Xung đột Nhật - Hàn có dấu hiệu leo thang căng thẳng

GD&TĐ - Ngày 12/8, Hàn Quốc ra tuyên bố sẽ có động thái nhằm loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại tin cậy nhất. 

Biểu tình phản đối rầm rộ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Ảnh: Reuters
Biểu tình phản đối rầm rộ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Sách trắng về quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành vào tháng 9, nhưng Tokyo đã rò rỉ thông tin rằng họ không còn tin tưởng Seoul nữa. Từ kinh tế đến quốc phòng, xung đột Nhật - Hàn có thể leo thang lên quy mô toàn diện.

Từ xung đột kinh tế

Cách đây chưa đầy 2 tuần (ngày 2/8), Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tượng thương mại tin cậy nhất. Theo hãng tin Bloomberg, quyết định trên của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 28/8. Với quyết định này, Hàn Quốc không được hưởng những chính sách ưu đãi từ Nhật Bản. Bước đầu, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu quý hiếm, đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử vốn là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc.

Động thái trên của Nhật Bản là nhằm đáp trả phán quyết của Tòa án Hàn Quốc về việc đòi các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho lao động Hàn Quốc bị cưỡng ép trong thế chiến thứ II.

Ngay sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Nhật Bản xem xét lại quyết định trên, bởi theo ông, không ai thắng trong cuộc chơi này.

Tuy nhiên, phía Nhật Bản không hồi đáp. Và vào ngày 12/8, Seoul “đánh động” Tokyo rằng họ sẽ loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại tin cậy nhất.

Cũng theo hãng tin Bloomberg, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc có ý định tách danh sách các đối tác thương mại tin cậy nhất thành 2 nhóm và Nhật Bản là quốc gia duy nhất đứng ở nhóm 2.

Đến lĩnh vực quốc phòng

Theo Sách trắng về Quốc phòng Nhật Bản, năm 2018, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng về độ tin cậy, còn bây giờ nó đã rơi xuống dưới Australia, Ấn Độ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Trên thực tế, điều này có nghĩa là việc trao đổi thông tin giữa các dịch vụ tình báo của hai nước sẽ giảm mạnh. Hiệp ước quân sự ba bên Washington - Tokyo - Seoul mà Hoa Kỳ đã dày công xây dựng trong nhiều năm đang có nguy cơ sụp đổ. Áp lực của Nhà Trắng không giúp xóa tan mối hận thù của người Triều Tiên đối với người Nhật.

Từ dự thảo Sách trắng cho thấy, người Nhật bị xúc phạm không kém người Hàn Quốc. Cụ thể là sự cố khiến quân đội Nhật Bản thất vọng vào tháng 12 năm ngoái. Khi đó, một tàu khu trục của Hàn Quốc nhắm radar và vũ khí tên lửa vào một máy bay quân sự của Nhật Bản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Vẫn biết, cảm xúc không nên đóng vai trò quan trọng trong chính trị quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, đôi khi buộc các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm phải tính đến tâm trạng của dư luận. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không muốn gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với lý do thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Tranh chấp giữa hai nước đã lan sang lĩnh vực quân sự. Hàn Quốc đe dọa chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Được ký vào năm 2016, thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin về sự phát triển của các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thỏa thuận này thường được gia hạn hàng năm vào tháng Tám, nhưng đến nay vẫn chưa biết liệu Seoul có gia hạn theo thông lệ.

Điều đáng nói rằng đây là yếu tố hợp tác quan trọng nhất với đồng minh chính của cả hai nước là Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, Washington đã cố gắng đưa Tokyo và Seoul đến gần nhau hơn, tạo thành một hiệp ước ba bên theo kiểu NATO Viễn Đông.

Theo hãng tin AP, thông tin được cung cấp bởi các vệ tinh, radar, máy bay tuần tra và các hệ thống công nghệ cao khác của Nhật Bản rất quan trọng đối với Hàn Quốc trong việc phân tích các vụ thử tên lửa và tàu ngầm của Triều Tiên. Và Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ các dữ liệu của radar Hàn Quốc, có thể phát hiện sớm hơn về các vụ phóng vật thể bay của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, hợp tác với Seoul, Tokyo nhận được thông tin do các điệp viên Hàn Quốc ở miền Bắc thu được hoặc nhận được từ những người đào thoát.

Tokyo nói rằng, họ muốn giữ thỏa thuận. Tuy nhiên, đề cập đến các hạn chế thương mại do Tokyo áp đặt, Seoul cho biết, họ đang cân nhắc liệu có đáng gửi thông tin nhạy cảm tới một quốc gia nghi ngờ độ tin cậy của Hàn Quốc với tư cách là đối tác an ninh hay không. Một số nhà lập pháp Nhật Bản thậm chí còn lập luận rằng có lẽ Seoul cho phép những thông tin như vậy được truyền đến… Bình Nhưỡng.

Điều này làm nhiều người Hàn Quốc phẫn nộ, họ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Các cuộc biểu tình đang lan rộng với kêu gọi phá vỡ thỏa thuận giữa các cơ quan tình báo hai nước.

Theo các nhà phân tích, các đòn “ăn miếng, trả miếng” giữa Tokyo và Seoul đang làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa hai nước. Nếu các bên không kiềm chế, đẩy mạnh xúc tiến ngoại giao để tìm được tiếng nói chung thì một cuộc xung đột toàn diện chắc chắn sẽ diễn ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ