Thái cực đảo chiều trong cuộc chiến chống Covid-19

GD&TĐ - Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid tuyên bố nước này sẽ dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế kể từ ngày 19/7, đánh dấu chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng thời điểm này, các nước châu Á - từ hình mẫu chống dịch – lại trở thành những ổ dịch do biến chủng Delta hoành hành.

Quyết định của Anh được đưa ra sau một tháng trì hoãn và giới chức y tế nước này cho rằng việc phải sống chung với virus là điều không thể tránh khỏi. Thông báo mở cửa trở lại được đưa ra bất chấp việc Anh vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới rất cao. Trong ngày 29/6, nước này có thêm hơn 15 nghìn ca dương tính nhưng lại chỉ có 11 ca tử vong.

Theo các chuyên gia, con số thống kê trên phản ánh việc tỷ lệ tiêm chủng cao trong dân số sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Số ca nhiễm mới tăng cao là do biến thể Delta lây lan nhanh tấn công, nhưng biến thể này không thể làm tăng số ca tử vong do người dân đã được tiêm phòng.

Anh từng là một trong những nước hứng chịu đại dịch nặng nề nhất thế giới với hơn 4,7 triệu ca nhiễm và hơn 128 nghìn ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại nước này đã được kiểm soát nhờ việc 44 triệu người Anh (chiếm hơn 66% dân số) được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19.

Những tín hiệu tích cực cho thấy cuộc chiến chống dịch tại Anh dường như đang đi đến hồi kết. Điểm sáng này giống như một thái cực khác so với những gì đang diễn ra tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Các nước châu Á vốn là hình mẫu chống dịch của thế giới nhưng đang phải vật lộn với tình trạng nghiêm trọng nhất từ đầu dịch do biến thể Delta lây lan quá nhanh.

Hàng loạt kỷ lục đáng buồn đang được xác lập tại khu vực này. Hôm 30/6, Thái Lan ghi nhận 53 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ và là ngày chết chóc nhất từ đầu dịch. Cùng thời điểm này, Campuchia cũng thông báo có 27 người chết vì virus trong ngày, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.

Tình hình tại Indonesia còn nghiêm trọng hơn nhiều khi trung bình những ngày gần đây số ca nhiễm mới liên tục vượt quá 21 nghìn, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực thảm họa. Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế đánh giá diễn biến tại Indonesia đang có chiều hướng như tại Ấn Độ, khi các nghĩa trang và lò hỏa táng liên tục bị quá tải.

Đặc điểm chung của các nước Đông Nam Á đang bị đại dịch hoành hành là có tỷ lệ tiêm chủng khá thấp. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số (270 triệu người) vào đầu năm 2022, nhưng mới chỉ đạt khoảng 5%.

Số người được tiêm chủng đầy đủ tại Thái Lan hiện chiếm chưa đến 4% dân số. Đây cũng là tình trạng tương tự ở các nước Đông Nam Á khác trừ Singapore.

Nguyên nhân chính khiến tốc độ tiêm chủng tại khu vực Đông Nam Á bị chậm là do thiếu nguồn cung vắc-xin, điều mà nước Anh lại hoàn toàn chủ động được. Chiến thuật đa dạng hóa tối đa các loại vắc-xin để đáp ứng nhu cầu của các nước trong khu vực cũng gặp khó khăn do các loại vắc-xin phổ biến đều đang “cháy hàng”.

Trong khi đó, vắc-xin hiện vẫn là vũ khí chống dịch hiệu quả nhất, khi thực tế các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh đều đã có thể mở cửa trở lại.

Đối với các nước đang bị dịch hoành hành và thiếu hụt vắc-xin thì không có cách nào khác phải áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn đà lây lan của virus, qua đó có thêm thời gian chờ vắc-xin được tiêm đến mức đạt miễn dịch cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...