Tàn tích “lâu đài sát thủ” Alamut

GD&TĐ - Tương truyền, tổ chức sát thủ Nizari Ismailis, Iran được thành lập do giáo chủ Hassan-e Sabbah (1050 - 1124). Người đàn ông này từ bỏ đạo Hồi chính tông, tự tay tạo dựng đế chế không ngai, đối đầu với vương triều xâm lược hùng mạnh nhất Seljuk. Ông sống trong thành lũy “bất khả xâm phạm” Alamut, nên nơi này còn được gọi là “Lâu đài Sát thủ”.

Tàn tích thành Alamut
Tàn tích thành Alamut

Hassan-e Sabbah

Hassan-e Sabbah

Vào thế kỷ XI ở khu vực Trung Đông, xuất hiện một đế chế hùng mạnh là Vương triều Seljuk. Các nhà vua của vương quốc này liên tục dẫn quân đi xâm lược. Họ chinh phục được một vùng đất rộng lớn, trải dài từ Tây Á sang Trung Á, trong đó có cả Iran.

Từ thuở xa xưa, người Iran đã theo tín ngưỡng Imamah, Hồi giáo Shia chính thống. Imamah đề cao sự phân chia đẳng cấp. Dưới sự thống trị của Seljuk, nó bị xẻ nhánh, hình thành nên Ismailis. Khác với Imamah, Ismailis vì quyền lợi và công bằng xã hội cho giai cấp bần hàn.

Năm 1050, Hassan-e Sabbah “giáo chủ” nổi tiếng nhất của “giáo phái” Ismailis chào đời. Như mọi thần dân Iran, Sabbah chăm chỉ học tập giáo lý Imamah. Nhưng càng lớn, cậu càng nhận thấy Imamah thiếu hợp tình hợp lý. Năm 17 tuổi, Sabbah quyết tâm cải đạo. Ông tự thân lặn lội tới tận Ai Cập, chuyên tâm “tu luyện” thành một nhà truyền giáo chân chính.

Trên đường quay trở lại Iran, Sabbah nỗ lực giảng đạo Ismailis khắp nơi. Ông được phần đông dân nghèo tín phục. Nghe tin, tể tướng đương thời của Seljuk, Nizam al-Mulk lập tức phái quân truy sát. Sabbah phải trốn chui trốn nhủi khắp nơi. Vô tình, ông phát hiện Lâu đài Alamut và ẩn thân ở đó.

Thành đại bàng đậu Alamut

Đường lên lâu đài sát thủ Alamut ngày nay
 Đường lên lâu đài sát thủ Alamut ngày nay

Alamut là một lâu đài thiên về phòng thủ, nằm tại tỉnh Gilan, trong dãy Alborz, bắc Iran. Nó được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX, tọa lạc trên độ cao 2.072m so với mặt nước biển.

Tại Iran, Alborz là một trong những dãy núi hùng vĩ nhất. Nó sừng sững chắn ngang, ngăn cách cao nguyên Qazvin-Tehran với miền Nam biển Caspi. Chiều dài của Alborz lên đến 600km, chiều rộng trung bình là 95km.

Phần lớn vật chất cấu thành nên dãy Alborz là đá vôi và đá granit. Chúng không thích hợp cho cây cỏ sinh trưởng mạnh. Đa phần cảnh quan là vách đá dốc đứng, cao ngất. Chỉ có chim đại bàng mới có thể làm tổ trong những địa thế như thế này.

Vào khoảng năm 865, trong một lần hành quân, Tiểu vương Wahsudan b. Marzuban của vùng Justanid (Gilan ngày nay) chợt thấy có con đại bàng từ đâu bay tới, hạ cánh trên một tảng đá. Nhìn tư thế đĩnh đạc, vững vàng của nó, ông liền nảy ra ý tưởng xây dựng tòa thành không thể bị công phá.

Trong ngôn ngữ của Iran, “Alamut” có nghĩa là “bài học từ đại bàng”. Lâu đài Alamut được xây dựng trên một khối đá cao 180m, nằm trên đỉnh một ngọn đồi lớn, chỉ có duy nhất một con đường tiếp cận.

Có điều, khó cho địch thì cũng chẳng dễ cho ta. Xung quanh Alamut không có gì khác ngoài đất đá. Mọi nhu cầu thực phẩm, vật dụng đều phải mang vào từ bên ngoài. Vì quá mất công tốn sức, Tiểu quốc Justanid dần bỏ rơi Alamut.

Những năm bị trị bởi Seljuk, chẳng ai còn lòng dạ nào chăm lo cho tòa thành bị bỏ hoang. Alamut chỉ lác đác vài lính canh. Riêng trong mắt vị giáo chủ đang phải chạy trốn Sabbah, đó lại là nơi ẩn thân tuyệt vời nhất.

Lập tức, ông lên kế hoạch đánh chiếm thành. Dân chúng quanh thành Alamut căm ghét Seljuk ra mặt, vì sưu cao thuế nặng. Họ không chống trả mà mở cổng, nghênh tiếp Sabbah, tôn ngay lên làm thành chủ.

Trường huấn luyện sát thủ

Sát thủ Nizari
 Sát thủ Nizari

Sabbah nhanh chóng bắt tay vào tái thiết Alamut. Ông cho xây dựng thêm tường phòng thủ, đào hầm trữ lương thực, vũ khí, cải tạo hệ thống thủy lợi nhằm phát triển nông nghiệp tại chỗ. Tiếp đến là luyện binh, biến họ thành những sát thủ thiện nghệ, tàn bạo và trung thành bậc nhất. Những sát thủ này chính là tiền thân của Nizari Ismailis.

Để “dụ dỗ” các trai tráng khỏe mạnh, Sabbah cho mời họ vào thành. Ông tiếp nước có đánh thuốc mê, sau đó sai lính khiêng tới một khu vườn bí mật. Trong khu vườn này bày sẵn rượu thịt ngon lành, trinh nữ trẻ đẹp.

Trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, các trai tráng bị đánh lừa, cứ tưởng mình đã chết và được lên thiên đàng. Khi họ tỉnh thật, Sabbah hứa nếu chịu trở thành sát thủ, sẽ cho quay lại nơi đó. Vì thế, tất cả đều răm rắp nghe lệnh ông.

Mỗi Nizari đều là một sát thủ điêu luyện, họ thuần thục cả kỹ năng ám sát lẫn nghệ thuật lên chiến lược, sử dụng được mọi loại vũ khí và biết chữ. Chỉ cần nhận mật lệnh từ “ông già trên núi” (có thể là Sabbah), tất cả đều bất chấp tính mạng, thực hiện cho bằng được. Một Nizari không bao giờ tự sát, luôn quyết chiến đến hơi thở cuối cùng.

Mục tiêu đầu tiên của Nizari Ismailis là Tể tướng Nizam al-Mulk. Ông này bị đâm chết trong khi đang được khiêng kiệu giữa đám đông. Hầu hết các vụ ám sát của Nizari Ismailis đều được thực hiện tại nơi có nhiều người. Trong lịch sử 300 năm của tổ chức, các sát thủ thành công ám sát 2 nhà tiên tri, nhiều tể tướng, quốc vương và lãnh đạo Thập Tự Chinh.

Tàn tích ngày nay

Trải qua thời gian, tổ chức Nizari Ismailis ngày càng lớn mạnh. Họ xây dựng thêm nhiều lâu đài sát thủ khác, ví dụ như Lambsar và Rudkhan. Đế chế Seljuk điên cuồng bao vây các lâu đài này, quyết diệt trừ tận gốc, nhưng luôn thất bại. Bước sang thập niên 1250, tiếng tăm của Nizari Ismailis lừng lẫy khắp nơi.

Không biết có phải vì quá tự mãn không mà vào năm 1252, nhóm sát thủ tới tận Mông Cổ, ám sát Mông Kha Đại hãn (1209 - 1259). Mông Kha nổi điên, hạ lệnh tiến quân, mở đầu cho công cuộc xâm lược vùng Trung Đông. Chớp mắt, thành Alamut “bất khả xâm phạm” đã trở thành đống gạch vụn.

Ngày nay, Alamut chỉ còn là tàn tích. Để ghé thăm, du khách phải đến làng Gazorkhan dưới chân dãy Alborz trước. Phong cảnh Gazorkhan rất nên thơ, xanh bóng những hàng dương và vườn lựu chín đỏ. Alamut nằm trên đỉnh quả đồi cao nhất.

Nhờ có nó, vùng đất nơi đây còn được mệnh danh là “Thung lũng Sát thủ”. Men theo con đường nhỏ quanh co, lên đến đỉnh đồi là lộ ra nền móng của tòa thành, khối đá khổng lồ cao 180m. Đường lên là lối đi hẹp, liên tiếp hàng trăm bậc cầu thang đá. Nó lắt léo và cao ngất, khiến người leo lên muốn bỏ cuộc.

Trên đỉnh tảng đá, ngang dọc các đoạn tường và hố. Chúng cho thấy kết cấu cơ bản của tòa thành. Tổ chức bảo vệ di sản của Iran cho dựng giàn giáo xung quanh, bảo vệ chặt chẽ. Tuy không còn bao nhiêu di tích để ngắm, câu chuyện về Alamut vẫn đủ thu hút du khách nườm nượp tới thăm.

Alamut có khung cảnh hùng vĩ, xung quanh vùng đất còn mọc một loài thảo dược lạ, khiến gia súc ăn phải có sữa màu vàng. Thuở xưa, người ta cứ ngỡ chúng ăn phải vàng nên mới thế. Không ít người ôm ấp hy vọng tìm được vàng. Còn bây giờ, họ hài lòng với “vàng lỏng” ngọt lịm, uống tươi hay làm phô mát đều ngon lành.

Theo Atlas Obscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ