Thực trạng của học sinh nhập cư trong các trường phổ thông Nga

GD&TĐ - Theo một số thống kê, chỉ riêng ở Moskva và ngoại ô có tới 50.000 học sinh nhập cư sinh sống. Các em đang học ở đâu và gặp phải những khó khăn gì trong việc hòa nhập với xã hội Nga?  

Thực trạng của học sinh nhập cư trong các trường phổ thông Nga

Không có thống kê chính thức về số lượng trẻ em không có quốc tịch Nga (thông thường, đó là trẻ em từ các gia đình nhập cư và tị nạn) học trong các trường phổ thông Nga.

Mấy năm trước, trả lời câu hỏi của các nhà báo, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho biết: “điều 78 của Luật Giáo dục bảo đảm quyền bình đẳng về giáo dục ở Nga đối với tất cả mọi người, kể cả công dân nước ngoài, vì vậy bộ không tiến hành thống kê số lượng công dân các nước ngoài đang học tập trong các trường phổ thông Nga”.

Còn theo các số liệu không chính thức, chỉ riêng ở thành phố Moskva và ngoại ô có 50 000 con em của những người tị nạn và nhập cư đang sinh sống, còn tại các trường phổ thông Moskva có một nửa trong số đó, tức 25 000 em, đang học tập. Các em này không có quốc tịch Nga.

Không ai biết có bao nhiêu em bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục Nga. Thông thường, điều đó xuất phát từ hai nguyên nhân: các em không biết tiếng Nga và thiếu đăng ký cư trú.

Nguyên nhân thứ nhất quan trọng hơn nhiều: những em nói tiếng Nga kém hoặc hoàn toàn không biết tiếng Nga, bị từ chối khi tuyển sinh vào trường phổ thông, ngay cả khi có đăng ký cư trú và có giấy chứng nhận quyền sinh sống ở Nga. Họ được khuyến cáo trước hết hãy nâng cao trình độ tiếng Nga, mà điều đó hoàn toàn không đơn giản.

Năm đầu tiên em không tiếp xúc với ai trong lớp

“Ở Nga hiện không tồn tại các chương trình tích hợp của nhà nước: Trong các trường phổ thông không tiến hành các giờ học tiếng Nga như tiếng nước ngoài, giáo viên không có phương pháp giảng dạy hiệu quả, các trường đại học không đào tạo chuyên gia ngành này” - đó là ý kiến của các cán bộ thuộc Trung tâm liên kết quốc tế dành cho trẻ em tị nạn và nhập cư.

Đây là một dự án tình nguyện đã nhiều năm nay chuyên làm việc với trẻ em từ các nước khác nhau. Hiện nay, Trung tâm có 93 học sinh từ Congo, Afghanistan, Kirgizia, Tadzhikistan, Nigeria, Cameroon và Zibabwe.

Năm 2016, chính quyền thành phố đuổi các em ra khỏi tầng hầm nơi “Trung tâm thích nghi và dạy học trẻ em tị nạn” đã làm việc suốt 17 năm.

Hiện nay Trung tâm đã tìm được địa điểm mới và tiếp tục làm việc. Nhưng đó chỉ là một giọt nước trong biển cả, trong số hàng trăm trường phổ thông ở Moskva, chỉ có hai trường dạy tiếng Nga và các môn học khác miễn phí và có hệ thống cho trẻ em nước ngoài.

Bất đồng ngôn ngữ là khó khăn chính cản trở học sinh nước ngoài nhanh chóng thích nghi với quá trình giáo dục và hòa mình với các bạn cùng lớp. Các nhà khoa học ở Trường đại học nghiên cứu thuộc Đại học kinh tế đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với học sinh và giáo viên thành phố Moskva và ngoại ô Moskva để tìm hiểu khả năng thích nghi của học sinh nhập cư.

Kết quả cho thấy, khó thích nghi nhất là những em đến nước Nga sau 7 tuổi: “Năm đầu tiên nói chung em không tiếp xúc với ai trong lớp. Em đi học một mình”, - một nữ sinh lớp 9 nói. “Em im lặng vì em không thích mọi người sửa lỗi cho em, em muốn nói tiếng Nga thành thạo rồi mới kết bạn”, - một nữ sinh khác nói.

Theo các nhà nghiên cứu, các bạn học cùng lớp hay chế nhạo các học sinh mới, nhưng điều đó thường chấm dứt khi các bạn ấy khắc phục được sự bất đồng ngôn ngữ và bắt đầu giao tiếp. Để đạt được điều đó phải mất từ 3-4 tháng đến 1 năm (khi đã có một khối lượng kiến thức ngôn ngữ nhất định).

“Sự hòa nhập của học sinh nhập cư sẽ diễn ra nhanh hơn, nếu các trường phổ thông có các chương trình dạy tiếng Nga như tiếng nước ngoài. Các khóa huấn luyện làm việc với học sinh lớp đa sắc tộc cũng sẽ có ích đối với đội ngũ giáo viên. Còn hiện tại việc hòa nhập của học sinh nhập cư vẫn chưa được xã hội quan tâm.

Sự bài ngoại thậm chí không bị các tác giả của nó coi là hành vi tiêu cực

Các nhà nghiên cứu cũng giải thích rằng các trường phổ thông có thành tích học tập cao thường không muốn nhận con em những người nhập cư. Họ sợ những khó khăn trong việc hòa nhập người nước ngoài và giảm bớt kết quả của những học sinh khác.

Tuy nhiên, những trường kém hơn, vì lo sợ nhà trường bị đóng cửa do không đủ sĩ số, lại nhận hết: “Họ quen làm việc với học sinh các gia đình nghèo, neo đơn, kinh tế khó khăn, học sinh có hành vi tiêu cực. Con cái những gia đình nhập cư cũng nằm trong phạm trù học sinh “gặp khó”, - các nhà khoa học nhận xét.

Các trường phổ thông được gắn mác “nhập cư” trong ý thức xã hội (mà để làm điều đó chỉ cần mỗi lớp có 6-7 học sinh nước ngoài) không được cư dân bản địa hâm mộ, chúng thường bi coi là trường kém.

“Trẻ em từ các nước Trung Á nhiều đến mức học sinh Nga dần dần bỏ trường”, - giáo viên một trường phổ thông ở ngoại ô Moskva kể. Tuy nhiên, như hiệu trưởng các trường này phát biểu, khó khăn chính của họ không phải là học sinh ngoại quốc.

Đa số những học sinh đó sẵn sàng đối thoại. Giáo viên gặp nhiều khó khăn hơn với những học sinh lười học, vô kỷ luật, gia đình không hòa thuận. Đa số học sinh ngoại quốc nhanh chóng khắc phụcc sự bất đồng về ngôn ngữ, tâm lý và hòa mình vớí tập thể.

“Một cuộc phỏng vấn và trưng cầu ý kiến của học sinh nhập cư (từ lớp 9-11), các bạn cùng lớp, giáo viên, hiệu trưởng, cho thấy không có những vấn đề hòa nhập không thể giải quyết được”, - các nhà khoa học ở Đại học kinh tế giải thích.

Các cuộc trò chuyện với trẻ em bản xứ và nước ngoài cho thấy rằng ngay cả khi giữa các em không có một tình bạn đặc biệt đi nữa thì về cơ bản vẫn “hình thành một thái độ trung lập đối với bạn như là “bạn cùng lớp của mình”. Học sinh nhập cư thường không tham gia các cộng đồng khác ngoài nhà trường, vì vậy các em hoàn toàn hòa mình vào tập thể.

Theo các nhà nghiên cứu, ở các lớp tiểu học, học sinh không nhận ra những khác biệt về sắc tộc. Sự xúc phạm đối với các dân tộc khác xuất hiện muộn hơn, và thông thường, học sinh phổ thông lặp lại suy nghĩ của bố mẹ.. Không hiếm khi chính giáo viên mang vào lớp học những quan niệm tiêu cực của mình về người nhập cư.

“Sự bài ngoại thường diễn ra ở cấp độ sinh hoạt, thậm chí nó không được tác giả của nó coi như một cái gì đó tiêu cực”, - các nhà khoa học kết luận.

Sau khi biết thành thạo tiếng Nga, có nhiều bạn bè, vượt qua những trở ngại về tâm lý và nỗi sợ hãi trước tập thể, học sinh nhập cư nhanh chóng trở thành những thành viên bình đẳng với học sinh bản xứ. Tất nhiên, nếu các em rơi vào một môi trường bình thường, thân thiện.

“Tại các trường phổ thông Moskva có  25 000 học sinh nhập cư  đang học tập, các em này không có quốc tịch Nga. Không ai biết có bao nhiêu em bị loại ra khỏi hệ thống giáo dục Nga. Thông thường, điều đó xuất phát từ hai nguyên nhân: các em không biết tiếng Nga và thiếu đăng ký cư trú. Nguyên nhân thứ nhất quan trọng hơn nhiều: những em nói tiếng Nga kém hoặc hoàn toàn không biết tiếng Nga, bị từ chối khi tuyển sinh vào trường phổ thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ