Sri Lanka: Tăng cường an ninh tại các trường học

GD&TĐ - Sau vụ đánh bom tự sát gây nhiều thương vong dịp Lễ Phục sinh, chính phủ Sri Lanka đã chính thức cho phép các trường học hoạt động bình thường trở lại; đồng thời triển khai nhiều biện pháp thắt chặt an ninh.

An ninh được tăng cường xung quanh các trường học ở Sri Lanka
An ninh được tăng cường xung quanh các trường học ở Sri Lanka

An ninh được thắt chặt

Cuối tuần qua vẫn có không ít trường đại học ở Sri Lanka đóng cửa. Một số trường cho biết đang chờ Hội đồng An ninh quốc gia cấp phép để có thể hoạt động trở lại. Hôm 10/5, Ủy ban Tài trợ Đại học Sri Lanka (UGC) đã ban hành tuyên bố yêu cầu các hiệu trưởng quyết định thời điểm cơ sở giáo dục có thể hoạt động lại bình thường, kể từ ngày 13/5, miễn là cảm thấy yên tâm với tình hình an ninh.

Lực lượng Quân đội, Hải quân và Không quân Sri Lanka đã tăng cường bảo vệ tại những khu vực lân cận trường học. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng kêu gọi sinh viên, học sinh và giáo viên nâng cao cảnh giác với môi trường xung quanh và tránh xa các bưu kiện cũng như gói hàng đáng ngờ. Trước khi học sinh trở lại trường, lực lượng an ninh sẽ rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Học sinh, sinh viên chỉ được phép vào trường sau khi thẻ ID cá nhân được xác thực, túi xách, ba lô và người được kiểm tra. Các phương tiện giao thông như xe 3 bánh, xe đạp, xe máy cũng sẽ bị kiểm soát nếu muốn vào khuôn viên trường học. Bên cạnh đó, UGC cũng đưa ra một số lời khuyên, khuyến khích sinh viên, học sinh không đem theo túi xách, ba lô vào các khu giảng đường, phòng kiểm tra và căng tin.

Hôm 30/4, chính phủ Sri Lanka đã ban hành lệnh cấm người dân che mặt ở nơi công cộng, kể cả là giáo viên hay học sinh, sinh viên. Những người che mặt sẽ không được phép vào trong trường. “Không ai được phép mặc trang phục hay phụ kiện che giấu toàn bộ khuôn mặt, gây cản trở cho việc xác định danh tính”, tuyên bố cho biết. Trước thông báo này, một nữ sinh Hồi giáo đã chia sẻ với trang tin University World News rằng, cô cảm thấy vô cùng ngại ngùng khi đi học mà không che mặt.

Kêu gọi đóng cửa Đại học Sharia

Sau cuộc tấn công vào Ngày lễ Phục sinh, các sinh viên và liên hiệp sinh viên đã yêu cầu chính phủ đóng cửa Trường Đại học Sharia hay “Khuôn viên Batticaloa”. Đây là một tổ chức tư nhân được xây dựng tại thôn Punani thuộc thành phố Batticaloa (Sri Lanka). Nhiều người cho rằng, ngôi trường này truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan và cho phép sinh viên học Cử nhân Nghệ thuật và nghiên cứu đạo Hồi theo luật Hồi giáo ở Sri Lanka mà không thu học phí.

Trước những ý kiến này, Liên đoàn Sinh viên Liên trường (IUSF) cho biết, khuôn viên mới này được coi là trường đại học Hồi giáo lớn nhất Nam Á và đang được xây dựng nhằm thúc đẩy hệ tư tưởng Hồi giáo, với sự hỗ trợ tài chính từ Ả-rập Xê-út cũng như chính phủ và UGC. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UGC, Giáo sư Mohan de Silva, các vấn đề của Trường Đại học Sharia không hề thuộc quyền hạn của UGC; đồng thời bác bỏ các thông tin từ truyền thông về sự liên quan của UGC với ngôi trường này. “Ủy ban Tài trợ Đại học cho biết không có tổ chức nào có tên Đại học Sharia hay Khuôn viên Batticaloa từng xin cấp phép, hay được ủy quyền để tiến hành các khóa học”, thông cáo báo chí của UGC tuyên bố.

Sau những chỉ trích nặng nề tới Đại học Sharia, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã lên tiếng cho biết, ngôi trường này vẫn sẽ tiếp tục là một trường ĐH tư thục theo các quy tắc và quy định của Bộ Giáo dục đại học và sẽ có quyết định rõ ràng về chương trình được giảng dạy trong trường.

Mới đây, Chủ tịch và Thư ký của Hội Sinh viên Trường Đại học Jaffna đã bị bắt trong một chiến dịch điều tra, do được cho là có liên quan đến

Velupillai Prabhakaran - lãnh đạo của LTTE hay còn gọi là “Những con hổ giải phóng Tamil”. Tổ chức quân đội chiến đấu độc lập cho người Tamil này đã bị đánh bại trong cuộc nội chiến kết thúc từ hàng thập kỷ trước.

Đầu tháng 5 vừa qua, trong khi hầu hết các trường đại học công lập đều đóng cửa, một số khoa y và trường đại học tư thục đã bắt đầu hoạt động trở lại từ 6/5 nhưng số sinh viên tới lớp chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Một số báo cáo cho thấy, chỉ có 5% - 10% học sinh trở lại trường vào ngày đầu tiên mở cửa, đặc biệt là tại các trường học nằm trong hoặc xung quanh thành phố Colombo và Negombo. Các quan chức bày tỏ hy vọng con số này sẽ tăng lên khi tình hình trở lại bình thường.

Lực lượng quân đội, cảnh sát và an ninh đã cùng triển khai một hoạt động đặc biệt kể từ ngày 1/5 để bảo đảm an toàn tại các trường học. Mỗi trường sẽ triển khai ít nhất một nhân viên an ninh và các đội tuần tra cũng như đội tìm kiếm đặc biệt tại các cơ sở giáo dục.

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên và cả phụ huynh, đã phản đối quyết định mở lại trường học của chính phủ vì một lượng lớn chất nổ, đạn dược, kiếm và những loại vũ khí khác vẫn đang được thu hồi trong các chiến dịch tìm kiếm hàng ngày. Những phát hiện này đã khiến học sinh và phụ huynh hoang mang và lo lắng khi cảm giác không chắc chắn về an toàn vẫn chiếm ưu thế.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".