Tân tổng thống sẽ hàn gắn nước Mỹ như thế nào?

Tổng thống kế tiếp của Mỹ - Hillary Clinton hoặc Donald Trump - sẽ hàn gắn đất nước như thế nào?

Tân tổng thống sẽ hàn gắn nước Mỹ như thế nào?

Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẽ lựa chọn vị tổng thống mới. Nhưng có lẽ phần khó khăn nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 vẫn chưa đến, đó là giai đoạn hậu bầu cử.

Vào ngày 9/11, người chiến thắng của Văn phòng Bầu dục sẽ phải đối mặt với những thực tế ảm đạm - như William Galston, một chuyên gia về quản trị của Viện Brookings đã chỉ ra.

Trước hết, chiến dịch tranh cử không tập trung nhiều để chuẩn bị cho cử tri có sự lựa chọn thực sự mà nước Mỹ phải đối mặt trong những năm tới, đặc biệt là về chính sách kinh tế.

Thứ hai, tính hợp pháp của cuộc bầu cử bị tấn công vì bản thân ứng viên chỉ trích bầu cử có gian lận. Thứ ba, kết quả bầu cử nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh sự chia rẽ sắc tộc và kinh tế ngày càng lớn giữa các bên.

Những chia rẽ này "tạo nên một khoảng cách mà người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 cảm thấy khó thu hẹp trừ khi tập trung vào việc hòa giải dân tộc bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên của quá trình chuyển đổi" - Galson viết.

Tuy nhiên, có một thông tin tích cực là ít nhất cả hai ứng viên đều nói rằng, hòa giải là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ sau khi đắc cử.

"Tôi muốn hàn gắn đất nước chúng ta và đưa chúng ta lại với nhau. Tầm nhìn của tôi về nước Mỹ là một nước Mỹ mà ở đó ai cũng có chỗ thích hợp" - bà Hillary Clinton nói với cử tri đang dao động.

Còn trong bài phát biểu tại Gettysburg, Pa, Donald Trump đề nghị cử tri "vượt lên sự ồn ào và lộn xộn của nền chính trị bị gãy vỡ, để nắm lấy đức tin tuyệt vời và sự lạc quan - vốn là yếu tố trung tâm của tính cách Mỹ".

Trong bài phát biểu trước đó, ông Trump phàn nàn về hệ thống gian lận của chính trị Mỹ và tuyên bố sẽ kiện tất cả những người phụ nữ tố cáo ông tấn công tình dục.

Thách thức của Hillary Clinton

Theo phần lớn các cuộc thăm dò hiện nay thì bà Clinton nhiều khả năng sẽ đắc cử. Một trong những thách thức chính trị của bà là chiến dịch của Trump đã tiết lộ sự giận dữ sâu sắc trong số những cử tri cổ xanh da trắng, phần lớn là nam giới.

Nếu chiến thắng, bà Clinton cần phải thừa nhận sự lo ngại của những người Mỹ này mà không nên tỏ ra trịch thượng hay hận thù. Một phần, đó cũng vì mục đích hòa giải dân tộc với một nhóm mà bà gọi là "tệ hại".

Nó cũng là chiến lược hợp lý giúp bà thúc đẩy các chính sách trong tương lai - David Greenberg, nhà sử học chính trị Mỹ tại Đại học Rutgers nhận định.

"Đặc biệt là sau chiến dịch của Trump, điều đó sẽ rất quan trọng với bà Clinton nhằm tiếp cận với đảng Cộng hòa để cố gắng có cái nhìn tươi mới, ngay cả khi cử tri đảng này không thực sự thích bà ấy" - ông Greenberg nói.

Nhà sử học cho rằng, những gì tốt nhất mà các tổng thống đã làm là giành được thiện chí và sự ngưỡng mộ của đảng kia. Tổng thống Bill Clinton, Ronald Reagan đã làm được điều này.

"Nếu tôi là bà Clinton, tôi sẽ có hai kế hoạch, một kế hoạch nếu đảng Dân chủ giành đa số trong lưỡng viện, và kế hoạch còn lại dành cho trường hợp họ không đạt được" - ông Greenberg nói.

Cách tiếp cận của bà Clinton trong những ngày còn lại trước cuộc bỏ phiếu có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này. Tiếp tục chỉ trích Trump không phù hợp để trở thành tổng thống có thể không đủ đô để bà Clinton giành được chiến thắng long trời lở đất. Bà Clinton phải bắt đầu trục riêng của mình, chấm dứt chiến dịch chống Trump và hướng tới những kế hoạch và hy vọng riêng

Nhiệm vụ số 1 của Donald Trump: Chống lại sự sợ hãi

Đối với Trump, các cuộc thăm dò cho thấy hiện ông chỉ có cơ hội mỏng manh trong cuộc bỏ phiếu ngày 8.11, nhưng đôi khi vẫn làm nên chuyện.

Nếu Trump chiến thắng, một trong những vấn đề lớn nhất của ông ấy có thể là nỗi sợ hãi. Nhiệm vụ số một của ông ấy là đối phó với cảm xúc này - Nigel Farage, cựu lãnh đạo đảng Độc lập của Anh nhận xét.

"Nếu Trump giành chiến thắng, ông ấy phải bác bỏ những nghi ngờ của cử tri bằng việc cho thấy ông ta không phải là người dẫn dắt Mỹ vào những cuộc chiến tranh vô lý ở nước ngoài, và rằng ông ấy có một chương trình nghị sự đặt lợi ích của người Mỹ lên trên hết" - Ông Farage viết trên tờ USA Today.

Dù ai giành chiến thắng, vào tháng Giêng 2017 người ấy sẽ trở thành tổng thống Mỹ trong ít nhất 4 năm nữa. Người ấy sẽ là biểu tượng của Chính phủ Mỹ.

Và nếu có một phẩm chất mà người Mỹ muốn ở tổng thống của mình, thì đó là sự lạc quan - theo Robert Bruner - giáo sư ĐH Virginia.

"Nếu tổng thống muốn khắc phục các vấn đề quốc gia, ông/bà ấy phải huy động những người khác để cùng đối phó. Lạc quan là một công cụ của sự ảnh hưởng và khả năng lãnh đạo" - Giáo sư Bruner nhận định.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ