(GD&TĐ)- Những nét mặt thân quen, những giọng nói mà đã mấy chục năm chưa gặp lại và niềm vui hồ hởi của những người TNXP xưa kia đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng...tất cả đã làm cho không khí của buổi gặp gỡ “thanh niên tiền trạm Thủ đô” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày hôm nay (31/3) tại Hà Nội trở nên bịn rịn hơn.
Hơn 30 năm về trước, họ là những người con của Thủ đô, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước đi khai hoang vùng đất mới tại tỉnh Lâm Đồng. Giờ đây tất cả mọi người trong số đó đã ở tuổi trung niên, có người về hưu hay còn công tác thì tất cả đều vẹn nguyên những kỉ niệm đẹp về thời thanh niên sôi nổi của mình.
|
Thành đoàn Hà Nội khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng Thanh niên tiền trạm Thủ đô. |
Nhân sự kiện “Thành Đoàn Hà Nội tổ chức gặp mặt thanh niên tiền trạm vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng” phóng viên Báo Giáo dục thời đại có mặt tại sự kiện đầy ý nghĩa giáo dục truyền thống này.
Những kỉ niệm đẹp về thời thanh niên sôi nổi
Thực hiện chủ trương của trung ương Đảng, Chính phủ về việc phân bổ lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thành Đoàn Hà Nội vận động Đoàn viên thanh niên Thủ đô tham gia xây dựng Vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Hơn 2600 chàng trai, cô gái của thủ đô Hà Nội đã tình nguyện là những người tiên phong vào mảnh đất Tây Nguyên khai hoang, tình nguyện đi trước làm nhiệm vụ tiền trạm.
Nhớ về thời kì đi xây dựng Vùng kinh tế mới, bà Nguyễn Thị Mão, nguyên Phó bí thư Đoàn Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng nói: "Lực lượng thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ có những người trẻ nhất, có cả những em thiếu nhi 12, 13 tuổi trốn gia đình để vào đây. Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ của Thành ủy và của Hội đồng nhân thành phố và Thành đoàn giao cho, anh em hoàn thành nhiệm vụ đã trở về nhưng cũng có gần 200 thanh niên, xác định đây là một vùng đất mới, làm ăn được, ở lại định cư lâu dài, lấy vợ, lấy chồng, lập nghiệp, đã đóng góp một phần công sức lớn vào việc xây dựng huyện Lâm Hà ngày nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu- là một trong những người được Thành đoàn Hà Nội cử vào Lâm Đồng, trực tiếp làm Bí thư Đoàn Vùng cho đến khi các tổ chức đoàn ở đây thực sự trưởng thành kể lại: Tính từ đợt ra quân đầu tiên của 125 đội viên thanh niên huyện Gia Lâm đi tiền trạm ngày 29/3/1976, đến ngày 5/8/1978, Hà Nội đã đưa hơn 2.600 thanh niên vào công tác tại Vùng kinh tế mới.
Bác Nguyễn Văn Hiếu- Nguyên là bí thư Đoàn Vùng kinh tế mới của Hà Nội tại Lâm Đồng thời kì 1976-1980 nhớ lại: Việc mở đường, tất cả chúng tôi đều trực tiếp phải tham gia. Trước hết là dọn đường cho máy, sau khi máy san ủi thì tiếp tục dọn lấy mặt bằng, làm đường đi. Từ Nam Ban đến Lán Tranh là hơn 40 cây số mà toàn đường rừng, cho nên cứ xe ủi tới đâu thì người dọn tới đó, làm luôn đường, mở đường cho dân và các hoạt động tiếp theo. Trước kia, nơi đây là rừng rậm, rừng hoang nhưng sau đó hình thành các vùng riêng. Thí dụ như nông trường Nam Ban, Lán Tranh, các hợp tác xã của các huyện cũng được hình thành, rồi trạm y tế, trường học của vùng cũng đã được hình thành.
Từ những ngày đầu đi tiền trạm, khảo sát năm 1976 đến sự ổn định và mở rộng các vùng đất năm 1985, 1986… ngày càng có nhiều hộ dân ở Đông Anh, Gia Lâm, Thanh trì, Từ Liêm… vào Lâm Đồng sinh sống.
Tuổi trẻ thủ đô và những chiến công trên cao nguyên Lâm Đồng
Trong những ngày đầu, những người thanh niên tình nguyện ấy đã góp phần phục vụ công tác điều tra khảo sát thực địa, cung cấp tư liệu, lập phương án kinh tế-kỹ thuật cho kế hoạch xây dựng, phát triển Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Bằng lòng quyết tâm và sức lực của tuổi trẻ, họ đã mở 271km đường giao thông, xây dựng hơn 21 nghìn mét vuông nhà ở cho dân để rồi một thời gian không lâu sau đó, lực lượng tiền trạm đã đón hơn 900 gia đình vào Vùng kinh tế mới định cư, sớm ổn định sản xuất, xây dựng cuộc sống mới… Sự khai sinh cho một vùng đất mới được mở ra trong sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo cũng như niềm tin về sự thay đổi của những người đi mở đất.
Họ đặt tên cho những địa phương mới thành lập bằng những cái tên huyện thân quen của Hà Nội: nào Đông Anh, Từ Liêm, Hai Bà, Ba Đình...Và chính cái tên huyện Lâm Hà cũng chính là tên viết gọn của Hà Nội và Lâm Đồng gộp lại.
Cô Phạm Thị Nguyệt là một trong những thanh niên xung phong thời bấy giờ ở lại Lâm Đồng xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Nơi cô ở là xã Đông Anh 1, Thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng. Cô không khỏi xúc động khi ra Hà Nội, được gặp lại những người anh em xưa, được nhìn thấy quê hương mình thay đổi từng ngày. Cô chia sẻ: lúc đầu hai vợ chồng đi thanh niên tiền trạm, xây dựng gia đình rồi ở lại đấy. Lúc đầu hai vợ chồng rất vất vả, nào nuôi heo, trong dâu, nuôi tằm, trồng cà phê. Gia đình nay đã khá hơn trước kia rất nhiều. Cô Nguyệt mười tám đôi mươi năm xưa nay đã trở thành bà.
Trên mảnh đất Lâm Hà được hồi sinh ấy, đã từng có máu của biết bao đồng đội thấm xuống, cũng như biết bao mồ hôi, nước mắt của rất nhiều con người đổ xuống, mảnh đất này mới có được ngày hôm nay. Khi nhớ về một thời sôi nổi của mình, chính họ là những người cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện về một thời đi mở đất của mình. Ký ức về một thời gian khổ, đạp chân trần đi mở đất, chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, những trận sốt rét rừng và cả những trận chiến với Fulro… vẫn còn hiển hiện trong tâm thức. Nhưng dường như vẫn có một niềm vui, sự hạnh phúc lớn hơn tất cả trong họ, đó là sự trù phú và yên bình của mảnh đất Lâm Hà hôm nay.
Đinh Thúy