“Thừa nước đục bắt cá”: Trào lưu làm việc mới ở Trung Quốc

GD&TĐ - “Hãy uống thật nhiều nước trong giờ làm, đi vệ sinh sau mỗi 50 phút và ở lại thật lâu! Hãy xem phim, đọc truyện, lướt web sau lưng sếp! Hãy từ chối tăng ca! Hãy làm lơ lời chỉ trích…”.

Giới trẻ Trung Quốc đua nhau “thừa nước đục” trong giờ làm.
Giới trẻ Trung Quốc đua nhau “thừa nước đục” trong giờ làm.

Đó là những “lời khuyên đắt giá” mà giới trẻ Trung Quốc đang truyền nhau. 

Phản 996

Tại châu Á, Trung Quốc là đất nước cuồng “làm việc đến chết” chỉ sau Nhật Bản. Họ nổi tiếng với văn hóa làm việc 996, tức là từ 9h sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần.

Trong mắt quốc tế, 996 là chìa khóa tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tỷ phú nổi tiếng Trung Quốc Jack Ma từng tuyên bố “996 là một đại thắng”. Bởi vì, “làm gì có chuyện sẽ thành công mà không cần tốn sức lực và thời gian”. Từ thế hệ X (1961 - 1981) cho tới thế hệ Y (1981 – 1996) của Trung Quốc đều quay cuồng vì 996. Họ tích cực làm việc hết công suất. Kết quả, thế hệ X lần lượt đổi đời, nhưng Thế hệ Y thì không.

Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển bùng nổ vào thập niên 1980. Nó mở ra nhiều ngành nghề, tạo cơ hội cho thế hệ X thuận lợi làm giàu. Họ chỉ cần có chí hướng, tận tâm tận lực cho công việc là tất yếu chạm tới thành công. 

Từ năm 2000, GDP bình quân của Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại giảm, lượng người thất nghiệp ngày càng nhiều. Thế hệ Y phải cạnh tranh gay gắt, mới kiếm được việc làm ổn định. Cuối năm 2019, Trung Quốc “dính” đại dịch Covid-19. Kể từ đó cho đến nay, nền kinh tế rơi vào cuộc khủng hoảng. Theo báo cáo vào năm 2020, đất nước này có tới 80 triệu lao động thất nghiệp. 

Thị trường lao động Trung Quốc “thừa người, thiếu việc”, áp đặt tiêu chuẩn tuyển dụng gắt gao. Một số công ty không tuyển dụng người từ 45 tuổi trở lên, với lý do “cần nâng cấp dịch vụ”. Vài công ty khác lại sa thải nhân viên hàng loạt, vì họ “quá bận rộn chuyện gia đình, không tiện dành hết thời gian cho công việc”.

Trước nguy cơ “mất việc dễ như chơi”, giới trẻ Trung Quốc thay đổi chiến thuật. Họ kêu gọi nhau “phản 996”, bởi “có hết lòng đến mấy cũng chẳng bảo đảm tương lai tốt đẹp hơn”.

Coi lời sếp mắng như “nước chảy, mây trôi”.
Coi lời sếp mắng như “nước chảy, mây trôi”.

“Thừa nước đục”

“Có một sự phân hóa về mặt lối sống ở những người sinh trước và sau năm 1990”, Jennifer Feng – Giám đốc trang web săn việc 51job.com cho biết. “Những người sinh trước năm 1990 tin tưởng, phải chịu thương chịu khó mới gặt hái thành công. Những người sinh sau 1990 thì ngược lại, ưu tiên thực tại. Họ chỉ quan tâm cái lợi trước mắt, hễ không thích là lập tức chuyển việc”. 

Trên khắp Trung Quốc, giới trẻ rủ nhau “thừa nước đục”. Đây là một từ lóng, mượn từ câu thành ngữ “thừa nước đục bắt cá”. Nó được giới trẻ Trung Quốc hiểu theo kiểu, lợi dụng cơ hội mà… lười biếng mọi lúc ở chỗ làm. 

Theo quy định của luật lao động Trung Quốc, thời gian làm việc chính quy không quá 8 giờ/ngày và 44 giờ/tuần. 996 thì lên tới 72 giờ/tuần. Phần lớn các công ty ở Trung Quốc đều áp dụng chế độ giờ giấc này, thúc ép công nhân viên tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ.

Có điều, đồng ý hay không là quyền của công nhân viên. Nếu thế hệ X và nửa đầu thế hệ Y không dám bỏ tăng ca, thì nửa sau thế hệ Y và thế hệ Z (1997 - 2012) bất chấp nguy cơ bị đuổi việc. Họ từ chối làm thêm giờ, thêm việc, chỉ hoàn thành đúng chỉ tiêu cơ bản nhất được giao. 

Để tiêu tốn nốt thời gian dư thừa còn lại ở chỗ làm, giới trẻ Trung Quốc “bày” đủ thứ trò. Nó bao gồm từ ngồi không đến nghịch điện thoại, lướt web, “chết dí” trong nhà vệ sinh… Nhiều người còn thi đua, xem ai đạt danh hiệu “nhân viên dùng hết nhiều giấy vệ sinh của công ty nhất”.

“Tôi thừa nước đục cả ngày và sung sướng thỏa thuê vì điều đó” - một nhân viên trẻ thừa nhận. - “Tại sao tôi phải nỗ lực gấp 10, khi ông chủ chả buồn thưởng cho cái công khó nhọc ấy thêm 1 xu?”. 

“So với hết mình vì công việc, chúng tôi chọn để dành năng lượng làm chuyện khác”, một người khác bày tỏ sự đồng tình. 

Mất việc này đơn giản là tìm việc khác.
Mất việc này đơn giản là tìm việc khác.

Nỗ lực… lười hết mình

Vào năm 2020, giới trẻ Trung Quốc vô cùng hào hứng trước bài đăng của bloger Weibo lấy tên tài khoản là Massage Bear. Cô viết: “Hãy chỉ tích cực vừa xứng với mức lương mà bạn được nhận, và đừng bao giờ quá nghiêm túc với công việc. Một khi bạn chăm chỉ hết sức, đồng nghiệp của bạn sẽ gặp bất hạnh. Sếp sẽ thấy bạn có thể làm gấp 3 và đuổi bớt 2 người đi. Cuối cùng, bạn phải làm việc của cả 3 người, mà tiền lương thì vẫn như cũ”.

Quả thực, các công ty của Trung Quốc không hề tăng lương. Tổng kết năm 2020, mức lương trung bình chỉ tăng so với năm 2019 đúng 2%, và có tới 50% các công ty, doanh nghiệp giữ nguyên mức lương cũ. Dưới tác động của Covid-19, ước tính trong vòng 3 năm nữa, họ cũng tiếp tục không tăng lương.

Thay vì tập trung cho công việc chính thức, giới trẻ Trung Quốc có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu nhập. Họ chăm chỉ kiếm thêm các công việc phụ khác, ví dụ như bán hàng qua mạng, kéo lượt “like”, số
“comment”...

Tất nhiên, các sếp doanh nghiệp vốn yêu thích 996 cực kỳ khó chịu. Họ chỉ trích giới trẻ chểnh mảng, không trung thực, thiếu tinh thần trách nhiệm… “Đừng tức giận hay chủ động xin từ chức vì bị sếp mắng” - Massage Bear khuyên nhủ. - “Cứ mỉm cười và khiến họ phát điên thêm, đến mức đuổi cổ bạn luôn. Bằng cách này, bạn nhận được thêm tiền bồi thường đuổi việc”.

Theo quy định của luật lao động Trung Quốc, nếu sa thải nhân viên mà không có lý do chính đáng thì phải bồi thường. Khoản tiền bồi thường sẽ bằng lương 1 tháng nhân với số năm thâm niên làm việc. 

Trước thái độ “phản kháng bất bạo động” của giới trẻ, các chủ lao động Trung Quốc vô cùng đau đầu. Một số người còn “những muốn phát điên”, vì nhân viên xin nghỉ phép với lý do “vừa bị bồ đá”. “Sự nổi loạn của giới trẻ đặt người sử dụng lao động vào những thử thách mới” - Feng nhận xét. - “Và một trong các thử thách đó chính là… khả năng nhẫn nhịn, điều mà họ chưa từng phải đối mặt trước đây”. 

Theo Todayonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ