Trung Quốc: Tăng chất lượng giáo dục để tránh “bẫy thu nhập trung bình”

GD&TĐ - Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người từ 10.410 USD năm 2019 lên 12.536 USD vào cuối năm 2025 (mức chuẩn để trở thành quốc gia có thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới đưa ra).

HS Trung Quốc học nghề.
HS Trung Quốc học nghề.

Tuy nhiên, với tỷ lệ lực lượng lao động hoàn thành bậc THPT thấp, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Trung Quốc phải cải thiện việc tuyển sinh và chất lượng GD trung học, nếu muốn có thu nhập cao. 

Trình độ người lao động thấp

“Tuy tất cả trẻ em không cần học ĐH nhưng tất cả nên học THPT. Đây là điều rất quan trọng ở giai đoạn phát triển này để cung cấp cho trẻ em mọi kỹ năng cần thiết trong tương lai” – ông Scott Rozelle, người đứng đầu chương trình Hành động GD nông thôn của ĐH Stanford (Mỹ) cho biết – “Trên thực tế, Trung Quốc có mức vốn nhân lực thấp nhất trong số các nước có thu nhập trung bình”.

Các nhà nghiên cứu từ ĐHSP Thiểm Tây (Trung Quốc) và ĐH Stanford (Mỹ) cho biết năm ngoái Trung Quốc phải cải thiện GD trên toàn quốc để “tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

“Trung Quốc phải đạt được và duy trì mức độ cao cả về số lượng và chất lượng GD cũng như bảo đảm trẻ em nhận được các yếu tố đầu vào cần thiết từ cha mẹ và dinh dưỡng để trở thành những công dân khỏe mạnh và hiệu quả trong tương lai” - 5 nhà nghiên cứu do ông Bai Yu từ ĐHSP Thiểm Tây đứng đầu cho biết.

Điều mà các nhà kinh tế và quan chức không muốn thấy là Trung Quốc sẽ theo chân các nước như Mexico và mắc vào bẫy thu nhập trung bình – nơi để việc làm rơi vào các quốc gia thu nhập thấp có lao động rẻ hơn nhưng thiếu tri thức, có nghĩa là họ không thể chọn công việc có tay nghề cao và được trả lương cao.

Các nhà phân tích cho biết, điều này có thể dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng, bất ổn xã hội và sự phát triển của các khu vực phi chính thức với nhiều công việc không bảo đảm và trả lương thấp, chẳng hạn như người giao đồ ăn và tài xế theo yêu cầu. Tại Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng từ công việc sản xuất sang việc làm phi chính thức trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động trong số 290 triệu công nhân nhập cư của
đất nước.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ lao động nhập cư trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng đã giảm từ 51% năm 2009 xuống 46% vào năm ngoái. Trong khi đó, những người đảm nhận công việc trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động, bao gồm vận tải, bán lẻ, ăn uống và công việc gia đình tăng từ 35% lên 38%.

Bất bình đẳng gia tăng

Người lao động nhập cư ở Trung Quốc.
Người lao động nhập cư ở Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu của ông Rozelle, từ năm 2010 đến 2017, mức tăng trưởng tiền lương thực tế hàng năm đối với lao động nhập cư ở Trung Quốc giảm 4 điểm phần trăm nhưng lại tăng 1,3 điểm phần trăm đối với các công việc đòi hỏi kỹ năng cao, chẳng hạn như tài chính và CNTT.

Trong khi phân cực tiền lương cũng xảy ra ở các nước thu nhập cao, bất bình đẳng trong GD dân đến khoảng cách tiền lương ngày càng rộng ở hầu hết các nền kinh tế bị mắc kẹt trong tình trạng thu nhập
trung bình.

“Hầu như không có trường hợp nào cho thấy một quốc gia (bị mắc kẹt) lại hiệu quả trong việc đào tạo lại lực lượng lao động của họ để cho phép chuyển đổi những người lao động có kỹ năng thấp thành người làm việc được trong một ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng”, ông Rozelle nói.

Chắc chắn, tỷ lệ tuyển sinh vào THPT của Trung Quốc đã cải tiến đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Theo số liệu của Bộ GD, tỷ lệ người 15 - 17 tuổi đi học THPT tăng từ hơn 40% năm 2000 lên hơn 89% năm ngoái. Trung Quốc chỉ bảo đảm GD 9 năm cho mọi người dân đến hết cấp THCS. Tuy nhiên, Bộ GD cho biết vào năm 2017, họ muốn tăng hơn 90% số HS THPT vào năm 2020. Sự bất bình đẳng về GD của Trung Quốc phản ánh sự chênh lệch khác giữa các thành phố và vùng nông thôn, bao gồm cả về thu nhập.

Gần như tất cả thiếu niên tuổi từ 15 - 17 có hộ khẩu thành phố đều học THPT nhưng ít nhất 10% những người cùng độ tuổi ở vùng nông thôn không học THPT. Nói chung, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải – nơi có các trường học tốt nhất - đều từ chối nhận con em công nhân nhập cư có hộ khẩu nông thôn vào học trung học. Nhiều em phải về học ở quê. Tại đây, các em có thể theo học tại một trong hơn 10.000 trường dạy nghề của cả nước nhưng được xem là có chất lượng thấp. Số HS vào trường dạy nghề chiếm hơn 40% tổng số HS vào trường trung học của cả nước trong năm ngoái, tuy nhiên, tỷ lệ bỏ học cao, khoảng 32% - theo nghiên cứu của ông Rozelle năm 2016 tiến hành đối với 250.000 HS nông thôn ở 4 tỉnh.

Bên cạnh đó, đối với dân số nông thôn ở Trung Quốc, vấn đề tiếp cận GD có thể chỉ là một phần của vấn đề. Sức khỏe yếu và sự phát triển chậm do điều kiện sống và kỹ năng làm cha mẹ là những lực cản đối với thành tựu GD – nghiên cứu cho biết.

Trong một cuộc khảo sát đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 24 - 36 tháng tuổi ở 4 khu vực nông thôn lớn, nhóm của ông Bai đã phát hiện ra một nửa bị chậm phát triển nhận thức. Trong cuộc khảo sát khác đối với trẻ em nông thôn từ 3 - 6 tuổi vào năm 2018, khoảng 18% bị thiếu máu, cao hơn so với mức 3% ở Mỹ. Những nghiên cứu khác cho thấy, một tỷ lệ lớn trẻ em nông thôn từ 6 - 12 tuổi có thị lực kém và mắc bệnh
đường ruột.

“Các bậc cha mẹ nông thôn Trung Quốc yêu con, sẵn sàng làm mọi thứ cho chúng và có kỳ vọng rất cao. Tuy nhiên, kỹ năng làm cha mẹ của họ khá thấp và được đầu tư rất ít”, ông Rozelle cho biết.

Theo nghiên cứu từ ĐH Sư phạm Shanxi và ĐH Stanford, chỉ có 1/3 người lớn Trung Quốc từ 25 - 64 tuổi học THPT, ngang bằng với Mexico và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 90% ở các nước có thu nhập cao như Mỹ và Đức.
Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ