Định hướng tích hợp các kiến thức vật lí, hoá học, sinh học, trong đó hướng đến việc cung cấp cho HS những hiểu biết về môi trường tự nhiên, về con người, sức khoẻ và an toàn trong Dự thảo môn Khoa học được kế thừa và phát triển từ chương trình hiện hành (môn Khoa học lớp 4, 5 cấp tiểu học), nhưng được bổ sung, chỉnh sửa và làm rõ hơn. Nội dung chương trình đã tinh giản những nội dung khó hoặc trùng lặp, cập nhật những nội dung thiết thực, gần gũi.

Ví dụ như: Tinh giản các nội dung về vật liệu (Khoa học 5) vì nội dung này HS sẽ được học trong môn Tin học và công nghệ ở tiểu học; đưa vào chương trình nội dung về đất, nấm, vi khuẩn, virus ở mức độ đơn giản, phù hợp với trình độ HS. Điều này khẳng định sự phù hợp, cập nhật của chương trình mới và chương trình này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất trong việc giúp HS có những hiểu biết về môi trường tự nhiên, về con người, sức khoẻ và an toàn.

Kiến thức theo Dự thảo chương trình môn Khoa học có giảm tải so với môn Khoa học hiện hành hay không, thưa bà?

Nếu nhìn vào nội dung khái quát các chủ đề, trong Dự thảo chương trình môn học xuất hiện một số nội dung mới về nấm, vi khuẩn và virus mà trong chương trình hiện hành không có. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ, có thể thấy rằng: So với chương trình hiện hành, kiến thức môn Khoa học theo Dự thảo chương trình đã giảm tải hơn; nội dung trong các chủ đề được sắp xếp khoa học hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên và chú trọng phát triển năng lực cho HS. Hệ thống kiến thức cơ bản của môn Khoa học được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc (giữ lại các kiến thức căn bản, cốt lõi; tinh giản những kiến thức khó, trùng lặp; cập nhật, bổ sung những kiến thức thiết thực, phù hợp với xã hội hiện đại).

Đặc biệt cấu trúc chương trình mở, cho phép giáo viên có thể thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, tự đặt các tiêu đề bài học, chủ động điều chỉnh về thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề. Điều này trước hết giúp giáo viên có thể nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển chương trình dạy học; tạo điều kiện cho giáo viên có thể khai thác và sử dụng các phương tiện dạy học, các đối tượng học tập phù hợp ở địa phương.

Theo bà, việc đánh giá kết quả giáo dục môn học có gặp khó khăn gì không?

Chương trình môn học được biên soạn theo hướng phát triển năng lực HS, chính vì thế việc đánh giá kết quả học tập môn học cũng được thể hiện rõ theo định hướng phát triển năng lực. Bên cạnh các năng lực chung, môn Khoa học chú trọng phát triển ở HS các năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên, đặc biệt là năng lực tìm tòi, khám phá thế giới tự nhiên và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, để đánh giá được kết quả học tập môn học, bắt buộc giáo viên phải huy động, sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: Câu hỏi, bài tập, biểu mẫu quan sát, bài thực hành, dự án học tập...

Đây là việc làm khó và yêu cầu cao hơn so với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, việc thiết kế, sử dụng nhiều công cụ đánh giá khác nhau này đã được định hướng cụ thể ở phần Đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình môn học. Mặt khác, việc sử dụng các động từ có thể lượng hoá được trong yêu cầu cần đạt cụ thể của từng chủ đề cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc lựa chọn hình thức và công cụ đánh giá phù hợp với nội dung, chủ đề môn học.

“So với chương trình hiện hành, các hoạt động tìm tòi, khám phá kiến thức được thể hiện rõ hơn thông qua các chỉ báo cụ thể về yêu cầu cần đạt trong mỗi mạch nội dung môn học; Các kĩ năng như: Quan sát, dự đoán, giải thích, trình bày... được chú trọng hơn”. TS Nguyễn Thị Thu Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ